Ngày 19/12, theo cơ quan Công an, theo lời khai ban đầu của đối tượng Cao Văn Hùng (SN 1973, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội), người đã phóng hoả, đốt cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, do có mâu thuẫn từ trước nên đã mua xăng và đi taxi đến quán cà phê đổ xăng vào dãy xe máy và châm lửa đốt.
Chỉ vài giây sau khi Hùng châm lửa, ngọn lửa đã bùng phát ôm trọn cửa ra vào của quán cà phê, lan nhanh vào tầng 1 và tiếp tục bốc cao lên các tầng 2,3,4. Khi thấy ngọn lửa bùng lên, Hùng bỏ đi. Vụ cháy đã khiến 11 người tử vong.
Phân tích tâm lý đối tượng, thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng, hành vi phóng hỏa quán cà phê khiến nhiều người thương vong là một hành vi cực đoan và nguy hiểm.
Dưới góc độ tâm lý học tội phạm, theo thượng tá Đào Trung Hiếu, đối tượng thuộc diện người có tâm lý ức chế. Những mâu thuẫn nhỏ nếu không được giải quyết triệt để có thể tạo ra sự dồn nén tâm lý. Khi sự bức xúc không được giải tỏa, chúng có thể tích tụ và dẫn đến hành vi bạo lực khi đạt tới ngưỡng chịu đựng.
Đối tượng cũng là người thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Đối tượng thường không có khả năng tự kiềm chế hoặc không biết cách xử lý mâu thuẫn một cách hòa bình, dẫn đến bùng phát hành vi bạo lực. Tính cách nóng nảy, dễ kích động càng làm tăng nguy cơ có hành động tiêu cực khi gặp mâu thuẫn.
Một số người có suy nghĩ lệch lạc rằng bạo lực là cách duy nhất để “giải quyết vấn đề” và khẳng định bản thân. Việc trả thù bằng hành động cực đoan như phóng hỏa cho thấy sự suy đồi trong nhận thức và đạo đức.
“Nếu đối tượng sống trong môi trường thường xuyên có bạo lực, thiếu giáo dục về đạo đức và pháp luật, họ sẽ hình thành suy nghĩ rằng việc sử dụng bạo lực là điều bình thường” - thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, mỗi cá nhân cần tôn trọng pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Hiểu rõ rằng mọi hành vi sử dụng bạo lực, đặc biệt là gây tổn hại đến người khác, đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Biết cách kiểm soát bản thân và kiềm chế cảm xúc. Học cách kiềm chế cơn giận, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động. Tự nhắc nhở bản thân về hậu quả nghiêm trọng khi mất kiểm soát.
Đồng thời biết cách nhường nhịn, thông cảm với người khác. Những hành động nhỏ như xin lỗi, cảm ơn hay lắng nghe có thể giúp giải tỏa mâu thuẫn.
Cũng theo thượng tá Đào Trung Hiếu, giải pháp để ngăn chặn những vụ việc tương tự thì cần đưa vào nhà trường và xã hội các chương trình giáo dục về kỹ năng giải quyết xung đột và kiểm soát cảm xúc; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để nâng cao nhận thức về hậu quả của hành vi bạo lực.
Các phương tiện truyền thông cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về hậu quả pháp lý và đạo đức của các hành vi bạo lực. Cảnh báo về các trường hợp thực tế để làm bài học cho cộng đồng.
Việc xử lý nghiêm minh theo pháp luật là điều cần thiết. Đối với các hành vi bạo lực, cần có hình phạt nghiêm khắc để răn đe và giáo dục. Công khai các vụ việc điển hình để tạo sự cảnh tỉnh trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý khi gặp khó khăn, bế tắc. Khuyến khích việc tìm đến sự hỗ trợ thay vì giải quyết bằng bạo lực. Gia đình, trường học và xã hội cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, nơi các mâu thuẫn được giải quyết bằng hòa bình và thấu hiểu.
“Hành vi phóng hỏa do mâu thuẫn nhỏ xuất phát từ sự mất kiểm soát cảm xúc, thiếu kỹ năng giải quyết xung đột, và suy giảm ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, mỗi cá nhân cần rèn luyện khả năng kiểm soát bản thân, tôn trọng pháp luật và xây dựng một lối sống văn minh, hòa nhã. Đồng thời, sự can thiệp từ cơ quan chức năng, gia đình và xã hội là rất cần thiết để phòng ngừa bạo lực và bảo vệ an toàn cho cộng đồng” - thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.