Phú quý sinh lễ nghĩa
Bởi để duy trì cái gia đình có tới nửa tá con, (trong đó có đến “một xâu con gái”), vợ chồng Thúy phải xoay đủ thứ nghề; từ phụ vữa, chạy chợ, xe ôm…
Nhớ lại thời đó, nhiều lúc Thúy cảm thấy phục mình, bởi một lúc phải chăm sóc bố mẹ già và nuôi đủ 6 đứa con lít nhít kiểu trứng gà trứng vịt mà vẫn “trụ hạng” thành công và vươn lên thoát đói, giảm nghèo. Nhớ lại cái ngày còn được bữa sáng, lo bữa chiều - bàn thờ nhà Thúy luôn lạnh ngắt; kể cả ngày rằm, mùng một. Họa chăng mỗi năm chỉ 3 ngày Tết, gia tiên mới được “hâm hưởng” chút bánh trái, hương vàng…
Ngày tháng thoi đưa, chả mấy chốc đàn con của vợ chồng Thúy dần khôn lớn, kinh tế bớt chật vật; người sống no cái bụng thì… người chết cũng được nhờ. Gia đình Thúy bắt đầu siêng hương hỏa cho gia tiên trong những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Nếu chỉ dừng lại ở mức thành tâm với ông bà tổ tiên thì chẳng có gì để nói; nhưng từ ngày có chút dư giả, gia đình Thúy đâm ra mê món lễ lạt, cúng bái.
Dù không phải là con trưởng nhưng chồng Thúy lại… đam mê việc trưởng. Từ xây dựng lại mồ mả cho dòng họ, tu sửa nhà thờ…, việc nào chồng Thúy cũng tích cực tham gia. Thấy chồng làm những việc có hiếu với tổ tiên, ban đầu Thúy cũng rất lấy làm vừa lòng. Nhưng dần dà chồng Thúy có dấu hiệu… đam mê với người cõi âm. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào (nếu có người gợi chuyện), chồng của Thúy cũng có thể thuyết giảng hàng giờ về mồ mả, nhà thờ, giỗ tết, kiêng kỵ… Dù khi thì chạy chợ, phụ vữa, xe ôm nhưng từ ngày có chút kinh tế, vợ chồng Thúy siêng chùa chiền, đền phủ lắm.
Cận Tết là dịp thịt cá đắt hàng, thì vợ chồng Thúy lại mất cả hai ngày cắp nhau đi đền bà Chúa Kho trả nợ. Sau mấy ngày Tết, thiên hạ đã “no thịt, chán xôi, thèm rau cá” thì vợ chồng Thúy lại tấp tễnh lễ chùa nọ, phủ kia để cầu lộc, cầu phúc. Hôm nay đã qua rằm tháng Giêng cả tuần trời, nhưng hàng xóm vẫn chưa thấy vợ chồng Thúy mở hàng...
Dân gian thường nói “miệng ăn núi lở”, của nả gia đình Thúy chưa được một đụn, miệng ăn thời đông, cộng thêm khoản chi dành cho những khóa lễ cúng, những việc công đức cho nhà thờ họ, mộ tổ, quan trọng hơn là thời gian dành cho việc đi chùa nọ, phủ kia khá nhiều đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế gia đình. Từ chỗ đã thoát, kinh tế gia đình Thúy có nguy cơ tái nghèo…
Nếu sớm ý thức được nguy cơ đó, mà bớt cầu cúng có lẽ việc vực dậy kinh tế gia đình không phải là điều quá tầm với Thúy và đức lang quân; nhưng khốn nỗi chồng Thúy lại cho rằng việc thờ cúng thời gian qua chưa được nghiêm cẩn nên tiếp tục tìm thày để… cúng tiếp. Người xưa nói rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa". Chỉ tiếc rằng phú quý chưa đến nhưng gia đình thị lại… lễ nghĩa sớm quá. Linh nghiệm đâu chưa thấy, chỉ thấy cái nghèo lấp ló đâu đó quanh mâm cơm…

Đông đảo du khách thập phương đến "xin lộc" tại Đền Bà Chúa Kho
Kinhtedothi – Đền Bà Chúa Kho (tại khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được mở cửa trở lại từ 14 giờ ngày 9/2, khi được mở cửa hoạt động trở lại đã đón hàng nghìn người dân và du khách tới dâng lễ “xin lộc” đầu năm.

Xử lý 55 trường hợp vi phạm trật tự đô thị quanh các lễ hội
Kinhtedothi – Từ Mùng 1 Tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng, quanh các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt là Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã xử lý 55 trường hợp lấn chiếm vỉa hè tổ chức trông giữ phương tiên sai phép, không niêm yết giá theo quy định.
![[Gạn đục, khơi trong mùa lễ hội] Bài 2: Âu lo mùa lễ hội](https://resource.kinhtedothi.vn/2023/02/10/638115478812718500-lyt15.jpg)
[Gạn đục, khơi trong mùa lễ hội] Bài 2: Âu lo mùa lễ hội
Kinhtedothi - Một mùa lễ hội yên bình với những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều mong ước, nguyện cầu đang diễn ra, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của văn hóa từ bao đời truyền lại.