Bốn tháng nay, chị H.T.V. (Khánh Hòa) tìm đến cửa chùa như một cách thoát ly gia đình, bởi với chị, gia đình lúc này thật sự là một bể trầm luân: chồng ngang nhiên dẫn người tình về sống chung, con cái lo cuộc sống riêng, không ngó ngàng đến mọi chuyện trong nhà...
Chị vốn là phó giám đốc một công ty xuất khẩu thủy hải sản lớn ở miền Trung, anh T..V.T. chồng chị, là phó giám đốc một sở của tỉnh này. Trong thời bao cấp khó khăn, hai vợ chồng quần quật suốt ngày vừa làm công việc nhà nước, vừa tăng gia sản xuất, khai phá đất hoang để trồng trọt theo vận động chung của chính quyền thời ấy.
Khi “mở cửa”, anh chị đã có sẵn trong tay một gia sản khổng lồ với hàng trăm hecta đất khai hoang nên đã lập ngay một trang trại nuôi trồng thủy sản. Hai vợ chồng tâm đầu, ý hiệp trong việc kinh doanh cũng như nuôi dạy hai con. Bước vào tuổi 50, chị mãn nguyện chuẩn bị về hưu vì anh chị đã có trong tay hàng chục tỷ đồng cùng hai tấm bằng thạc sĩ của hai con trai.
Chị khóc: “Chuyện trở nên tồi tệ từ bảy năm qua, khi tôi bắt đầu về hưu. Ông ấy và các con xem tôi như người thừa. Ông ấy công khai các mối quan hệ bồ bịch với hàng chục cô, có cô còn trẻ hơn cả con tôi, dâu tôi. Ban đầu hai con trai cũng bênh mẹ, nhưng sau khi lần lượt có vợ, chúng... bỗng dưng quay ngoắt lại”.
Người con trai lớn của chị còn khuyên: “Mẹ cứ để mặc ba và hãy ở yên. Giờ mẹ lo lắng gì nữa. Đã có chúng con đi làm cho mẹ tiền xài. Nếu thích, mẹ đi du lịch đó đây, không, thì gửi ngân hàng lấy tiền lãi mà vui vẻ sống...”.
Thấy gia sản ngày một hao hụt, tình cảm vợ chồng ngày càng phai lạt, thậm chí nhiều lần anh T. còn đánh đập chị khi có chuyện tranh chấp. Sợ các con mất của, chị V. đã tìm đến luật sư và các chuyên viên tư vấn.
Đầu năm 2009, chị quyết định ly hôn. Không ngờ, chẳng những chồng mà hai con chị cũng phản ứng quyết liệt. Anh T. nói: “Tao không ly dị. Nếu không bằng lòng ở chung, mày cần bao nhiêu cứ nói...”. Chị V. cay đắng: “Hai năm nay chưa bao giờ ông ấy thôi mày tao với tôi, nhưng khi có các con hoặc khách, ông ấy lại tôi tôi, bà bà. Những buổi tiệc tùng, chiêu đãi quan trọng, ông ấy lại bắt tôi son phấn, áo quần đi cùng cho cấp trên nhìn thấy vợ chồng “viên mãn”, hoặc cho lãnh đạo của con thấy nền tảng gia đình tốt đẹp”.
Điều chị đau lòng nhất là hai con trai không cho mẹ ly hôn không phải vì muốn cha mẹ hàn gắn... Cậu con trai lớn từng nói thẳng với chị: “Con thấy mẹ nên hiểu quy luật của cuộc sống. Ba là đàn ông, vẫn còn thích chuyện ấy... Mẹ thì đã không thể đáp ứng được từ nhiều năm nay, nên ba có gì bên ngoài mẹ cũng nên thông cảm. Còn chuyện ly hôn, con xin mẹ đừng làm vì ảnh hưởng đến uy tín chúng con rất nhiều...”.
Con trai thứ không nói gì, nhưng con dâu lại thủ thỉ: “Mẹ ơi, thời của mẹ hết rồi, giờ là thời của hai anh. Ba mẹ mà yên phận thì hai anh nhà con mới có thể thăng tiến dễ dàng được. Mẹ hy sinh cho chúng con đi!”.
Vậy đó, chị phải yên phận để hy sinh cho các con. Chị không được quyền ly hôn vì tương lai, uy tín, danh dự của con và vì con đã trưởng thành ư? Chị nói: “Dù biết đường công danh của hai con cũng cần sự “yểm trợ” của mình, nhưng sao tôi cay đắng quá. Tôi thấy mình bị chà đạp đến tận cùng: danh dự, phẩm giá và quyền của một con người, tất cả đều như không còn nữa”.
Về mặt pháp luật, chị V. hoàn toàn có quyền tự do ly hôn, nhưng vấn đề không nằm ở đó. Tiếc là chị đã nuôi con ăn học, mà quên dạy con thương mẹ, hiểu đạo lý, đúng sai ở đời. Tiền có thể các con chị không cần, nhưng còn người mẹ? Lẽ nào sức khỏe và tinh thần của người mẹ bị suy sụp từng ngày như vậy mà các con chị lại dễ dàng bỏ qua?
Mặt khác, nếu có thực tài, công danh, sự nghiệp của các con chị hẳn không dễ bị mất đi chỉ vì có... cha mẹ ly hôn! Thiết nghĩ, cuộc hôn nhân đã “đến nước này”, chị nên thật tĩnh tâm để đi đến quyết định cuối cùng mà giải phóng cho bản thân.