Phú Quốc: Biển Bãi Trường tan nát vì… cát tặc

HỒNG LĨNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bãi Trường là một trong những bãi biển đẹp trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), với những dải cát vàng, biển xanh chạy dài gần 20km. Nơi đây có hơn 100 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng...

Hơn một thập kỷ qua, do nhu cầu san lấp, xây dựng lớn, nguồn cung cát từ đất liền không đáp ứng yêu cầu, và Bãi Trường trở thành “chiến trường” khai thác cát phi pháp của nhiều băng nhóm khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Bảy - một “thổ dân” ở Bãi Trường cho biết: Những năm 80 của thế kỷ trước nơi đây là nông trường dừa. Vì thế dừa được trồng rất nhiều. Dọc theo bờ biển là những hàng dương được công nhân nông trường trồng để chắn sóng, chống sạt lở. Nông trường sau đó làm ăn thua lỗ, giải tán.
Khoảng từ năm 2005 chính quyền địa phương tiến hành bồi thường, giải tỏa giao đất cho các nhà đầu tư làm dự án du lịch. Từ đó đất đai Phú Quốc “nóng” lên, cùng với tốc độ xây dựng phát triển chóng mặt, dẫn đến khan hiếm vật liệu, trong đó có nguồn cát. Bãi Trường trở thành miền đất hứa cho “cát tặc” lộng hành.
Ban đầu, do các nhà đầu tư chưa triển khai dự án, nên các nhóm “cát tặc” cứ ngang nhiên đưa xe cơ giới vào múc chở đi, mạnh ai nấy làm và hầu như không gặp sự ngăn cản nào. Tuy nhiên, sau khi các nhà đầu tư vào xây dựng thì các nhóm “các tặc” vẫn không buông tha, họ vừa múc cát trên bờ vừa hút cát dưới biển lên bán, bất chấp sự phản ứng quyết liệt của các nhà đầu tư. Sự việc có bóng dáng "bảo kê" của những băng nhóm “xã hội đen”.
 Do khai thác cát quá nhiều, Bãi Trường đang bị biển lấn sâu hàng chục mét. Ảnh: HD
Đưa chúng tôi đi dọc biển Bãi Trường, ông Nguyễn Hoàng Phi Long - nhân viên làm việc tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Đông Nam Hải chỉ vào những cây dương đổ vật xuống biển nói: Ngày xưa hàng dương này cách mép biển khoảng 50m mét, vậy mà giờ đây chúng đang có nguy cơ bị xóa sổ. Không chỉ cây cối, những ngôi nhà ven biển cũng bị đe dọa.
Chỉ ra phía biển, ông Long nói: “Đấy những chiếc tàu, sà lan đang nằm chờ đêm xuống hút cát, bơm cát từ biển vào đảo để dùng san lấp mặt bằng. Đường ống bơm cát được chạy âm dưới biển rồi dẫn vào bờ tiêu thụ”.
 Cây dương đổ xuống mé biển - Ảnh: HD.
 Tàu hút cát neo đậu trên Bãi Trường - Ảnh: HD
Ông Trần Trung Thu – ngụ ấp Đường Bào, xã Dương tơ tỏ thái độ bức xúc: Sạt lở xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó “thủ phạm” chính là khai thác cát. Đây được xem là bãi biển đẹp, có nhiều dự án, khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp, nếu như không được quan tâm, bảo vệ thì không bao lâu nữa những bãi cát ven biển sẽ biến mất. Việc bơm cát kèm nước biển vào như thế này làm cho toàn bộ khu vực này bị nhiễm mặn, cây cối cũng sẽ lụi tàn. Bên cạnh đó, nước mặn cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng...
Lợi dụng dịch bệnh để… trộm cát
Liên tiếp trong mấy tuần qua, các lực lượng phối hợp trên đảo Phú Quốc đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ khai thác cát qui mô lớn tại khu vực Bãi Trường. Cụ thể, vào ngày 23/8/2021, Công an xã Dương Tơ, TP Phú Quốc phát hiện và bắt giữ một nhóm 8 đối tượng cùng 8 phương tiện cơ giới đang khai thác cát trái phép vùng biển Bãi Trường. Vị trí trộm cát đã được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam làm dự án du lịch nghỉ dưỡng. Các đối tượng khai nhận khai thác cát trái phép theo yêu cầu của chủ phương tiện là ông Trang Thanh Hùng (Hùng Duyên) và ông Nguyễn Văn Thành (Tý), cùng ngụ tại phường An Thới, TP Phú Quốc.
 Nhiều đối tượng ''cát tặc'' bị bắt giữ - Ảnh: HD.
Sau khi làm việc với các đối tượng, Tổ công tác xã Dương Tơ đã chuyển toàn bộ tang vật và phương tiện cho Công an TP Phú Quốc xử lý theo thẩm quyền. Về hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công an xã Dương Tơ đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhóm đối tượng trên.
 Nhiều xe khai thác cát lậu bị công an bắt giữ - Ảnh: HD.
 Trong nhóm ''cát tặc'' có xe biển số Hà Nội - Ảnh: HD.
Trước đó, đêm 18/8, Công an xã Dương Tơ đã mật phục vây bắt quả tang 9 đối tượng “cát tặc” trên Bãi Trường, tạm giữ 10 xe tải, 5 xe cuốc. Quá trình vây bắt một số đối tượng đã chạy thoát cùng 5 chiếc xe cuốc. Vị trí nhóm “cát tặc” tấn công thuộc khu vực ven biển nằm trong dự án đã giao cho Công ty CP Trung Nam. Lãnh đạo Công ty CP Trung Nam cho biết: Chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án. Tuy nhiên trong quá trình chờ đợi, các nhóm “cát tặc” nhiều lần vào khai thác cát trộm. Họ rất hung dữ, mang theo cả hung khí, đe dọa anh em bảo vệ của Công ty, dùng vũ lực để khai thác cát. Chúng tôi cũng đã báo cáo vụ việc với chính quyền địa phương. Khoảng 600  mét khối cát đã bị các băng nhóm trộm cắp đưa ra khỏi vùng dự án của Công ty CP Trung Nam.
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc nói gì?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, ông Huỳnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tình hình bao chiếm, lấn chiếm, xây dựng trái phép trên địa bàn diễn ra khá phức tạp, nhất là một số cá nhân, tổ chức đi khai thác khoáng sản trái phép, cụ thể là đi trộm cát. Điểm nóng khai thác cát là khu vực Bãi Trường. Để xử lý những vấn đề này TP Phú Quốc đã thành lập tổ 3399 gồm các cơ quan quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp… Ngoài ra Công an TP Phú Quốc cũng có một tổ công tác kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn.
Về quan điểm xử lý, người đứng đầu chính quyền TP Phú Quốc nói: “Tôi đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các vụ khai thác gần đây ở Bãi Trường. Đề nghị mức phạt ở khung hình cao nhất, và xem xét nếu đủ điều kiện sẽ tịch thu toàn bộ phương tiện, thậm chí truy tố ra pháp luật”.
Theo thống kê, trong năm 2020, Công an TP Phú Quốc đã phát hiện 166 vụ, 184 đối tượng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tịch thu 9 phương tiện, xử phạt gần 500 triệu đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay tình hình khai thác cát trái phép đã giảm, tuy nhiên diễn biến vẫn phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhiều đối tượng manh động…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần