Phụ gia thực phẩm trôi nổi: Mối lo của người tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 90% số lượng, chủng loại phụ gia thực phẩm (PGTP) được sử dụng tại Việt Nam đều phải nhập khẩu. Trong số đó, số được nhập khẩu chính ngạch rất ít, chủ yếu là… nhập lậu. Thông tin vừa được Cục AT&VSTP công bố gây lo ngại đối với người tiêu dùng.

Vi phạm khắp nơi

Chợ Đồng Xuân - chợ đầu mối buôn bán PGTP lớn nhất Hà Nội, hiện có khoảng 172 hộ kinh doanh thực phẩm, 18 hộ kinh doanh chất phụ gia. Dù hàng năm Ban quản lý chợ đều yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết chấp hành quy định về đảm bảo ATVSTP, tuy nhiên lần nào kiểm tra tại chợ này các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều sai phạm. Mới đây nhất, qua kiểm tra tại 18 ki-ốt kinh doanh thực phẩm trong chợ, đoàn thanh tra liên ngành của Cục AT&VSTP đã phát hiện hàng loạt sai phạm về nhãn mác, cụ thể là PGTP Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, không có đơn vị nhập khẩu.

Phụ gia thực phẩm trôi nổi: Mối lo của người tiêu dùng - Ảnh 1

Phụ gia, hóa chất công nghiệp và thực phẩm được bày bán tràn lan. Ảnh: Mi  Nguyên

 Tại TP. HCM, nơi tập trung phân phối sỉ các mặt hàng phụ gia hóa chất hàng đầu cho TP và các tỉnh lân cận là chợ Kim Biên, chợ Lớn ở quận 5. Riêng tại chợ Kim Biên có gần 100 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó có 74 hộ kinh doanh PGTP, còn lại là hóa chất công nghiệp và sản phẩm nhập khẩu. Mặc dù, theo quy định mới, hoá chất nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc, nhưng, đợt kiểm tra nào, cơ quan chức năng cũng phát hiện vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc.

Theo Cục AT&VSTP, có đến 42% số người kinh doanh, 68% số người tiêu dùng chưa biết cách sử dụng PGTP. Thực tế đáng báo động hiện nay vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng phụ gia công nghiệp trong chế biến thực phẩm. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục AT&VSTP cho biết, hàng PGTP nhập lậu rất lớn nhưng không thống kê được, đặc biệt là nhập lậu từ Trung Quốc qua đường biên giới, bày bán ở các cơ sở nhỏ lẻ.

Mắc bệnh vì phụ gia thực phẩm

Qua khảo sát của Bộ Y tế, tại khu vực phía Bắc có 15,6% mẫu phở, bánh giò nhiễm hàn the, 12,5% mẫu nước giải khát có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép, 12% mẫu nước giải khát, mì ăn liền có phẩm màu kiềm... Tại phía Nam, 17,2% mẫu tôm tươi, bún nhiễm formol. Tại miền Trung có 18% mẫu thực phẩm chứa chất bảo quản vượt ngưỡng, 5,7% mẫu nhiễm hàn the và tại khu vực Tây Nguyên có 22,7 % sản phẩm bánh, mứt, kẹo sử dụng phụ gia vượt ngưỡng cho phép.

Ông Phong cảnh báo, việc sử dụng PGTP quá liều sẽ gây ngộ độc cấp tính nếu ở liều cao và về lâu dài gây ngộ độc mãn tính. Chẳng hạn 1g hàn the có thể gây tiêu chảy, nôn mửa và nếu nhiễm nặng hơn có thể gây tử vong. Nếu liều thấp không có biểu hiện gì nhưng ở mức 15% tích lũy ở mô mỡ, mô thần kinh sẽ làm giảm cân, rụng tóc, suy thận. Còn như chất Brilliant Blue E133 liều cao có thể làm tăng tính hiếu động ở trẻ em…

PGTP gây hại là vậy, nhưng công tác quản lý lại vô cùng khó khăn. Bà Vũ Thanh Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý ATTP, Ban Quản lý chợ Đồng Xuân cho rằng, việc phát hiện các vi phạm tại chợ rất khó, do lợi nhuận cao, nhiều hộ kinh doanh đã lén lút buôn bán các mặt hàng cấm, các chất phụ gia không đảm bảo an toàn. Tương tự, tại TP. HCM, bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên cũng thừa nhận khó kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ PGTP lậu.

Nhìn trên diện rộng, ông nguyễn Thanh Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến là do số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta lớn, đa phần nhỏ lẻ. Mặc khác, khi phát hiện vi phạm, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, tình trạng kinh doanh, sử dụng PGTP đến nay vẫn chưa được kiểm soát, vẫn là mối lo cho sức khỏe của người tiêu dùng.