Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phục dựng “Lời nói dối cuối cùng”: Sẽ có một cơn sốt mới

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Tối 17/9, “Lời nói dối cuối cùng” được phục dựng dưới bàn tay của đạo diễn, NSƯT Chí Trung đã có buổi ra mắt đầu tiên tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Mặc dù góp mặt trên sàn diễn lần này không phải là thế hệ “vàng” của sân khấu như NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Hải..., nhưng vở diễn lại hứa hẹn một cơn sốt mới.

Sân khấu lại náo nhiệt sau 31 năm

Những người yêu sân khấu chưa quên, năm 1986 và 1987, khán giả xếp hàng dài trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội để chờ mua vé xem kịch “Lời nói dối cuối cùng” của Lưu Quang Vũ. Cái tên vở kịch cũng đảm bảo nâng tầm giá trị tay nghề cùng kỷ lục hơn 1.000 suất diễn của đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành. Ông Trương Nhuận – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - một trong những người đến Nhà hát Lớn xem kịch thời ấy vẫn còn nhớ sự háo hức: "Kịch Lưu Quang Vũ khi đó đã thành hiện tượng mà mỗi vở diễn ra đời, công chúng đều chờ đón để được xem. Thế hệ "vàng" của Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Hải... góp phần đưa vở diễn trở thành cơn sốt trong năm 1986 và 1987”.
 Một cảnh trong vở kịch “Lời nói dối cuối cùng”.
Đến với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ ngày 17/9 vừa qua, NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Khanh… không còn ở trong vai trò người dàn dựng, người diễn xuất mà với tư cách khán giả. Họ chăm chú theo dõi từng màn kịch, từng lời thoại và thừa nhận: Một phần sức hấp dẫn của việc phục dựng vở kịch lần này là giữ nguyên được những câu thoại mang tính nhạy cảm. “Tác phẩm được Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ những tích dân gian, với tên ban đầu là Cuội, Bờm và Lụa - các nhân vật trong vở kịch. Dù mượn tích dân gian, nhưng tác phẩm của Lưu Quang Vũ luôn gắn với hơi thở đời sống đương đại, phản ánh nhiều vấn đề thời sự bên cạnh việc đào sâu thế giới nội tâm đa sắc màu của con người” – NSND Phạm Thị Thành cho biết.
Dù vở diễn được phục dựng nhân kỷ niệm 28 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhưng rõ ràng đạo diễn Chí Trung đã không phải "dựa hơi" Lưu Quang Vũ để hút người xem. Anh không để cho nhân vật Cuội mặc comple, đeo cà vạt mà giữ nguyên phong cách chân đất, áo nâu… nhưng lại kể được hàm ý câu chuyện của thế kỷ XXI. Đó là những gì mà đạo diễn và nghệ sĩ đã thổi hồn cho vở kịch cũ trên nền sân khấu của ngày hôm nay.

Không thành “Đời cười”

Em gái của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - PGS Lưu Khánh Thơ từng băn khoăn về một vở chính kịch nhưng được dàn dựng theo thể loại hài kịch liệu có làm hỏng tính nguyên bản của tác phẩm. Đặc biệt, vở kịch lại được giao cho NSƯT Chí Trung - một danh hài có tiếng, cùng với những gương mặt quen thuộc của sân khấu cười như Thanh Sơn, Mạnh Dũng, Nguyệt Hằng, Minh Hằng, Sĩ Tiến, Đức Khuê, Thu Quỳnh..., rất có thể “Lời nói dối cuối cùng” sẽ biến thành “Đời cười”. Nhưng sau đêm diễn 17/9, nỗi lo đó đã được xua tan. Khán giả ngồi dưới không chỉ cười mà còn khóc cùng vở kịch. “Ngay từ đầu, tôi đã quán triệt với diễn viên phải chỉn chu theo lối hài kịch chính luận. Tôi cấm diễn viên diễn theo lối “Đời cười”” - NSƯT Chí Trung chia sẻ.
NSƯT Chí Trung thừa nhận: “So với 3 kịch bản của Lưu Quang Vũ mà tôi đã dàn dựng trước đây là: “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”… thì “Lời nói dối cuối cùng” là một ca khó. Nhưng sau đêm diễn đầu tiên, tôi thấy rằng mình đã hài lòng. Từ âm nhạc, cách bài trí sân khấu cũng như âm hưởng của vở diễn thật sự là một Hà Nội bây giờ với đất Kẻ Chợ của ngàn năm trước, nơi câu chuyện diễn ra”.
Sau đêm ra mắt 17/9, đạo diễn và nghệ sĩ sẽ chỉnh sửa hoàn thiện lại vở diễn, sau đó lần lượt công diễn vào ngày 16 và 17/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, ngày 19 và 20 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Theo thông tin từ Nhà hát Tuổi trẻ, vở diễn đã nhận được tài trợ 4 tỷ đồng từ các DN. Chính vì vậy, dù có thể không đạt kỷ lục hàng ngàn suất diễn như 31 năm trước, thì chắc chắn sẽ có 100 đêm diễn miễn phí tại các tỉnh, thành trên cả nước. Và sau đó, rất có thể “Lời nói dối cuối cùng” do Chí Trung dàn dựng sẽ quay trở lại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dự án dành cho những vở diễn chất lượng cao của Bộ VHTT&DL