Nếu không được cứu, số lượng lớn DN sẽ phá sản
Việc Đà Nẵng là tâm dịch trong đợt thứ hai khiến ngành “công nghiệp không khói” kiệt quệ. Có khoảng hơn 45.000 lao động du lịch/trên tổng số 60.000 lao động toàn TP Đà Nẵng đang mất việc làm. Đà Nẵng có trên 2.000 DN kinh doanh du lịch, vài ngàn hộ kinh doanh cá thể và những người buôn bán nhỏ… Đến thời điểm này, khoảng 20% DN mở cửa trở lại, còn 80% vẫn đang đóng cửa vì chưa có nguồn khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết: Theo đánh giá sơ bộ, doanh thu cả năm 2020 của ngành du lịch TP dự báo chỉ đạt khoảng 20 – 25% so với năm 2019. Như tháng 8, doanh thu bằng không, nhưng chi phí (lãi vay, khấu hao, lương nhân viên, bảo hiểm xã hội, thuê văn phòng…) đều phải trả. Vì thế, DN rất khó khăn. Nếu không sớm phục hồi và có các gói trợ giúp thì số lượng lớn DN du lịch sẽ phá sản, đóng cửa”.
Du lịch Đà Nẵng khó khăn trong nỗ lực phục hồi bởi sắp tới là giai đoạn thấp điểm du khách. Ảnh: Quang Hải |
Đơn cử như Vitours (Công ty CP Du lịch Việt Nam), do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh thu từ đầu năm 2020 đến nay giảm còn khoảng 30% so với năm ngoái; dự đoán cả năm chỉ còn khoảng 20% so với cùng kỳ. TravelMark Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dự đoán doanh thu năm nay chỉ đạt 20% so với năm 2019...
Còn theo thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, lượng khách giảm mạnh. Lũy kế 8 tháng, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm gần 56% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch.
Thông điệp du lịch an toàn
Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đặt ra 2 nhiệm vụ cấp bách gồm: Giúp DN vượt qua khó khăn và phục hồi thị trường. Trước mắt để “cứu” DN, theo ông Cao Trí Dũng, Hiệp hội, các DN và Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất các nhóm giải pháp sau: Giảm hoặc miễn luôn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho năm nay và ít nhất nửa năm sau; các ngân hàng phải giảm sâu thêm lãi vay cho DN, khoanh, giãn nợ cho vay vốn; giảm các loại chi phí như điện, nước, thuế đất, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội… nới điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ, cứu trợ của Chính phủ (các điều kiện như hiện nay thì hầu hết DN không tiếp cận được). Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh, DN có vượt khó, tồn tại được hay không thì nội lực vẫn là chính. Các DN phải tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn thu, nhanh chóng phục hồi.
Nhiệm vụ giúp cho thị trường phục hồi mới là căn bản. Sau đợt dịch đầu tiên, du lịch Đà Nẵng phục hồi tốt nhờ các chương trình kích cầu. Cụ thể tháng 7, lượng khách nội địa đến Đà Nẵng so với cùng kỳ vượt khoảng 20%.
“Như vậy chứng tỏ sức bật, năng lực quản lý điểm đến, năng lực làm sản phẩm, truyền thông, thu hút khách của Đà Nẵng khá tốt. Đó cũng là tín hiệu lạc quan cho phục hồi thị trường. Tuy nhiên, đợt thứ hai này bối cảnh đã khác vì Đà Nẵng là vùng dịch. Đà Nẵng mới kiểm soát được dịch bệnh, hơn nữa đã qua mùa cao điểm du lịch, nên khó có thể tập trung một lượng lớn khách trong ngắn hạn. Đợt phục hồi này phải làm cho dài hạn, thu hút các nguồn khách khác và thông điệp cũng khác. Phục hồi lần này thông điệp đặt vấn đề là “Du lịch an toàn”, đặt an toàn phòng chống dịch cho du khách lên trên hết”- ông Dũng cho hay.
Dự kiến cuối tháng 9 này, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng ký cam kết với Sở Du lịch triển khai bộ tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho du khách.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vitours cũng đồng quan điểm khi cho rằng cần gửi đi thông điệp du lịch an toàn. “Sản phẩm dịch vụ thì các đơn vị đã sẵn sàng rồi, vấn đề bây giờ là phải phá tan suy nghĩ Đà Nẵng và Quảng Nam là tâm dịch trong du khách"- ông Tùng nêu ý kiến.
Dự kiến từ cuối tháng 9 này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ triển khai chương trình “Người Quảng Nam – Đà Nẵng đi du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng” để chứng minh điểm đến an toàn. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nếu kịch bản lạc quan. Cuối tháng 10 nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, đường bay phục hồi đầy đủ, chủ trương đã cho phép trở lại, Đà Nẵng sẽ triển khai các sản phẩm du lịch an toàn gắn với du lịch trải nghiệm, sản phẩm mới, du lịch chất lượng, du lịch MICE (tháng 11, 12) …
Kịch bản lạc quan là từ Giáng sinh năm nay sẽ khôi phục được một vài thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Đó là những thị trường theo chủ trương mở cửa song phương của Chính phủ”- ông Dũng nhận định.
"Cộng đồng DN dự đoán năm 2020 chỉ đạt 30% doanh thu so với năm 2019. Năm 2021 có phấn đấu và phục hồi tốt thì chỉ đạt khoảng 70 - 80% so với năm 2019. Tốt lắm thì năm 2022 mới đạt doanh thu bằng năm 2019. Và câu chuyện phục hồi đầy đủ ngành du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tìm ra vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Bởi chừng nào chưa có thì vẫn còn sự e dè của du khách." -Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng |