Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phục hồi du lịch khó càng thêm khó

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu liên tục tăng trong khi xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt... là những yếu tố khiến các doanh nghiệp lữ hành ''đứng ngồi không yên''. Cơ hội phục hồi của ngành du lịch đã khó lại càng thêm khó.

Đau đầu tính toán giá tour

Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp tăng, chạm ngưỡng 27.000 đồng/lít. Điều này khiến các doanh nghiệp lo ngại ngành du lịch khó có thể hồi phục như mong muốn.

Tổng Giám Đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, trong cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch, phần chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu hỏa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe ô tô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Việc xăng dầu liên tục tăng giá khiến doanh nghiệp buộc phải đẩy giá tour lên cao.

"Trong bối cảnh doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, nhưng ảnh hưởng của giá xăng dầu khiến giá tour tăng. Điều này sẽ giảm sức cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore” - ông Nguyễn Công Hoan lo lắng.

Khách du lịch tại đỉnh Fansipan (tỉnh Lào Cai)
Khách du lịch tại đỉnh Fansipan (tỉnh Lào Cai)

Tương tự, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Golden Smile Travel Nguyễn Trần Hoàng Phương, doanh nghiệp đang khởi động lại các tour, nhưng xăng dầu liên tục tăng giá khiến giá tour tăng 15 - 20% bất chấp việc đơn vị cố gắng giảm lợi nhuận.

Không chỉ lo giá cước vận chuyển tăng, các hãng lữ hành còn e ngại khả năng nhà hàng, khách sạn… sẽ tăng giá theo. Giám đốc Công ty du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng lo lắng, nếu tới đây giá một số dịch vụ như khách sạn, nhà hàng “leo thang” theo giá xăng dầu thì chắc chắn giá tour khó có thể giữ nguyên.

“Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp lữ hành phải đối mặt không chỉ là thay đổi giá tour, mà còn là khả năng giảm khả năng thu hút khách, nhất là trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch Covid-19” - bà Dương Thanh Hằng phân tích. 

Đồng tình với phản ánh này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, du lịch Thái Lan, Singapore thường áp dụng giải pháp lấy doanh thu từ những dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí để bù đắp cho cước vận chuyển, đây là mô hình Việt Nam nên học tập.

“Du lịch nước ta vốn kém sức cạnh tranh hơn những nước trong khu vực về dịch vụ, vui chơi giải trí..., nếu lại yếu thế hơn trong khả năng cạnh tranh về giá thì khó có thể kêu gọi người Việt Nam đi du lịch Việt Nam cũng như thu hút khách quốc tế” - ông Vũ Thế Bình nói.

Lo chia tay khách “sộp” vì xung đột Nga - Ukraine

Theo các chuyên gia du lịch, du khách Nga là những người có thời gian lưu trú lên đến 15 ngày, có mức chi tiêu tới 1.830 USD, cao hơn du khách Anh, Mỹ, Úc và Pháp…. nhưng xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến doanh nghiệp lữ hành mất thị trường “béo bở” này.

Khách du lịch tham quan Hội An (tỉnh Quảng Nam)
Khách du lịch tham quan Hội An (tỉnh Quảng Nam)

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Pegas Misr Travel Việt Nam Hoàng Thị Phong Thu than thở, sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, hiện công ty đang chuẩn bị kế hoạch nối lại thị trường khách Nga thì xảy ra xung đột Nga - Ukraine khiến kế hoạch khai thác thị trường này phải dừng lại.

“Mặc dù Chính phủ cho phép từ 15/3 nối lại mảng du lịch quốc tế, nhưng xung đột Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp phải chờ đến khi hết chiến tranh mới có thể triển khai kế hoạch thu hút khách Nga sang Việt Nam, cũng như đưa người Việt sang Nga du lịch” - bà Hoàng Thị Phong Thu nói.

 

Thách thức để thu hút du khách nước ngoài sau khi mở cửa ngày 15/3 sẽ tăng cao bởi xăng dầu tăng giá và xung đột Nga - Ukraine.  Nguyên nhân là tâm lý bất an, chi phí tăng cao vì giá xăng dầu tăng và các lệnh cấm bay là rào cản lớn để thu hút khách. Để không tăng giá tour, các doanh nghiệp du lịch nên bỏ những chi phí không cần thiết trong chương trình tour, sử dụng hướng dẫn viên tại chỗ nhằm giảm chi phí đi lại, ăn ở, tiền công hướng dẫn viên, qua đó bảo đảm chất lượng dịch vụ theo cam kết với khách hàng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Hầu hết doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đều lo lắng, cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến mọi kế hoạch khai thác, phục vụ thị trường này không thành.

Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên nhận định, xung đột Nga - Ukraine khiến đồng Rúp Nga rớt giá kỷ lục từ 80 Rúp đổi 1 USD lên 130 - 140 Rúp/USD, ảnh hưởng đến việc mua tour đi du lịch Việt Nam của khách Nga.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia Bắc Âu, Đông Âu đã cấm hãng hàng không Aeroflot của Nga bay qua bầu trời khu vực này, và Nga cũng đã có động thái tương tự với một số quốc gia châu Âu. Do các biện pháp trừng phạt hàng không giữa Nga và Liên minh châu Âu nên các hãng hàng không buộc phải thay đổi lộ trình, khiến chi phí mua vé máy bay tăng làm du khách ngại đi, đồng thời doanh nghiệp du lịch khó kết nối điểm đến.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, hãng hàng không lớn nhất châu Âu Lufthansa đã thông tin các đường bay vòng qua châu Á sẽ khiến hãng này tiêu tốn thêm 1 triệu Euro mỗi tháng. Vì vậy hãng hàng không Lufthansa sẽ phải tăng giá vé máy bay để bù đắp tổn thất.

"Việc hàng không tăng giá vé máy bay sẽ kéo nhu cầu bay của khách du lịch đến từ Nga giảm, mà cả các thị trường khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế do Mỹ và các nước phương Tây đưa ra những biện pháp trừng phạt Nga...” - ông  Phùng Quang Thắng phân tích.

Y kiến của chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cho thấy việc xăng dầu tăng giá và xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút du khách quốc tế, nên tốc độ phục hồi ngành du lịch sẽ chậm hơn mong muốn.