Gia tăng áp lực phòng vệ thương mại
Với hiệp định thương mại tự do có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt Nam trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn. Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng phân tích, đơn cử như nông sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất sang EU nên khả năng EU cân nhắc áp dụng PVTM nếu hàng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến là rất hiện hữu. “Nếu một mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của các quốc gia thuộc khối này, thì EU có thể sử dụng biện pháp PVTM ngay lập tức. Họ có thể ngừng giảm thuế 0% trong vòng 4 năm hoặc đưa về mức thuế cơ sở đối với mặt hàng này” - ông Lê Triệu Dũng dẫn chứng.Không chỉ với nông sản, khi EVFTA có hiệu lực, việc mua bán hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ về mức 0%, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc PVTM giữa 2 bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu. Do đó, việc Bộ Công Thương cung cấp, trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng về rủi ro PVTM, đồng thời đưa ra khuyến nghị các ngành hàng, DN cần theo dõi chặt chẽ kim ngạch xuất khẩu sang EU là rất cần thiết.Đáng chú ý, hiện nay, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất lúc Hiệp định EVFTA bước vào giai đoạn thực thi. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra, các sản phẩm bị kiện ngày càng mở rộng ở nhiều ngành hàng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số DN tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.Nắm vững cam kết để chủ động ứng phóNhiều chuyên gia nhận định, việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các DN cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Mặt khác, DN cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu. Đồng thời, có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin. Đặc biệt, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa liên quan, DN cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có, gây bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc.Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó các biện pháp PVTM của nước nhập khẩu, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe cho biết: Việc thuê luật sư, văn phòng luật giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường ngay tại nước khởi xướng các vụ việc PVTM đã giúp các DN xuất khẩu thủy sản đương đầu với những điều khoản, yêu cầu của nước nhập khẩu. Một yếu tố quan trọng nữa là phải kiên trì theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá, bởi nếu bỏ cuộc cũng đồng nghĩa bỏ thị trường lớn.Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện PVTM, các DN cần thường xuyên liên lạc với VCCI, Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài. Quan trọng hơn cả, DN Việt không nên vì lợi ích trước mắt tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ của DN nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2020, đã có 30 vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Viêt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam điều tra, áp dụng 17 vụ việc PVTM với hàng hóa nhập khẩu. |