Phú Xuyên tập trung phát triển sản phẩm OCOP chủ lực

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023 là năm được huyện Phú Xuyên đặt mục tiêu trọng tâm vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Những nỗ lực của cán bộ, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn từ đầu năm đến nay đang cho những kết quả tích cực.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ xã Tân Dân. 
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ xã Tân Dân. 

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ, theo kế hoạch chương trình OCOP, huyện Phú Xuyên đặt ra mục tiêu bao thực hiện và hoàn thành mục tiêu đề ra của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến năm 2025 của huyện và TP. Đồng thời tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP theo đúng quy định, phấn đấu có 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chế biến, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề nổi bật của các xã, thị trấn.

Qua đó, huyện tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP do TP, các địa phương lân cận tổ chức. Phấn đấu phát triển thêm một điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

UBND huyện Phú Xuyên luôn tích cực và tạo mọi điều kiện hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. 
UBND huyện Phú Xuyên luôn tích cực và tạo mọi điều kiện hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. 

Đồng thời, huyện đưa ra nội dung cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức chương trình OCOP đối với các cá nhân, tổ chức. Triển khai một số mô hình bảo tồn, phát huy vai trò làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP và điểm du lịch, các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với chương trình OCOP.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết: UBND huyện tổ chức hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sẵn sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP đảm bảo đúng quy định, gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Với chủ trương, đường lối và kế hoạch được triển khai rõ ràng, đến nay công tác thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn Phú Xuyên thu được kết quả tích cực. Cụ thể, qua tổng hợp từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 45 sản phẩm của các chủ thể ở 13 xã, thị trấn đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, sẽ hoàn thành chấm điểm trong tháng 8/2023.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thăm làng nghề tò he Xuân La, xã Phượng Dực. 
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thăm làng nghề tò he Xuân La, xã Phượng Dực. 

Vận dụng thế mạnh làng nghề

Cũng theo ông Xuân, trên cơ sở những nghề có lịch sử lâu đời, phát triển có thế mạnh trên thị trường, huyện đã lựa chọn được 6 nhóm nghề ở 7 xã để phát triển thành sản phẩm chủ lực, có thương hiệu đến năm 2025, như: Nặn tò he thôn Xuân La xã Phượng Dực, khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ, giầy da Phú Yên, may Comple Vân Từ, mộc xã Tân Dân và Nam Tiến…

 

Tính từ năm 2019 đến hết năm 2022, huyện Phú Xuyên đã có 177 sản phẩm của 46 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP (có 22 sản phẩm 3 sao, 155 sản phẩm 4 sao). Toàn huyện hiện có 3 điểm được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khai trương điểm bán hàng OCOP tại các xã: Vân Từ, Sơn Hà, Tân Dân

Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề ở các xã. Tiếp tục phát triển sản phẩm và địa điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP ở 7 xã nêu trên. Đồng thời, đẩy nhanh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể; triển khai bảo tồn, đào tạo, công nhận làng nghề và nghệ nhân; phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ vốn, mặt bằng sản xuất…

Cùng với đó, UBND huyện tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua công tác phối hợp tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm gắn với văn hóa vùng miền, hội chợ do TP tổ chức. Công bố quyết định công nhận sản phẩm kết hợp trưng bày, kết nối giao thương sản phẩm OCOP hỗ trợ chủ thể giới thiệu, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường.

Sản phẩm khảm trai xã Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công. 
Sản phẩm khảm trai xã Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định, huyện cũng sẽ tập trung phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề tạo điều kiện giúp các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối truyền thống, sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, huyện còn thành lập đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận về sự tuân thủ các quy định chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, sử dụng bao bì, tem, nhãn hàng hóa, bảo vệ môi trường và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.