Thế nên phòng khách theo thời gian dường như càng… khách sáo hơn, ít được chú tâm về phong thủy lẫn cấu trúc. Với thế hệ trẻ thường xuyên “ăn ngủ trên mạng, tiếp bạn trên phây” thì phòng khách ngày càng ít tuân thủ yếu tố văn hóa truyền thống, nếu quan tâm phong thủy thường là chút vật phẩm sắp đặt, miễn sao thể hiện chất riêng!
Xu hướng đó không sai, nhưng không đủ, bởi các nhu cầu giao tiếp vẫn luôn làm nên nền tảng của các mối quan hệ trong xã hội và nhà cửa dù có riêng tư đến đâu vẫn phải có chỗ cho phòng khách, một chốn xác lập khả năng dung hòa nhiều khía cạnh đối lập.
Dung hòa nội ngoại: Giao thông, tiếp đón và sinh hoạt
Dung hòa với trục giao thông là vấn đề cơ bản mà phòng khách hiện đại hay gặp, trong khi nhà truyền thống lại ít có va chạm kiểu xuyên qua, cầu thang bên cạnh, hay từ phòng khách nhìn “xuyên thấu” nhiều hoạt động khác như kiểu nhà hiện đại. Xét về tính chất giao thông, kiểu vào nhà gặp ngay cầu thang sẽ khiến giao thông vòng vèo bất tiện.
Chỉ những công trình cần sự chào đón, thu hút khách như khách sạn, nhà hàng, giao dịch thương mại… mà tầng trệt mang tính phụ trợ (để xe, kho…) hoặc độc lập về công năng với tầng trên, còn phần chính nằm trên lửng, trên lầu… mới làm cấu trúc phòng khách “trộn lẫn” với trục giao thông, cầu thang đi thẳng ra trước cửa.
Kiểu bố trí cầu thang này sẽ hữu dụng khi nhà làm cho thuê kinh doanh, văn phòng, hoặc nhà tách thành nhiều căn hộ, phòng khách chỉ là chỗ chuyển tiếp của “bá tánh”, không phải thực sự dành cho gia chủ với các tiếp đón đủ trang trọng.
Dung hòa giao thông sẽ nằm ở bố trí hệ cửa (Khai Môn) và định vị trục, tuyến giao thông. Có thể cửa chính của ngôi nhà chung không đổi, như chung cư vậy, nhưng khi tiếp sau cửa chính là phòng khách thì rất cần có khoảng đệm như một Nội Minh Đường nhỏ, chuyển tiếp khí, chỗ mang giày, treo mũ nón… cũng là nơi đón khách hay tiễn khách đủ trang trọng.
Sau cửa, cần xem xét dung hòa quan hệ tiếp khách với sinh hoạt gia đình và khu bếp ăn. Một gia đình dù ít tiếp khách vẫn phải có lúc cần không gian đối ngoại ngày lễ tết, giỗ chạp, hay gặp gỡ người ngoài.
Tránh suy nghĩ làm phòng khách sơ sài, bởi một chỗ ở dù nhỏ hẹp đến đâu vẫn luôn là cơ cấu Nội Khí hoàn chỉnh, nếu không thì không gian ấy chỉ là căn phòng, không phải căn hộ. Ngay trong các minibox kiểu siêu nhỏ của Nhật Bản người ta vẫn có một bàn đa năng để vừa làm bàn ăn vừa làm việc và có thể tiếp khách khi cần thiết.
Dung hòa Ngũ hành: Màu sắc và trang trí
Xử lý nội thất nơi giao tiếp sao cho tăng tốt giảm xấu, đem lại ấn tượng tốt đẹp, tươi vui hơn cho nhà cửa luôn là chuyện mới mẻ, thú vị, liên quan không chỉ đến thẩm mỹ mà còn cả phong thủy.
Nhìn lại nếp nhà truyền thống người Việt trước đây, không gian sống chủ yếu ở nông thôn, gắn liền với chất liệu và thiên nhiên chung quanh, sinh hoạt theo lịch nông nghiệp, lấy mùa màng làm trục thời gian, lấy các nghi lễ và tình làng nghĩa xóm làm hồn không gian, ít chịu ảnh hưởng của nhịp sống công nghiệp như sau này.
Vì thế có thể thấy cấu trúc và trang trí phòng khách của gia chủ trẻ trong đô thị thời nay sẽ khác nơi tiếp khách của các bậc “phụ huynh” trung niên hoặc cao niên, cần hiểu và chia sẻ, dung hòa với nhau.
Cách chọn trang trí, màu sắc theo yếu tố ngũ hành của nhà truyền thống thực ra rất gần với nguyên tắc dùng màu trong kiến trúc – nội thất bền vững hiện đại, trong đó màu vàng của vôi, tre rơm, đất nện… tương ứng với nhóm Thổ – Mộc, còn màu ngói đỏ tươi, màu sơn son, tranh sơn mài, câu đối, vật dụng gỗ… là nhóm Mộc sinh Hỏa.
Văn hóa và tâm linh của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước vốn thuần về màu sắc thuận theo tự nhiên để ngôi nhà hài hòa với vùng khí hậu nhiệt đới – nóng ẩm – mưa nhiều – gió mùa.
Khi sang thời đại công nghiệp, lối hòa sắc, trang trí có nhiều phối kết với văn hóa tây phương và tùy theo độ tuổi, nghề nghiệp và đối tượng thường xuyên giao tiếp mà phòng khách sẽ ngả theo xu hướng nào. Tuy nhiên có thể thấy tính hiện đại, thời thượng và khả năng biểu hiện cá tính luôn là chủ đạo.
