Phương án bảo tồn vẫn còn bỏ ngỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một di tích có kiến trúc "lạ" (từ của Viện Khảo cổ học Việt Nam), được các nhà khoa học khẳng định đã tồn tại gần 10 thế kỷ vừa được phát hiện quanh khu vực Hoàng thành Thăng Long. Di tích mới phát hiện đang góp phần hé lộ dần bức tranh vương quyền của ông cha ta xưa.

 Tuy nhiên, bảo tồn di tích theo phương án nào, khi nó liên quan trực tiếp đến công trình Nhà Quốc hội lại là vấn đề làm đau đầu nhà quản lý.

Chưa ghi nhận trong lịch sử khảo cổ

Là người theo sát quá trình khảo cổ, phát hiện di tích "lạ" ở Hoàng thành Thăng Long ngay từ những ngày đầu, PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội chia sẻ: "Trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, chưa từng ghi nhận di tích nào có cấu trúc đặc biệt như vậy, chưa từng được phát hiện trong các di tích kinh thành ở Việt Nam cũng như ở các kinh thành trên thế giới. Mặc dù trải qua gần 10 thế kỷ tồn tại, nhưng khi được phát hiện di tích vẫn còn tồn tại nguyên vẹn". Các nhà khảo cổ học cho rằng, di tích này là kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông; bên cạnh việc liên quan đến nghi thức tâm linh thời Lý, chắc chắn di tích còn có liên quan đến việc quy hoạch xây dựng thành Thăng Long thế kỷ thứ XI.
Khu di tích mới phát lộ tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Khu di tích mới phát lộ tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Ngay sau khi di tích được phát hiện, cuối tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc thị sát thực trạng và nghe các nhà khoa học báo cáo. Mặc dù, qua việc khảo cổ hiện vật và kiến trúc, các nhà khoa học đều khẳng định được niên đại của di tích, song rất khó để xác định chức năng lịch sử của di tích này. GS Lưu Trần Tiêu cho rằng, trong di tích có cột đá trục xoay nên có thể liên quan đến hội đèn Quảng Chiếu. GS Hoàng Văn Quán lại đánh giá di tích liên quan đến cửu phẩm liên hoa. GS Phan Huy Lê khẳng định: "Đây là di tích thời Lý ở thế kỷ thứ XI, không phải kiến trúc thành quách hay tôn giáo mà là kiến trúc tâm linh, có thể liên quan tới Phật giáo mật tông nhưng chưa xuất hiện ở Trung Quốc hay Nhật Bản. Có thể là kiến trúc trấn yểm". Căn cứ vào địa hình địa vật, Viện Khảo cổ Việt Nam xem di tích liên quan đến nghi lễ tâm linh đặc biệt nào đó của Vương triều Lý trong khu Hoàng thành Thăng Long. Với sự hiện diện của những chiếc lá đề gỗ chạm rồng được chôn ở bên trong kiến trúc trung tâm, bước đầu cũng có thể nhận định kiến trúc này liên quan tới một nghi lễ Phật giáo quan trọng của vương triều Lý. Ông Kunikazu - GS người Nhật, là một trong các đại biểu quốc tế được mời tham dự đánh giá giá trị của di tích vừa phát hiện lại nhận định đó là tòa Minh Đường thời Lý.

Di tích "lạ" trong khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long được phát lộ trong quá trình khảo cổ phục vụ xây dựng hầm để xe của công trình Nhà Quốc hội. Việc xác định tên gọi và chức năng của di tích sẽ quyết định phương án bảo tồn sau này. Thế nhưng, các nhà khoa học chỉ có thể khẳng định đây là kiến trúc "lạ" cần phải nghiên cứu lâu dài.

Làm sao giữ được tính thiêng?

Với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm đến giá trị văn hóa lịch sử tại khu vực này. Tuy nhiên, trong lần thị sát di tích, Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhà Quốc hội là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng trên khu vực có nhiều triều đại nên yêu cầu cao về bảo tồn, bảo tàng". Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo bảo tồn di sản để đánh giá đúng giá trị của các di tích lịch sử được phát hiện để có phương án bảo tồn thích hợp.

Hầu hết các nhà khảo cổ đều đề xuất phương án bảo tồn nguyên vẹn di tích. Tuy nhiên, với không gian tồn tại của di tích được dự tính tới gần 6.000m2, việc bảo tồn đầy đủ khó có thể thành hiện thực. Song, bảo tồn vùng lõi trong khoảng 500m2 cũng đang là vấn đề cần nghiên cứu, bởi quá trình xây dựng đường hầm gửi xe của công trình đang trực tiếp bị ảnh hưởng. Cũng có ý kiến đề nghị di chuyển di tích ra khoảng không gian khác để bảo tồn, phục dựng và tạo thuận lợi cho việc xây dựng bãi đỗ xe. Song ý kiến này bị bác bỏ do di tích tâm linh đã yên vị trong lòng đất ngàn năm dù qua nhiều triều đại. Nếu di chuyển thì tính linh thiêng sẽ mất đi.

Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Viện Khảo cổ học phối hợp với các cơ quan hữu quan, mời các chuyên gia đánh giá giá trị và lập phương án bảo tồn. Viện Khảo cổ học đã tiến hành các biện pháp bảo vệ khẩn cấp di tích như lấp cát tạm thời bảo vệ nguyên trạng. Toàn bộ di tích đã được scan 3D, vẽ, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép để xây dựng hồ sơ khoa học.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần