Chúc mừng năm mới

Phong vị Tết truyền thống tại “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là chủ đề hoạt động tháng 2 được tổ chức từ ngày 1 - 28/2/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhằm mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.

Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong khuôn khổ hoạt động tháng 2 “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc. Đan xen với đó là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do chủ thể văn hóa thực hiện.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật do đồng bào các dân tộc Tây Nguyên biểu diễn. Ảnh: Phạm Hương
Hoạt động văn hóa nghệ thuật do đồng bào các dân tộc Tây Nguyên biểu diễn. Ảnh: Phạm Hương

Bên cạnh việc hưởng ứng sự kiện Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025 theo Kế hoạch của Bộ VHTT&DL, hoạt động tháng 2 có khoảng hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Chương trình tháng 2 với các hoạt động như: hoạt động điểm nhấn sự kiện “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, chương trình giao lưu “Tây Bắc khi Xuân về”. Đồng bào các dân tộc rộn ràng reo vui, cùng kể cho nhau những mùa Xuân trên quê hương mình bằng lời ca tiếng hát, trò chơi dân gian truyền thống ngày Xuân. Cụ thể, đồng bào Mông vui trong điệu khèn; đồng bào Tày, Nùng vui trong tiếng đàn Tính, hát Then; đồng bào Thái, Khơ Mú, Lào say trong tiếng nhạc rộn ràng điệu múa sạp, điệu xòe…

Cùng với đó là hoạt động tái hiện Lễ cúng giọt nước (Tết giọt nước) của nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Phong tục này không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng mà còn nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước buôn làng.

Sau phần chứng kiến nghi thức theo phong tục truyền thống do các già làng Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày là các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như múa xoang, cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống dệt vải… và ẩm thực độc đáo.

Bên cạnh đó là chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng đón Xuân” với các ca khúc, tiết mục múa Tây Nguyên mùa Xuân về, những nét rộn ràng khi mùa Xuân về khắp buôn làng; giới thiệu âm nhạc dân gian các dụng cụ từ tre nứa như đàn đinh pút, đàn tơ rưng; giới thiệu nghề đan lát, nghề dệt Dèng truyền thống.

Ngoài ra là hoạt động chúc phúc cầu an đầu năm mới Ất Tỵ - bát hội đầu Xuân tại chùa Khmer; lễ hạ nêu; trưng bày ảnh với chủ đề “Sắc màu văn hóa tại ngôi nhà chung”, giới thiệu khoảng 30 bức ảnh giới thiệu các hoạt động lễ hội được bố trí theo các cụm, vùng miền để thấy được những hoạt động cũng như sắc màu văn hóa đã được các cộng đồng tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động vui Tết đón Xuân tại không gian các làng đồng bào thể hiện các phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu dân tộc vùng miền nhất là thời gian từ mùng 4 Tết đến 15 tháng Giêng; giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới. Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa Xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến...

Đồng thời tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái; các hoạt động khác như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.