Quan niệm của đa số người châu Á là coi trọng hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, gần 1 thập kỷ qua, phụ nữ châu Á ngày càng kết hôn muộn, thậm chí “lười” lấy chồng.
"Già hóa" tuổi kết hôn
Viện nghiên cứu châu Á của trường Đại học quốc lập Singapore mới cung cấp số liệu: Độ tuổi kết hôn lần đầu của phụ nữ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nằm trong khoảng 29 đến 30 tuổi, trong khi độ tuổi kết hôn của nam giới là từ 31 tuổi đến 33 tuổi. Không chỉ so với các nước trong khu vực mà ngay cả với các nước độ tuổi này cũng được tính là muộn kết hôn.
Nếu 30 năm trước đây, ở châu Á chỉ có 2% phụ nữ ở độ tuổi kết hôn sống độc thân thì đến nay, tại Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan số phụ nữ trên 30 tuổi sống độc thân đã vượt quá 20%. Học giả Gavin Jones, trường Đại học công lập Singapore, nói: “Đó là sự thay đổi lớn trong một thời gian ngắn”.
Ở châu Á, nhất là tại các thành phố lớn, tỷ lệ không kết hôn khá cao. Có tới 20% phụ nữ Bangkok (Thái Lan) từ 40 đến 44 tuổi không kết hôn. Ở Tokyo (Nhật Bản) cũng cùng độ tuổi đó chiếm 21%, còn ở Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) kể cả phụ nữ có bằng đại học chiếm tới 27%. Ngày nay kết hôn dường như không còn hấp dẫn với phụ nữ. Một cô gái 38 tuổi ở Tokyo nói rằng: “Chúng tôi không phải ngay từ đầu muốn sống độc thân. Chúng tôi muốn có một cuộc sống hôn nhân đẹp nhưng không thể tìm một nửa phù hợp với mình. Đàn ông không thay đổi được cách nghĩ trước đây, với họ phụ nữ mạnh mẽ quá!”
Sợ mất tự do
Nguyên nhân khiến phụ nữ châu Á nói chung ngại kết hôn là do họ đang có được một cuộc sống thoải mái. Theo số liệu cung cấp, ở Tokyo, có tới 70% phụ nữ không kết hôn hiện sống chung với bố mẹ. Họ không phải nấu cơm, giặt quần áo, làm việc nhà. Tâm lý chung đều lo sợ lấy chồng thì không được thoải mái như ở nhà. Kawana Sasamoto, 31 tuổi thừa nhận: “Bố mẹ tôi rất cưng chiều tôi, đương nhiên tôi cảm thấy rất thoải mái, nhưng rồi họ cũng sẽ già đi. Sẽ có một ngày vai trò của chúng tôi hoán đổi cho nhau, tôi sẽ chăm sóc họ.”
Phụ nữ hiện đại đều có công việc của riêng mình, không muốn vì kết hôn mà mang lại nhiều phiền toái. Chính vì họ có khả năng về kinh tế nên những cô gái công chức hiện đại ngày nay dường như đã bỏ qua những gì được coi là văn hóa truyền thống.
Cô Chee 38 tuổi, họa sĩ người Hàn Quốc, cũng có một cuộc sống “quý tộc” độc thân. Chứng kiến bố mẹ dành quá nhiều cho con cái, không còn thời gian cho chính bản thân, Chee quyết định sau này cô sẽ không phụ thuộc vào người chồng, càng không hi sinh “tự do” cho cuộc sống gia đình. Cô nói: “Tôi thấy rằng kết hôn không cần thiết. Để so sánh với gia đình, con cái thì sự nghiệp, giá trị bản thân và tận hưởng tự do là quan trọng hơn cả. Trước đây, phụ nữ Hàn Quốc đều cố gắng lấy được cho mình tấm bằng thạc sỹ, nhưng sau khi lập gia đình, công việc bỏ dở, toàn tâm toàn ý phục vụ gia đình và con cái. Tôi không hiểu họ học để làm gì, học vì mục đích kết hôn hay sao?”
Giáo sư Chikako, chủ nhiệm bộ môn nghiên cứu về sự khác biệt giới tính, Trường ĐH Waseda, Nhật Bản, cho biết: “Phụ nữ muốn tìm được người biết chiều chuộng họ. Họ muốn có một hôn nhân hoàn mỹ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng có rất nhiều nam giới lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.”
Chính phủ các nước châu Á cũng đau đầu với hiện tượng kết hôn muộn hoặc không kết hôn. Hệ lụy này dẫn tới ảnh hưởng đến cân bằng nam nữ và sự phát triển của toàn xã hội. Từ những năm 1960 trở về trước, tổng tỷ suất sinh của phụ nữ khu vực Đông Á là 5,3 thì đến nay giảm chỉ còn 1,6.