Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, tránh đuối nước cho trẻ: Xây bể bơi thông minh trong trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước đang tăng cao đến mức báo động, đặc biệt là những vụ tai nạn đuối nước thương tâm của học sinh (HS).

Gia tăng trẻ bị đuối nước

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH thừa nhận, mới chỉ đầu Hè, nhưng tình trạng HS đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, TP. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 5 đã có 3 HS lớp 1 chết đuối dưới kênh tại tỉnh Long An (ngày 6/5), 4 HS lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại Khánh Hòa, 3 HS lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại tỉnh Nam Định, trước đó là vụ 9 HS lớp 6 tử vong khi tắm sông tại Quảng Ninh…
Bể bơi 4 mùa trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Minh Tuấn
Bể bơi 4 mùa trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Minh Tuấn
Ngay trong ngày 6/6 đã có 3 trẻ đuối nước tại Thừa Thiên Huế. Về nguyên nhân chủ quan, ông Đặng Hoa Nam cho biết, chủ yếu do trẻ em thiếu kỹ năng an toàn dưới nước, không biết bơi... Có một thực tế là, mặc dù địa phương thường xuyên tuyên truyền, mở lớp dạy bơi cho trẻ, nhưng do thiếu cơ sở vật chất và không đảm bảo an toàn nên không nhiều trẻ được tham gia các lớp học bơi.     

Theo thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, trung bình mỗi ngày, cả nước có 9 trẻ bị đuối nước, mà tỷ lệ đuối nước trong dịp Hè tăng đột biến. 3 tỉnh, TP có số trẻ đuối nước cao nhất là Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội…

Nhiều khó khăn

Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có việc phòng, chống đuối nước ở trẻ. Bản thân ngành GD&ĐT các tỉnh, TP, mà điển hình là Hà Nội gần đây cũng có văn bản yêu cầu các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các trường học trực thuộc tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa, ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho HS. Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số trường, việc dạy bơi gặp nhiều khó khăn. Bởi hầu hết các trường không có bể bơi, muốn mở lớp dạy phải thuê bể ở ngoài nhà trường; rồi việc đưa đón, chăm sóc HS… rất bất tiện. Như trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) lên kế hoạch dạy bơi và liên tục mở các lớp học cho HS trong Hè từ 2/6 đến hết tháng 8/2016. Nhà trường liên kết, thuê bể bơi của Khách sạn Kim Liên và bể ở Cung Thể thao Mỹ Đình để phục vụ việc dạy, học bơi. Tuy nhiên, việc đưa đón và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS vẫn là nỗi lo thường trực của nhà trường.

Vì thế, bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên cho rằng, để hạn chế đi lại, đảm bảo an toàn cho HS, có thể xây bể bơi thông minh trong các nhà trường. Xây bể bơi thông minh, tận dụng trong 3 tháng Hè. "Tôi nghĩ có thể làm được ở các nhà trường, bởi Hè, HS nghỉ học, sân trường đủ rộng để lắp ghép làm bể phục vụ nhu cầu học bơi của HS, vào năm học tháo dỡ, Hè sau lại tiếp tục sử dụng. Rất mong các cơ quan quản lý, ngành giáo dục quan tâm, nghiên cứu để đưa bể bơi thông minh vào các nhà trường. Kinh phí có thể đầu tư thêm hoặc xã hội hóa… Có chủ trương, chỉ đạo cụ thể để các trường làm đồng bộ, thống nhất” – bà Mai kiến nghị.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, bể bơi thông minh trong các nhà trường rất thuận tiện trong việc quản lý HS, đồng thời giảm chi phí học bơi. Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Tâm – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Trường đã có tờ trình gửi UBND quận và Phòng GD&ĐT về việc lắp ghép bể thông minh tại nhà thể chất của trường phục vụ dạy bơi cho HS trong dịp Hè. Khi có ý kiến của cấp trên, Trường sẽ triển khai dạy bơi cho HS. Việc dạy bơi tại trường sẽ giảm rất nhiều chi phí so với việc phải thuê bể và đưa HS đi, đưa HS về, đặc biệt, HS sẽ an toàn hơn khi học tại trường”.

Trong lúc tình trạng đuối nước ở trẻ đang báo động, bể bơi phục vụ việc dạy và học bơi trong các nhà trường đang là một dấu hỏi lớn, thì bể bơi thông minh được xem như một giải pháp hợp lý trong lúc này.