Phương án, chỉ tiêu tuyển sinh của các đại học thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Một số trường ĐH trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội vừa có thông báo phương án tuyển sinh năm 2022 cũng như thông tin về kỳ thi riêng do trường tổ chức.

SInh viên ĐH Công nghệ- ĐH Quốc gia Hà Nội
SInh viên ĐH Công nghệ- ĐH Quốc gia Hà Nội

Trường ĐH Công nghệ tuyển 980 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo chuẩn và 700 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo chất lượng cao.

Năm 2022, trường sử dụng 6 phương thức xét tuyển gồm xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT hoặc ACT, chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL) kết hợp với điểm 2 môn Toán và Vật lý trong kỳ thi THPT, kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, học sinh hệ chuyên).

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển 1.680 chi tiêu bằng 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); xét theo quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội (10%); kết quả thi đánh giá năng lực HSA (20%); xét chứng chỉ quốc tế (10%) và kết quả thi tốt nghiệp THPT (50%).

Trường Quản trị và Kinh doanh tuyển 480 sinh viên vào 4 ngành dựa trên phương thức đánh giá trí thông minh cảm xúc (EQ) kết hợp xét tuyển.

Trường đánh giá trí thông minh cảm xúc thông qua phỏng vấn thí sinh hoặc qua video do thí sinh gửi về. Video dài 5 phút giới thiệu bản thân, gia đình, lý do chọn ngành, trong đó tối thiểu 30 giây cuối sử dụng tiếng Anh.

Vượt qua vòng đánh giá EQ, trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (65% tổng chỉ tiêu) và xét theo phương thức khác như xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, chứng chỉ quốc tế (15%) và kết quả bài thi đánh giá năng lực HSA (20%).

Trường ĐH Ngoại ngữ dự kiến tuyển 1.950 chỉ tiêu, trong đó 50% bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực HSA.

Trường ĐH Giáo dục tuyển 16 ngành đào tạo ĐH chính quy (5 nhóm ngành) bằng 3 nhóm phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội, kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT (dự kiến 50 chỉ tiêu); dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT (750 chỉ tiêu); xét theo kết quả thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội (200 chỉ tiêu).

ĐH Giáo dục cũng có thông báo đăng ký và đánh giá năng khiếu đối với thí sinh đăng ký tuyển sinh ngành giáo dục mầm non năm 2022. Thông báo có nêu rõ về đối tượng đăng ký, nội dung và yêu cầu bài năng khiếu, các bước thực hiện đăng ký- thời hạn đánh giá năng khiếu, lệ phí đánh giá năng khiếu và các đối tượng được miễn- công nhận kết quả đánh giá năng khiếu.