Phụ thuộc kinh tế và những muộn phiền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong cuộc sống hiện nay, nhiều tổ ấm đang đi theo mô hình chồng đi làm, vợ ở nhà để có điều kiện chăm sóc gia đình hơn. Nhưng, mô hình ấy lại đang nảy sinh không ít vấn đề trong cuộc sống vợ chồng từ cung cách cư xử.

Những giọt nước mắt thầm rơi

Mỗi lần đến chơi nhà chị Hà, chị lại than phiền: "Chán lắm rồi em ạ, chị chỉ muốn con bé này nó lớn nhanh để "tống" đi học, mình tìm việc gì đó để đi làm. Cứ ở nhà như thế này nhiều lúc thấy như mình bị ức chế tinh thần ấy, không cáu bẳn mà thành ra cáu bẳn em ạ".

Chị Hà đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, làm văn phòng cho một công ty TNHH, công việc không hẳn là hoàn hảo những cũng tạm ổn. Từ ngày lấy anh Tùng, rồi có thai bé Ngân, do sức khoẻ yếu nên chị phải nghỉ một thời gian. Khi đi làm trở lại, công ty lại chuyển chị ra làm việc ở cửa hàng, do phải đứng suốt ngày, cộng thêm có thai hay ốm, anh Tùng bảo chị: "Thôi em nghỉ ở nhà đi, khi nào sinh con xong rồi xin việc khác làm cũng được". Thế là chị ở nhà để anh nuôi, rồi sinh bé Ngân, chăm con, lo cơm nước đợi chồng về. Khi bé Ngân đã được một tuổi, chị bàn với anh gửi con đi nhà trẻ để chị đi làm, anh lại bảo: "Em đi làm thì được mấy đồng, gửi con bây giờ cũng đâu dễ kiếm chỗ tốt, hơn nữa cũng đắt đỏ. Con bé lại nhỏ thế kia, đi lớp rồi ốm thì sao. Thôi em cứ ở nhà đi, anh còn lo được...". Nghe xong, chị lại đành bấm bụng ở nhà, bé Ngân mỗi ngày mỗi lớn, nhưng cứ đề cập đến chuyện đi làm là anh lại đưa ra biết bao lý do...

Với Dung, vốn là một cô giáo mầm non cũng vậy. Khi sinh bé Bống, chồng bàn với cô nghỉ hẳn việc dạy học, ở nhà chăm sóc con, còn kinh tế anh lo. Nhưng rồi cái việc anh đi từ sáng sớm, đến tối mịt, về đến nhà ăn vội bát cơm, chưa kịp chơi với con, cười với vợ đã lên phòng làm việc tiếp. Không những không quan tâm gì đến việc nhà, con ốm, con đau anh cũng ít quan tâm, khiến chị càng thêm buồn. Có những đêm con khóc cả đêm, gọi anh, anh bảo: "Có mỗi việc bế con thôi mà cũng kêu". Chị buồn, vừa bế con chị vừa khóc cho mình.

Cân bằng cách sống

Nhiều người phụ nữ phàn nàn, họ cứ ở trong nhà, làm bạn với mấy bức tường và cái bếp, khiến cuộc sống mệt mỏi. Hơn thế nữa, sống phụ thuộc vào kinh tế, dù là kinh tế của chồng, chẳng sướng gì. Nếu chẳng may "vớ" phải chồng có tính cân đo đong đếm chắc cuộc sống lứa đôi dễ rạn vỡ. Chưa kể, do quan niệm, nhiều anh chồng không coi việc chăm con, nội trợ của vợ là một nghề để trân trọng và yêu thương vợ. Không ít người vợ muốn độc lập kinh tế nhưng vì hoàn cảnh phải ở nhà nên dễ stress, cáu gắt hoặc trở nên tự ti, buông thả bản thân khiến chồng chán ngán. Và phần lớn họ khi được hỏi đều ước rằng, "giá như mình đừng nghỉ việc", "giá như bây giờ mình có thể đi làm"... Dù rằng, cuộc sống của họ vẫn trôi đi trong phẳng lặng, nhưng có thực sự hạnh phúc hay không chưa ai dám chắc.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý gia đình, giải pháp tốt nhất là người vợ nên có công ăn việc làm hợp với hoàn cảnh. Nếu bắt buộc phải ở nhà nên trao đổi với chồng xem sẽ ở nhà bao lâu, khả năng tìm việc sau này thế nào, kinh tế gia đình có ổn không... Công việc không chỉ có thêm thu nhập đóng góp cho ngân sách gia đình, mà điều này còn phòng xa mọi rủi ro, bất trắc lúc chồng bị tai nạn, ốm đau, thất nghiệp. Nếu đã thỏa thuận xong, người chồng cần tôn trọng vợ, còn người vợ cũng nên biết quý trọng bản thân, ở nhà không có nghĩa là sống "tầm gửi" vào chồng. Bởi, nhiều anh chồng không coi việc chăm con, nội trợ của vợ là một nghề để trân trọng và yêu thương vợ và không ít gia đình đã rơi vào bi kịch khi một trong hai người không hiểu và chia sẻ được vai trò của người kia.