Phụ huynh kêu trời vì con em đang bị lấy làm "chuột bạch"

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ rối bời vì đổi mới, người ta còn có cảm giác lãnh đạo ngành giáo dục đang không nghĩ đến học sinh, cứ thoải mái lấy học sinh ra làm “chuột bạch” cho những thử nghiệm đổi mới của mình.

Phương án tổ chức thi THPT quốc gia chưa ngã ngũ những đổi thay trong mùa thi 2017, những chỉnh sửa trong cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT vẫn chưa đi đến đâu, mô hình trường học mới đang thử nghiệm còn ngổn ngang tranh cãi... thì mấy hôm nay, dư luận lại om sòm vì đề án thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung cho học sinh bắt đầu từ lớp 3 cho đến lớp 12 như một ngoại ngữ chính.
 Phụ huynh kêu trời!
 Không chỉ rối bời vì đổi mới, người ta còn có cảm giác lãnh đạo ngành giáo dục đang không nghĩ đến học sinh, cứ thoải mái lấy học sinh ra làm “chuột bạch” cho những thử nghiệm đổi mới của mình. Không ít người lo lắng: Những thí điểm liên hồi này rồi sẽ cho ra lò một thế hệ học trò thế nào trong tương lai?
Dễ hiểu vì sao người lớn lại phản đối việc dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ, bởi hiện tại hệ thống giáo dục phổ thông đã đang như lạc trong mê cung của các thứ ngoại ngữ thử nghiệm. Ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ thứ 1, rất nhiều trường đang thử nghiệm đưa tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức vào chương trình học của trẻ dưới hình thức môn học tự chọn. Giờ lại thêm tiếng Nga và tiếng Trung nữa, mê cung ấy rối rắm đến độ nào? Mà phải thẳng thắn nhìn nhận, trẻ tiểu học còn đang ê a đánh vần tiếng mẹ đẻ, học hàng ngày ngữ pháp tiếng Việt, thì có khác gì đánh đố khi bắt chúng học những thứ ngôn ngữ với chữ viết tượng hình như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn? Nói như một chuyên gia giáo dục: Việc thí điểm dạy thêm nhiều môn ngoại ngữ chỉ khiến cho chương trình học phổ thông thêm cồng kềnh và kém hiệu quả! Hình như khi xây dựng ý tưởng này, Bộ GD&ĐT không tính đến tâm lý và nhu cầu thực tế của những người đang hàng ngày đưa con đến trường. Rất nhiều phụ huynh khi được hỏi đều khẳng định không có nhu cầu cho con học tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Nhật, bởi phải theo đuổi một ngoại ngữ mà ít có nhu cầu sử dụng trong tương lai sẽ mất thời gian, lại không có tác dụng. Bất cập thấy rõ, vậy mà sao “ông Bộ” cứ “cố đấm ăn xôi” để phải nhận về... xôi hẩm?
Có lẽ những giáo viên hàng ngày đứng trên bục giảng, trực tiếp rèn dạy học sinh nói đúng: Ngoài tiếng Anh mang tính chất phổ biến như một công cụ giao tiếp quốc tế, các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Hàn, tiếng Nhật chỉ nên coi là ngoại ngữ thứ hai tự chọn, không bắt buộc. Và thay vì ôm đồm quá nhiều môn ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT chỉ cần tập trung làm thật hiệu quả một môn ngoại ngữ phổ biến nhất và cũng cần thiết nhất là môn tiếng Anh. Như vậy, yêu cầu giảm tải và tính chất hữu dụng thực tế của việc học mới có cơ sở trở thành hiện thực.
Hết thi cử, đánh giá học sinh tiểu học, lại đến việc dạy ngoại ngữ... Giáo viên, phụ huynh, học sinh cứ quay cuồng và rối bời trước những ý tưởng đổi mới giáo dục. Vẫn biết đó là điều tất yếu của quá trình đổi mới, song xin những người “cầm trịch” ngành “trồng người” đừng lạm dụng việc thí điểm để biến bục giảng và học trò thành những “chú chuột bạch”.