Tham khảo các công trình nhiệt đới hiện đại như ở Singapore, Thái Lan… sẽ thấy họ thường xuyên khai thác yếu tố bố trí mặt nước thuộc Thủy (khắc Hỏa) và màu tương sinh với Thủy như Kim và Mộc để đem đến cảm giác thư giãn nhiều hơn.
Màu trắng hoặc xám biểu đạt hành Kim, những sắc độ khác nhau của trắng từ trắng vàng (tông màu ấm) đến trắng xanh lá hay trắng phớt lam (tông màu lạnh) đều có thể sử dụng làm màu chủ đạo cho phòng khách xứ nhiệt đới, vừa hiện đại vừa mát mẻ chứ không như tông màu ấm thuở trước.
Việc sử dụng các vật dụng có chức năng kích hoạt nguồn khí nội thất gọi chung là vật khí phong thủy, tập trung bài trí theo phương vị và điều kiện cụ thể để hạn chế mặt xấu, tăng cường mặt tốt cho nhà thông qua các suy luận về âm dương, ngũ hành và tính biểu tượng của vật dụng.
Không gian phòng khách thông thường có khoảng năm vùng hoặc điểm có thể kích hoạt sự vui tươi và sống động, gia tăng cá tính và tạo giao tiếp tốt.
Thứ nhất là vùng chuyển tiếp giữa trong và ngoài, như khung cửa chính, cửa sổ thông ra hành lang, lối ra vào nơi tiếp khách, hoặc vùng kết thúc không gian cao thấp khác nhau mà có dầm đà đóng khung phía trên…
Cụ thể, có thể treo phong linh (ống kim loại) hoặc sáo trúc phát ra tiếng vui tai vừa báo hiệu có người ra vào, vừa tạo nét sinh động cho nội thất. Một số gia đình có thể biến tấu bằng xâu tiền hay chuông gió bằng gốm sứ… cũng có tác dụng kích hoạt âm thanh bổ sung phần cảm nhận về thính giác (ngoài các giác quan khác như thị giác, xúc giác…).
Thứ nhì là vùng trung tâm phòng khách, thông thường có thể là đèn chùm, đèn trang trí với nhiều biến thể khác nhau tùy gu thẩm mỹ. Với nội thất cổ điển thì đèn kết hợp quạt trần, đèn lồng cổ điển là chọn lựa đậm chất truyền thống. Còn dạng phòng khách hiện đại thì kiểu đèn sẽ theo cách thiết kế và chọn lựa đồng bộ, miễn sao không tạo cảm giác đè nặng tại trung tâm phòng là được.
Thứ ba là vùng bố trí vật hoặc tranh ảnh hỗ trợ cho Tọa Thủ của ghế ngồi, salon, nơi gia chủ tiếp khách. Khu vực này có thể là cả mảng tường, mảng tủ kệ, hoặc có thể lá vách ngăn tương đối với không gian khác. Tùy thực tế để xử lý, nhưng về cơ bản đây là điểm nhấn và tạo chỗ dựa vững chãi, do đó yếu tố ổn định của hành Thổ và Mộc cần đề cao.
Thứ tư là vị trí hai bên trái phải (Thanh Long – Bạch Hổ) của nơi gia chủ an tọa, đóng vai trò hỗ trợ, nên mang tính trang trí nhẹ nhàng, có thể đặt đèn bàn, ghế nhỏ, hay là phần kéo dài của ghế sofa, kệ sách ở góc…
Khi gia chủ kết hợp bàn tiếp khách với bàn ăn thì vùng này không rõ ràng, có thể dùng chậu cây (loại sống trong nội thất) để định vị, như các cây Kim Ngân, Phát Tài, hay chậu Dương Xỉ, Trầu Bà… cũng có tác dụng hữu hiệu.
Thứ năm là các vị trí Trấn Trạch, bao gồm những điểm giúp chặn lại dòng di chuyển Trực Xung, che bớt tia nhìn vào những khu vực bất lợi. Cụ thể như tấm bình phong có thể đặt tại cửa ra vào, trước lối lên cầu thang hay lối vô khu vệ sinh mà từ phòng khách thấy được.
Một số căn hộ nhỏ có bàn ăn ngay kề bên khu tiếp khách thì mảng bình phong có thể thay bằng tủ kệ đa năng, vừa chắn Trực Xung Đối Môn (mở cửa vào gặp ngay bếp hoặc cửa phòng ngủ) vừa giúp khu vực sinh hoạt bên trong thấp thoáng nhẹ nhàng hơn là “phơi bày” toàn bộ nội thất.
Khi phòng khách là nơi đầu mối giao thông thì vị trí trấn trạch có thể bố trí tượng đá, bình gốm, cây cảnh mang tính chất vững chãi, giúp định hướng rõ ràng vị trí và lối đi lại, tăng sự trang nghiêm cho nhà ở.
Tuy nhiên, cần tránh xem việc bài trí vật dụng phong thủy là bắt buộc và cố định, khi chưa xác định rõ phong cách nội thất và xu hướng thẩm mỹ, lối sống của gia chủ.
Nhà hợp với người, người hòa cùng nhà là điều nên làm, chứ đừng biến nội thất hiện đại Tây phương bị khập khễnh với kiểu thức trang trí của Đông phương, hoặc dùng đồ phong thủy không phù hợp với sinh hoạt, phong tục tập quán của địa phương mình, gia đình mình.
Khéo chọn thứ mình thích, mình hợp, khéo sắp xếp cho vừa mắt và không gây xa hoa lãng phí, chính là thuận theo các quy luật tự nhiên. Đó cũng là tiêu chí cao nhất của không gian phòng khách đắc cách.