Bước chuyển mình mạnh mẽ
Những ngày này, ông Phạm Hồng Hải – Tổ trưởng TDP Đông Ngạc 2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cùng hơn 500 hộ gia đình nơi đây rất phấn khởi và xúc động vô cùng khi có không gian sinh hoạt cộng đồng khang trang, hiện đại với đầy đủ công năng như Nhà văn hóa Đông Ngạc 2 vừa đưa vào sử dụng.
“Nhà văn hóa Đông Ngạc 2 xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tới đây, sẽ có đầy đủ các trung tâm, lớp học, đội văn nghệ, văn hóa thể thao… hoạt động. Cán bộ và Nhân dân TDP Đông Ngạc 2 luôn nâng cao và phát huy các phong trào của TDP để đạt danh hiệu TDP văn hóa, xuất sắc, kiểu mẫu”– ông Hải chia sẻ.
Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết, xác định rõ vai trò quan trọng của thiết chế văn hoá ở cơ sở, thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm luôn quan tâm xây dựng các thiết chế công. Nhà văn hóa TDP Đông Ngạc 2 vốn trước đây là nhà của gia đình cụ Phạm Gia Đĩnh (sau đổi là Phạm Mạnh Xứng) hiến cho cách mạng để làm trạm y tế bí mật. Trải qua thời gian dài công trình xuống cấp.
Ngày 9/12/2022, UBND quận Bắc Từ Liêm chấp thuận đề nghị của UBND phường phê duyệt dự án xây dựng Nhà văn hóa TDP Đông Ngạc 2, phường Đông Ngạc với các hạng mục cải tạo nhà truyền thống, nhà văn hóa xây mới; mua sắm, lắp đặt thiết bị cho công trình.
Công trình được khởi công từ ngày 3/8/2023 và hoàn thành, đưa vào sử dụng sau hơn 4 tháng với chi phí đầu tư xây lắp và thiết bị khoảng 7,4 tỷ đồng.
Chia sẻ về kết quả 10 năm phường và quận chính thức đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết, phường Đông Ngạc được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2014.
Cùng với sự phát triển của quận Bắc Từ Liêm, sau 10 năm thành lập, kinh tế của phường phát triển, đời sống vật chất của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhiều người dân có mức thu nhập khá, số hộ giàu ngày càng tăng. An sinh xã hội được đảm bảo, công tác thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Trong 10 năm, phường đã thu gần 100 tỷ đồng.
10 năm qua, phường đã khởi công xây dựng 22 công trình và đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng được tăng cường để triển khai đúng tiến độ các dự án của TP, quận và phường.
Sự nghiệp văn hoá – xã hội được quan tâm, khuyến khích phát triển. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho Nhân dân. Các thiết chế văn hoá ngày càng được hoàn thiện.
Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao. Phường có 6 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tăng 1 trường so với năm 2014. Công tác xã hội hoá giáo dục được khuyến khích. Phường có trên 25 cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân được chú trọng; giảm nghèo, tạo việc làm được quan tâm, đến nay toàn phường không còn hộ nghèo và cận nghèo. Số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT ngày càng tăng, tỷ lệ bao phủ BHYT tế đạt 95%.
Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” được triển khai tích cực, đồng bộ, đạt nhiều kết quả, bình quân hàng năm có trên 96% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá, 100% TDP đạt danh hiệu TDP văn hoá.
Công tác quốc phòng được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của phường đặc biệt được quan tâm.
Với những sự nỗ lực, cố gắng của Nhân dân và cán bộ 10 năm qua, phường được các cấp ghi nhận, biểu dương, khen thưởng từ Trung ương, TP, đến cấp quận. Những kết quả đó là tiền đề vững chắc, động lực thúc đẩy để Nhân dân và cán bộ phường Đông Ngạc tiếp tục đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thách thức thời gian tới.
"Với tinh thần quyết tâm vượt khó vươn lên và phát huy truyền thống Đông Ngạc anh hùng, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu xây dựng phường Đông Ngạc trở thành phường đạt chuẩn văn minh đô thị trong thời gian sớm nhất” - Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc nhấn mạnh.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Nhắc tới nền văn hóa địa phương, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho biết, phường có đình Nhật Tảo là một trong những ngôi đình cổ có giá trị lịch sử bậc nhất ở đất Thăng Long Hà Nội với hơn 600 tuổi. Đình là nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện trọng đại, còn lưu giữ được nhiều giá trị liên quan đến văn hóa người Chăm Pa cổ.
Một sự kiện được ghi nhớ sâu đậm nhất trong lòng người dân Nhật Tảo là ngày mùng 1 Tết năm Nhâm Dần (1962), đình làng Nhật Tảo được vinh dự đón Bác Hồ về chúc Tết, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ có công với cách mạng…
Đình Nhật Tảo được dựng trên một gò đất cao cạnh đường quốc lộ. Hiện nay đình Nhật Tảo còn bảo lưu được tòa Tiền tế, một công trình kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thời Lê khá nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Trưởng Tiểu ban di tích lịch sử Nhật Tảo cho biết, tại đình Nhật Tảo vẫn còn những dấu tích Chăm sót lại. Đó là đôi phỗng gỗ và hai bức phù điêu mang hình hài Kinara (đầu người, thân chim).
Đây cũng là nơi lưu giữ một quả chuông cổ có niên đại năm 948 (thế kỷ X) thời Ngô Quyền với rất nhiều nét độc đáo. Chuông có kích thước nhỏ nhưng mang giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn. Chuông Nhật Tảo - bảo vật độc bản, quả chuông duy nhất ở thế kỷ X cho đến nay được phát hiện ở Việt Nam.
Ngoài ra, hiện nay đình Nhật Tảo còn lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm mang giá trị nghệ thuật cao trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc như kiệu rước, ngai thờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối... Nhưng đặc biệt là bộ di vật 26 đạo sắc phong thần có niên đại trải dài từ thời Lê niên hiệu Đức Long 6 (1634), Chiêu Thống 1 (1787), Quang Trung (1792) đến thời Nguyễn vua Khải Định 9 (1924).
Từ xa xưa ngôi đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của địa phương.
Hình ảnh ngôi đình làng với lễ hội truyền thống hàng năm vào mùa Xuân trở nên thân thuộc gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của Nhân dân địa phương. Việc gìn giữ bảo vệ ngôi đình làng cho các thế hệ mai sau biểu hiện sự trân trọng những di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Hàng năm, hội làng đình Nhật Tảo được tổ chức từ ngày 9/2 đến 12/2 âm lịch để tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, với nhiều hoạt động tế lễ và vui chơi văn hóa thể thao.
Ngày nay, đình làng là nơi giáo dục phát huy những truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ kế tiếp sau và góp phần tôn thêm vẻ đẹp của quê hương xóm làng tạo nên một không gian văn hóa của cuộc sống mới.