Triết lý Đông phương có câu “Đạo trời theo quy luật thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào” nhằm tạo lập không gian trống mới có thể đắc dụng được. Đó cũng là quan điểm cơ bản của văn hóa ứng xử hòa hợp: khoe cần cân nhắc, che tránh cực đoan.
Ví dụ khu vệ sinh hay khu bếp nếu muốn bố trí kiểu thoáng mở thì cần xem xét tính chất nấu nướng, thói quen sinh hoạt có tiện hay không khi “khoe” không gian, nhằm giảm chuyện lan tỏa khói mùi, độ ẩm hay lộ ra các vật dụng mang tính riêng tư.
Việc che chắn cũng vậy, đôi khi xuất phát từ thói quen hàng ngày bừa bộn, nhiều nhà thích ngăn chia nhiều để tạo nên những chỗ “khuất mắt” kín đáo, nhưng càng làm vậy sẽ càng khiến nhà ngột ngạt, giảm thông thoáng, xuất hiện ngóc ngách và hao tốn diện tích.
Phòng ngủ là dạng không gian nhiều điểm cố định bởi vật dụng và công năng, như vị trí giường, kệ tivi, bàn làm việc… ít xê dịch thay đổi, nên giữ được các khoảng trống còn lại rất quan trọng, thậm chí quyết định đến thần thái của nội thất.
Điều này ngôi nhà hiện đại cần học hỏi nếp nhà truyền thống: dù điều kiện kinh tế và tiện nghi thuở xưa không cao nhưng rất khéo giữ gìn các khoảng trống, khoảng thở, khoảng luân chuyển khí trong và quanh nhà.
Phòng ngủ là không gian riêng tư nên cũng dễ lựa chọn hơn so với các không gian chung khác. Cách sắp xếp theo lối “điền vào chỗ trống” thường khiến nội khí phong thủy bị đình trệ, nhưng nếu áp dụng lối thiết kế tối giản quá mức thì không phải ai cũng quen dùng trong không gian quá trống trải.
Vì thế, nên tham khảo dạng nội thất mang tính linh hoạt và đa năng: định vị đúng và đủ các khối chức nùng cơ bản; kiểm soát khoảng trống đi cùng khả năng thay đồi nhờ linh hoạt sắp xếp; rồi chọn một vài điểm nhấn nhá nổi bật bằng vật dụng để giúp nội thất luôn sinh khí.
Tất cả sẽ giúp chủ nhân mỗi khi bước vào góc riêng nghỉ ngơi của mình luôn cảm thấy thoải mái và thú vị, tận hưởng và kiểm soát tốt không gian sống của mình.