Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa tham nhũng cần nhiều giải pháp hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân Ngày Quốc tế Phòng chống tham nhũng (PCTN), sáng 9/12, Thanh...

Phòng ngừa tham nhũng cần nhiều giải pháp hơn - Ảnh 1
Kinhtedothi - Nhân Ngày Quốc tế Phòng chống tham nhũng (PCTN), sáng 9/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm Chung tay PCTN vì sự phát triển. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã có những chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về việc thực hiện các biện pháp trọng tâm PCTN như kê khai tài sản, bảo vệ người tố cáo tiêu cực trong thời gian qua.

Xin ông cho biết, thông điệp hướng đến trong Ngày Quốc tế PCTN năm nay có ý nghĩa như thế nào?

- Việt Nam đã tham gia công ước của Liên Hợp quốc về PCTN vào năm 2009. Trong việc thực hiện, hàng năm, chúng ta đã tham gia đầy đủ với trách nhiệm là một thành viên tích cực của Liên Hợp quốc về PCTN. Năm 2014, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh thông điệp là "phá vỡ tham nhũng". Đối với Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động, các chu trình đánh giá và tới đây sẽ tiếp tục tham gia đánh giá về phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản.
 
Thời gian gần đây, vai trò của cộng đồng trong việc tố cáo, PCTN đã tích cực hơn, song việc bảo vệ người tố cáo còn hạn chế. Vậy, TTCP có biện pháp gì để cộng đồng tham gia tích cực hơn, thưa ông?

- Chúng tôi nhận thức rất rõ, PCTN là công cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà vai trò của công chúng, báo chí là rất quan trọng. Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở Luật PCTN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN sửa đổi năm 2012, trong đó quy định một số điều về phát huy, khuyến khích, bảo vệ người tố cáo. Trong năm 2011, TTCP cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã có Thông tư 03 về khen thưởng người tố cáo. Năm 2012, sau khi Luật PCTN có hiệu lực, Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư đã chỉ đạo tiếp tục bổ sung, điều chỉnh tăng mức khen thưởng đối với người tố cáo. Có thể nói, việc công chúng tham gia PCTN, đây là điều hết sức quan trọng, cần thiết. Ngoài quyết tâm chính trị của Đảng, của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, người dân, và đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí tham gia PCTN là một kênh thông tin quan trọng, rộng rãi và có hiệu quả.

Một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng là kê khai tài sản, nhưng vừa rồi, theo tổng kết của TTCP, giải pháp này chưa đạt hiệu quả cao. Vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Vấn đề kê khai tài sản thu nhập được xác định là một trong 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng và bắt đầu được thực hiện từ năm 2007. Cho đến năm 2013, việc kê khai tài sản, thu nhập có nhiều tiến bộ hơn: Trong tất cả các đối tượng kê khai, tỷ lệ kê khai tài sản đạt trên 99%; tỷ lệ công khai tài sản đạt 96%. Chúng tôi đánh giá kết quả này là tích cực, nhưng cũng thấy rằng còn nhiều khiếm khuyết, nhược điểm. Nguyên nhân do tính tự giác của người kê khai chưa đầy đủ; vai trò của người lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đúng mức; chế tài chưa mạnh, chưa có biệp pháp giải quyết kịp thời, đầy đủ với những trường hợp chưa trung thực trong kê khai tài sản, đặc biệt là tài sản tăng lên. Vì vậy, thời gian sắp tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tính tự giác của người kê khai. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật, quy định chặt chẽ và kiểm soát tốt hơn, xác minh đầy đủ việc kê khai không trung thực để có chế tài xử lý.

Vừa qua, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2014 cho thấy, điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong 3 năm liên tiếp (2012 - 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia. Ông có bình luận gì về đánh giá của TI?

- Hiện nay, có nhiều công cụ khác nhau để đánh giá tình hình, kết quả của công tác PCTN cũng như có nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau tham gia đánh giá về việc này. Đánh giá về tình hình tham nhũng tại Việt Nam của TI không tăng, không giảm trong 3 năm qua là phù hợp với đánh giá của chính Việt Nam. Nghĩa là thực tế tham nhũng chưa được cải thiện, vẫn còn nghiêm trọng trong khu vực công, chúng ta cần nỗ lực hơn, cần nhiều giải pháp phòng ngừa hơn. Chúng ta không ồn ào, khoa trương trong công cuộc chống tham nhũng, mà từng bước xây dựng nền văn hóa nói không với tham nhũng. Thời gian tới, những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, nhiều lĩnh vực dễ tiêu cực sẽ được quan tâm, đặt trọng tâm phát hiện điều tra, truy tố xét xử, nhất là các vụ án nghiêm trọng gắn với phòng ngừa tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!

 
 Bà Đào Nga - Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch:

Số người tố cáo tham nhũng còn thấp

Tỷ lệ người sẵn sàng tố cáo tham nhũng ở Việt Nam chỉ là 30%, trong khi ở Malaysia là 79%. Điều này cho thấy, người dân còn thiếu tin tưởng, sợ bị trả thù dẫn đến e ngại tố cáo tham nhũng. Vì vậy, để huy động sự tham gia của công dân vào công tác PCTN, cần cải thiện cơ chế giám sát và tiếp thu ý kiến của người dân, cần tạo cho các cơ quan Nhà nước có thói quen phản hồi ý kiến phản ánh của người dân, tăng tính minh bạch và giải trình của cơ quan công quyền.