Sáng 30/1, hàng nghìn người dân và du khách tập trung tới Gò Thì Thùng, xã vùng cao An Xuân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) xem hội đua ngựa.
Hàng nghìn người dân và du khách tham gia Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng trong sáng mùng 9 Tết.
Hội quy tụ 32 "chiến mã" được những người nông dân trong vùng mang đến thi thố.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên lễ hội bị gián đoạn 3 năm.
Do đó, lễ hội năm nay đã quy tụ rất đông du khách, người dân và các "kỵ mã".
Các "kỵ mã" cho biết, tuy là thi đấu nhưng tinh thần vẫn vui là chính chứ không quan trọng thắng thua.
Vậy nên chuyện té ngựa, ngựa một nơi "kỵ mã" một nẻo liên tục xuất hiện trong cuộc đua.
Theo các “kỵ mã”, phần lớn ngựa tham gia thi đấu có tuổi đời từ 12-15 năm tuổi, giống cái. "Để ngựa chạy hăng, trước trận đấu họ dùng lúa trộn với cám, chuối, một ít nước suối và muối, sau đó bóp nhuyễn cho ngựa ăn" - "kỵ mã" Văn Chính ở xã An Xuân, huyện Tuy An bật mí.
Các "kỵ mã" gặp sự cố trên đường đua.
Một "kỵ mã" bị tai nạn khi tham gia thi đấu.
Tại Hội thi, mỗi vòng đua gồm 4 ngựa tranh tài, chạy hai vòng Gò Thì Thùng (khoảng 2km). Sau đó, chọn 8 ngựa nhanh nhất vòng bảng vào tranh hai vòng bán kết. 4 ngựa nhất và nhì ở vòng bán kết được chọn vào đua chung kết để tranh giải.
Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một lễ hội có từ lâu đời tại Phú Yên. Hội do người dân An Xuân tự tổ chức để vui Tết vì vùng cao này khó khăn đi lại, không có nhiều trò vui xuân.
Lâu dần, nhiều địa phương có ngựa thồ ở huyện Tuy An cũng tham gia và hội đua đã được nâng thành hội xuân cấp tỉnh, tranh Cúp Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Phú Yên.