Quá nửa dân số là nữ giới; ở lứa tuổi cao nữ giới còn chiếm tỷ trọng lớn hơn. Tuổi thọ bình quân của nữ giới đã tăng lên và hiện đạt 76, cao hơn của nam giới (70); của Việt Nam cao hơn của khu vực ASEAN (73), của Châu Á và trên thế giới (72). Phụ nữ đã có vai trò quan trọng trong việc giảm nhiều tỷ lệ quan trọng trong thời gian từ năm 2005 đến nay (tương ứng tỷ lệ sinh giảm từ 1,86% xuống 1,72%, tỷ lệ tăng tự nhiên giảm từ 1,33% xuống 0,99%, tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,11 con/phụ nữ xuống 2,09 con/phụ nữ, tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 1,78% xuống 1,49%, tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 2,66% xuống 2,24%, tỷ lệ tử vong bà mẹ có liên quan đến thai sản tính trên 100 nghìn phụ nữ giảm từ 80 xuống dưới 60).
TỶ LỆ NỮ HIỆN NAY VỀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU
(%)
Nguồn: Tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê
|
Về mặt chính trị, phụ nữ ngày càng đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, xã hội của đất nước. Xa xưa có Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, Nhiếp chính Ỷ Lan...; thời cận đại có Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định... Lần đầu tiên Đại hội VII đã có một nữ Ủy viên Bộ Chính trị, một người là Ủy viên Ban Bí thư; hiện nay có hai Ủy viên Bộ Chính trị. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã liên tiếp có Phó Chủ tịch nước là nữ. Trong Ban Chấp hành Trung ương hiện nay đã có 9 vị là phụ nữ. Trong Quốc hội có 2 nữ Phó Chủ tịch, 2 nữ Chủ nhiệm Ủy ban. Trong Chính phủ có 2 nữ Bộ trưởng, có hàng chục Thứ trưởng và tương đương… Trong tổng số Đại biểu Quốc hội, nữ Đại biểu chiếm 24,4%- cao thứ 2/11 nước ở khu vực Đông Nam Á và cao thứ 43/200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong tổng số Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tính, cấp huyện, cấp xã, Đại biểu nữ đạt trên dưới 1/4. Mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới thời kỳ 2011-2020, một số tỷ lệ còn cao hơn (cấp ủy Đảng 2016-2020 từ 25% trở lên, Hội đồng nhân dân các cấp 2011-2015 từ 30% trở lên; từ 2016-2020 đạt từ 35% trở lên; Bộ, UBND có lãnh đạo chủ chốt là nữ đến 2015 bằng 80%, đến 2020 đạt trên 95% so với nam giới...
Về mặt kinh tế, nữ giới chiếm tỷ trọng cao trong tổng lao động đang làm việc (48,6%). Tỷ lệ lao động nữ đang làm việc so với tổng dân số nữ hiện đạt cao hơn tỷ lệ của năm 2005 (56,1% so với 49,8%). Trong tổng số lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp cũng cao hơn của năm 2005; nữ giới chiếm tỷ trọng đông nhất ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (66,7%). Nữ chiếm 37,1% số lao động ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và chiếm 31,6% số lao động ở các doanh nghiệp nhà nước. Tỷ trọng lao động nữ ở các ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản, dệt may… còn cao hơn. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 20%, làm chủ hộ chiếm 22,4%...
Về mặt giáo dục, đào tạo, nữ giới chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối với giáo viên ở hệ mầm non, tỷ lệ cao ở phổ thông (70,2%, trong đó tiểu học 75,6%, trung học cơ sở 67,8%, trung học phổ thông 61,5%); ngang ngửa với nam giới ở hệ đại học, cao đẳng. Nữ sinh chiếm ngang ngửa với nam sinh ở các cấp học, bậc học; riêng trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp nữ giới còn chiếm tỷ trọng cao hơn (53,2% và 53,7%). Bình đẳng giới về mặt này đạt được sự tiến bộ rõ nhất.
Không những thể, phụ nữ còn có vai trò là “người thày đầu tiên” của con người. Đây là điều lâu nay ít được đề cập, hoặc đề cập chưa đầy đủ và vai trò này chưa được tôn vinh nhiều.
Người thày đầu tiên nói ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, trên nhiều mặt.
Là thầy giáo, mà không chỉ là người đầu tiên dạy chữ, dạy đếm, mà còn khá toàn diện, như là dạy ăn, dạy nói, dạy gói, dạy mở, dạy ngồi, dạy đi đứng, chào hỏi, có hiếu nghĩa với ông bà, bố mẹ, anh chị em, nội ngoại, bạn bè và mọi người. Điều quan trọng ở đây là đã dạy cho trẻ về đạo đức, về nhân cách (chặng thế mà nhiều người đã cho rằng “Phúc đức tại Mẫu”).
Là thầy thuốc, vì người mẹ thường thông qua tiếng thở, tiếng ho, tiếng khóc, sờ trán…, đã có thể biết được con cái bị bệnh gì, có thể tự điều trị ra sao hay phải đi viện… Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi được giảm nhanh (từ 47,1% năm 1991 xuống còn dưới 18% hiện nay); tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi (thấp còi) đã giảm từ 55,3% năm 1995 xuống dưới 25% hiện nay; tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2500 gram đã giảm từ 11,7% năm 1991 xuống còn dưới 3% hiện nay. Các tiến bộ này có một phần do chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và đã tác động đến một chủ thể quan trọng hàng đầu là bà mẹ, là cách nuôi dạy con trẻ của bà mẹ.
Là thầy, nhưng là người thầy đầu tiên- khi đứa trẻ vừa mới sinh ra, vừa mới chập chững vào đời, mọi cái còn ngỡ ngàng; thời kỳ có vai trò quan trọng hàng đầu hình thành tính cách con người và ghi dấu ấn gần như trong suốt cả cuộc đời.
Các kết quả trên được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu thống kê, trong đó có chỉ số bất bình đẳng giới (GII). Chỉ số này càng gần 0 càng tốt, càng gần 1 càng kém và được nhận diện trên 3 mặt. Việt Nam có GII thuộc loại khá thấp trong khu vực (đứng thứ 3/9), ở châu Á (đứng thứ 9/38), trên thế giới (48/145). Thứ bậc về GII tốt hơn khá nhiều thứ bậc về HDI (chỉ số phát triển con người). Chỉ số và thứ bậc về GII đã giảm xuống qua các năm, chứng tỏ tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã thu hẹp tương đối nhanh, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao (là quốc gia chuyển biến nhanh nhất trong 20 năm qua).
Bình đẳng giới đạt được kết quả như trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do đường lối chính sách và pháp luật của Nhà nước sớm và liên tục xác định nam nữ bình quyền. Có nguyên nhân từ sự cố gắng của tổ chức Hội phụ nữ, đặc biệt là sự vươn lên của bản thân chị em.
Tuy bình đẳng giới có sự cải thiện, nhưng cũng còn những hạn chế bất cập. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều người, nhiều gia đình, nhiều tổ chức. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh đã tăng tương đối nhanh (từ 105,6 bé trai/100 bé gái năm 2005 lên 112,2 năm 2014). Một số tệ nạn như bạo lực gia đình, mại dâm, buôn bán phụ nữ… diễn ra ở nhiều nơi. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội giảm qua 3 nhiệm kỳ nay. Tỷ lệ nữ là lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ, ngành và Chính phủ còn thấp.