Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ nữ bị “phân biệt, đối xử” trong quy định tuổi nghỉ hưu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và nam giới phải ngang bằng nhau để thể hiện sự bình đẳng giới cũng như tạo cho phụ nữ có điều kiện phát triển và có đồng lương hưu cao hơn.

Hôm nay 26/4, Bộ LĐTB&XH, UN Wonen và Đại sự quán Austraylia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của Bộ luật Lao động (BLLĐ) đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên ngang bằng nam giới nhưng quy định cụ thể cho các ngành nghề. Ảnh: Mạnh Dũng
Một số quy định nhằm bảo vệ lao động nữ, mặc dù có mục đích tốt, song lại có thể dẫn đến phân biệt, đối xử về giới trên thực tế, như: Các quy định về các công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 năm….
Bà Nguyệt phân tích sự bất hợp lý ở chỗ, tất cả mọi người từ khi bước vào tuổi lao động cho đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đều giống nhau. Thế nhưng, quy định hiện nay lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 (ít hơn nam giới 5 năm), dẫn đến bố trí các công việc, vấn đề đào tạo đều phải thụt đi 5 năm. Đương nhiên, về hưu sớm thì lương hưu của lao động nữ cũng thấp hơn nam giới. Trong khi, bây giờ tuổi thọ tăng cao, nhiều phụ nữ vẫn phải làm việc sau khi nghỉ chế độ để đảm bảo các điều kiện sống.
Vì thế, để đảm bảo sự phát triển chung cho tất cả mọi mặt cũng như đảm bảo về chế độ, chính sách an sinh xã hội và các điều kiện khác thì phải xem xét cụ thể hơn về độ tuổi về hưu cho hợp lý. Vì có nhiều lĩnh vực, phụ nữ có điều kiện để làm rất tốt nhưng bị hạn chế về tuổi, lại là cái khó.
“Nếu cùng một lúc mà nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 60 ngang bằng với nam giới sẽ khó được chấp nhận. Cho nên cần có khoảng cách giãn ra, tăng dần theo từng năm cho đến khi đạt đến 60 tuổi sẽ hợp lý hơn. Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải tính đến đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực” – bà Nguyệt nhấn mạnh.
Trong khi ấy, bà Dương Thị Thanh Mai – Trưởng nhóm đánh giá tác động giới của BLLĐ cho rằng, chúng ta đang tiến tới xóa bỏ khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Hiện có nhiều đối tượng ủng hộ kéo dài tuổi nghỉ hưu theo hướng nam, nữ có thời gian làm việc giống nhau. Nhưng chúng ta phải cân nhắc, không phải tất cả người lao động đều về hưu ở độ tuổi 60.
“Người phụ nữ tri thức có khả năng lao động đến 60, 62, thậm chí 65 tuổi. Nhưng, phụ nữ làm công việc trực tiếp không thể kéo dài đến độ tuổi đó. Vì thế, khi xác định tuổi nghỉ hưu nam nữ bằng nhau thì cần có giải pháp hỗ trợ để khắc phục bình đẳng giới có thể phát sinh” – bà Mai đề nghị.
Đến từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Ban Quan hệ lao động thể hiện sự băn khoăn khi hai phương án đề xjuaats tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐTB&XH đưa ra không phân biệt từng nhóm lao động, công việc, ngành nghề cụ thể. Nếu để chung 1 giỏ tăng tuổi nghỉ hưu nói chung và tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thì chính sách có những bất cập, tác động không tốt. Ông Quảng cũng nghiêng về xu hướng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ngang bằng nam giới. Nhưng phải có cân nhắc và thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, thời điểm chúng ta đang sửa đổi BLLĐ thì phải có tiếp cận dần. Vì thế, phương án 1 của Bộ LĐTB&XH đề xuất tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 và nam 62 sẽ thuyết phục hơn.