Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phong tục độc đáo ngày 30 Tết của đồng bào Mông ở Tủa Chùa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi hoa đào, hoa mận nở rực trên các sườn đồi, khói bếp nhà nhà hòa quyện cùng sương sớm lan tỏa cũng là lúc đồng bào Mông vùng cao Tủa Chùa lại rộn vui chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.

Trước đây, đồng bào ăn Tết theo năm, tháng dương lịch. Từ  sau Ngày Giải phóng, hòa chung với niềm vui của đất nước, đồng bào đã đồng lòng vui chung một Tết với các dân tộc khác, tức  ăn Tết theo năm tháng âm lịch.

Chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, tại các gia đình đồng bào Mông ở Tủa Chùa, Điện Biên, nhà nào cũng giã bánh dày, chuẩn bị đầy đủ lợn, gà, rượu, giấy dán... Đồng bào quan niệm rằng, sau một năm làm lụng vất vả, dịp Tết là thời gian để người thân, họ hàng đến thăm hỏi, động viên nhau nên phải chuẩn bị Tết tươm tất.

 
Mâm cỗ ngày Tết của người Mông. Ảnh: Cảnh sát toàn cầu
Mâm cỗ ngày Tết của người Mông. Ảnh: Cảnh sát toàn cầu
Khi công tác chuẩn bị xong xuôi, một phong tục không thể thiếu trong ngày 30 Tết là thay bàn thờ và cúng tổ tiên. Sáng 30 Tết, chủ nhà chuẩn bị một cái chổi bằng 3 ngọn cây hoặc 3 ngọn tre, một cái mẹt nhỏ hoặc một tấm mo nan để quét bồ hóng (tiếng Mông gọi là “Qêz nkhơưz”). Tay trái chủ nhà cầm mẹt hứng, tay phải cầm chổi quét từ bên cửa trái nhìn từ trong nhà ra một vòng đến cửa bên phải và đi ra ngoài đổ bồ hóng ở hướng mặt trời mọc.

Sau khi quét xong bồ hóng là cúng bàn thờ. Chủ nhà dọn dẹp bàn thờ, đổ tro cũ, xé giấy cũ, thay tro và giấy mới. Tiếp đó là bắt một con gà trống choai, chuẩn bị 12 nén hương, 12 mảnh giấy con. Chủ nhà đốt hương lên bàn thờ xong, cầm con gà đang sống đến dưới bàn thờ và khấn.

Nói về việc cúng bàn thờ (tiếng Mông gọi “Txi siv caz”), ông Vì A Hao, nghệ nhân dân tộc Mông Xanh, ở Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: “Người Mông chúng tôi khi cúng bàn thờ thì khấn như sau: Năm cũ hết, năm mới đến/Tôi có con gà trống/Mười hai mảnh giấy/Mười hai nén hương/Để mời bàn thờ/Ma nhà, ma bếp/Tất cả về nhận/Phù hộ cho tôi/Cả nhà mười hai hồn vía/Không ốm, không bệnh tật/Chăm trai được trai/Chăm gái được gái/Lợn, gà đầy chuồng/Lúa gạo đầy kho…”.

Sau khi khấn xong, chủ nhà đem con gà trống choai ra cắt tiết và bôi lên bàn thờ ba giọt tiết, tiếp đó nhổ lông sau gáy con gà dính vào ba chỗ đã bôi tiết trên bàn thờ, rồi đem con gà đi luộc chín để tiếp tục cúng.

Ông Giàng A Sử, một người cao tuổi ở xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa cho biết: “Đồng bào phải chuẩn bị thêm 4 chén rượu, 4 cái bánh dày để cúng tổ tiên. Về dán giấy thì phải dán cho các vật dụng lao động trong nhà, chuồng trâu, chuồng lợn… Đồng bào quan niệm rằng, sau một năm vất vả làm ăn, tất cả vật dụng lao động cũng cần được nghỉ ngơi”.

Kết thúc lễ cúng, chủ nhà xem chân gà, lưỡi gà, mắt gà và đầu gà. Xem xong mang gà ra chặt để người nhà cùng ăn. Theo người Tủa Chùa, đây là lộc của tổ tiên ban phát cho con cháu. Trước khi ăn, chủ nhà phải mời bố đẻ hoặc trưởng dòng họ đến cúng. Sau đó là mời bố của chủ hộ rồi mới đến mời anh em họ hàng 3 đời về cùng bố đẻ uống rượu, ăn cơm.

Tết đến xuân về. Sau khi làm xong lễ cúng bái tổ tiên trong ngày 30 Tết, khắp bản trên mường dưới, đồng bào Mông ở vùng cao Tủa Chùa lại quây quần bên nhau, ai cũng sắm sửa cho mình những bộ trang phục rực rỡ nhất để cùng nhau đi chơi tết, với niềm tin năm mới sẽ gặp nhiều may mắn./.