Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Phúc Thọ đã tập trung, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và thực hiện Cuộc vận động “Ba sạch”: "Nước sạch - Môi trường sạch - Nông nghiệp sạch".
5 năm qua, kinh tế huyện duy trì tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XX đề ra. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt 12.450 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 1,71 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt tỷ trọng 45,2%; thương mại, dịch vụ đạt tỷ trọng 33,6%; nông nghiệp đạt tỷ trọng 21,2%.
Sản xuất nông nghiệp của huyện được quan tâm chỉ đạo, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung áp dụng khoa học, công nghệ, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, hoa và cây ăn quả.
Toàn huyện thực hiện chuyển đổi 480ha rau an toàn, 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả, 3.063ha lúa chất lượng cao. Chú trọng việc đăng ký các nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, mở rộng các mô hình khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn sinh học. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 1,4 lần so với năm 2015 . Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức, sắp xếp, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, từng bước đa dạng và phát huy hiệu quả các dịch vụ.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản phát triển và tăng trưởng cả về quy mô đầu tư, giá trị sản xuất. Đến nay, toàn huyện có trên 700 DN, 9.521 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 29.019 lao động. Các DN, hộ sản xuất đã chú trọng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ước tính hết năm 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xây dựng cơ bản đạt 5.672 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,7%/năm (vượt 2,7%/năm so với mục tiêu Đại hội).
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Tổng giá trị sản xuất nhóm ngành dịch vụ đến năm 2020 ước đạt 4.344 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm. Công tác quản lý Nhà nước về thương mại, dịch vụ được chú trọng; quan tâm, tạo điều kiện thành lập mới DN. Hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi thương mại được mở rộng, tạo điều kiện cho các DN, hộ sản xuất kinh doanh quảng bá giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Huyện Phúc Thọ cũng là địa phương phát tiển toàn diện về văn hóa - xã hội; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác nội chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoạt động đối ngoại được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
Đến nay, 100% số xã của huyện Phúc Thọ đã được TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị T.Ư và TP Hà Nội công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Phúc Thọ đang hướng đến một địa phương phát triển toàn diện, đồng thời là một vùng quê đáng sống, với môi trường xanh sạch, các chế độ an sinh tốt cho người dân.