Phục dựng không gian văn hóa Hồ Văn: Ai được hưởng lợi?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại Hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám) chuẩn bị khởi công. Sau 5 năm dùng dằng, nhiều người đặt câu hỏi một khu vực từng bị coi là lạc lõng với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từng được tách ra làm nơi sinh hoạt cộng đồng do chính quyền địa phương quản lý nay bỗng nhiên được phục dựng để làm gì?.

Phối cảnh không gian văn hóa Hồ Văn nhìn từ trên cao

Lợi ích cho cộng đồng dân cư

Phải nhắc lại, giai đoạn trước những năm 1940, khu vực hồ Văn đã bị tách ra khỏi địa phận của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và bị xâm phạm nghiêm trọng, người dân lấn chiếm làm nhà, xây chuồng lợn, chuồng gà, mặt hồ bị biến thành ao thả bèo... Nhiều người dân quanh đây đã coi Hồ Văn là không gian cộng đồng của địa phương, chứ không phải một khu vực thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mặc dù, tháng 5/1940, Hội đồng TP Hà Nội dưới sự chủ tọa của Thị trưởng Edouard Delsalle ký quyết định trả Hồ Văn về cho di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; nhưng việc tranh chấp và những quan điểm sử dụng vẫn không đồng nhất, nên Hồ Văn thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng gần như bỏ quên.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam bày tỏ: “Thời gian dài trước đó Hà Nội chưa thực sự quan tâm tới Hồ Văn, để mất vệ sinh, lấn chiếm đất di tích, trên gò xảy ra hiện tượng xây gian thờ tự trái phép”. Chính vì vậy, khi nghe thông tin lần này dự án phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại Hồ Văn được khởi công, PGS.TS Đỗ Văn Trụ rất vui mừng. Ông hoàn toàn ủng hộ cách làm này của TP Hà Nội. Song, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng dự án mới là hoàn thành cái vỏ, muốn Hồ Văn thực sự hồi sinh, Hà Nội cần nghĩ tới hoạt động văn hóa, giáo dục gắn liền với di tích. Ví như những hoạt động hội sách, hội chữ, trải nghiệm đã từng diễn ra ở Hồ Văn trong mấy năm qua là một sự khởi đầu rất tốt, đã thật sự hấp dẫn và phù hợp. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa diễn ra thường xuyên nên nơi đây cần thêm hiều hoạt động phù hợp và hấp dẫn hơn nữa theo hướng đa dạng để phát huy giá trị di sản.

Ý tưởng làm đẹp không gian Hồ Văn nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân và các chuyên gia. Trong một cuộc hội thảo xin ý kiến để phục dựng khong gian văn hóa Hồ Văn, GS.TS. KTS. Hoàng Đạo Kính từng bày tỏ: “Dựng Phương đình là hình thức tôn tạo để tạo dựng không gian phù hợp, bổ trợ không gian chung của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các hạng mục chính là phần cứng rồi, còn hồ Văn và vườn Giám chính là vùng đệm. Nên tôn tạo Hồ Văn là phù hợp”. Về hoạt động ở Hồ Văn, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng người dân có thể lui tới vãn cảnh, đọc thơ. Ông cho rằng nên đưa không gian này trở thành không gian cộng đồng, cho các câu lạc thơ hoạt động. Không nên bỏ hoang, lãng phí những không gian như Hồ Văn. GS Hoàng Đạo Kính dẫn chứng Hà Nội từng tôn tạo, xây cầu dẫn sang đền Cẩu nhi giữa hồ Trúc Bạch rất đẹp và hợp lí.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát huy di sản văn hóa Việt Nam, khi không gian văn hóa Hồ Văn được hình thành người được hưởng lợi đầu tiên là những người dân sống xung quanh di tích. Người dân không chỉ được hưởng thụ một không gian văn hóa cộng đồng mà còn có thể kiếm kế sinh nhai khi các hoạt động phục vụ du khách được diễn ra. Ngoài ra, du khách đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ còn đơn thuần tìm hiểu về lịch sử của Khuê Văn Các, 82 bia đá tiến sĩ, lịch sử khoa bảng… mà còn có thể trải nghiệm các giá trị văn hóa từ các hoạt động diễn ra ở Hồ Văn.

Trung tâm sáng tạo

Để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám theo hướng bền vững các cơ quan quản lý đã từng bàn đến phương án tạo dựng không gian xung quanh. Với việc Hà Nội hối hả thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo thì không gian Hồ Văn cũng là không gian lý tưởng để trở thành không gian sáng tạo. Bởi vì nơi đây sở hữu với vị trí đắc địa, giá trị văn hóa lịch sử độc đáo. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế phân tích, Hồ Văn hoàn toàn có thể trở thành không gian sáng tạo nếu tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là con đường chia cắt giữa khu nội tự và Hồ Văn. “Tôi nghĩ Hà Nội có thể thí điểm biến đoạn đường chia cắt giữa 2 khu trở thành phố đi bộ một vài thời điểm trong năm, nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động văn hóa ở cả Hồ Văn lẫn khu Văn Miếu” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế bày tỏ.

Không chỉ suy tính chỉnh trang tu bổ Hồ Văn, các đơn vị từng có các cuộc hội thảo đề xuất phân luồng giao thông ở tuyến đường Văn Miếu, thay đổi diện mạo các hàng quán xung quanh di tích để biến khu phố này thành khu phố văn hóa. Người dân xung quanh cùng chuyển đổi các mặt hàng kinh doanh, gắn kết lợi ích kinh tế với phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên, đó là những việc cần làm sau khi không gian văn hóa Hồ Văn được tạo dựng.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thế Cương với tư cách là đơn vị được TP giao quản lý di tích, Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan quyết liệt thực hiện và hoàn thành dự án phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại Hồ Văn để từ đó tiếp nối đến các kế hoạch về hoạt động tại không gian văn hóa này, biến nơi đây là điểm đến phục vụ cho cộng đồng dân cư, người dân và du khách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần