Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm: Nhiều đóng góp về phân loại rác tại nguồn

Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Như (62 Lương Văn Can, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ngày càng được chú trọng với những hiệu quả tích cực.

Hiệu quả rõ nét

Phường Hàng Trống thuộc khu vực phát triển du lịch, là một phần của “Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm” nên vấn đề vệ sinh môi trường luôn được chú trọng và đẩy mạnh. 5 Tổ dân phố với nét nổi bật là có nhiều di tích lịch sử, nhiều khách sạn, nhiều nhà hàng ẩm thực nổi tiếng sang trọng, chợ nhỏ, những người bán hàng rong, phố bán kính, tuyến phố vòng theo một nửa Hồ Gươm… cho nên vấn đề vệ sinh môi trường luôn được quan tâm.

Theo đó, triển khai Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 03/7/2017 về triển khai Nghị quyết số 11/NQ-TƯ ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội về phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020 tầm nhìn 2025 trên địa bàn TP Hà Nội.

Người dân phường Hàng Trống được tuyên truyền về vấn đề phân loại rác tại nguồn
Người dân phường Hàng Trống được tuyên truyền về vấn đề phân loại rác tại nguồn

UBND phường Hàng Trống đã tổ chức các lớp tập huấn, qua đó cán bộ cơ sở được nghe thuyết trình và thực hành về hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại gia đình. Các ông, bà tổ trưởng, chi hội phụ nữ, chữ thập đỏ, đoàn thanh niên đi phát tờ rơi hướng dẫn các bước xử lý rác nhựa giá trị thấp, hiểu như thế nào là rác thải nhựa giá trị thấp về phân loại rác tại hộ gia đình, hộ kinh doanh… và tuyên truyền tất cả cuộc họp giao tại các tổ dân phố để Nhân dân, hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, lan tỏa trong Nhân dân đều nắm được và thực hiện, khi vấn đề đã trở thành ý thức, thấu hiểu thì sẽ được triển khai nhanh chóng.

Sau một tuần triển khai việc phân loại rác tại nguồn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ dân phố đã lập trang trên zalo “Vì môi trường” để phường Hàng Trống đã kịp thời thông báo các văn bản, chủ trương của phường về phân loại rác từ nguồn.

Trên trang là kế hoạch truyền thông, theo dõi, giám sát, báo cáo hoạt động phân loại và thu gom rác thải nhựa giá trị thấp tại hộ gia đình trên trang dày đặc các hình ảnh của hộ dân cư, nhiều chị em tham gia tổng vệ sinh đường phố sáng thứ 7 hàng tuần.

5 tổ dân phố tích cực trong việc hưởng ứng phân loại thu gom rác thải nhựa giá trị thấp tại hộ gia đình, các cán bộ cơ sở như: Tổ trưởng, tổ phó, Chi hội phụ nữ, Chi hội Chữ Thập đỏ, Đoàn thanh niên… lập nhóm nòng cốt tham gia hướng dẫn, tuyên truyền cho Nhân dân. 100% hộ gia đình đều ủng hộ.

Những ngày tiếp theo là các hình ảnh phân loại rác tại nguồn tại hộ gia đình, đa phần mọi người phân loại làm 3 túi gồm: Rác hữu cơ (dễ phân hủy), bìa giấy, bìa carton, đồ nhựa tái chế được, rác thải nhựa giá trị thấp.

Rác loại 1 thì được đổ theo giờ thu gom, rác loại 2 mang đem đổi lấy quà tại “Điểm thu gom rác tái chế” tại vỉa hè số 8 Lê Thái Tổ. Còn rác loại 3 là rác thải nhựa giá trị thấp được làm sạch, khô cho vào túi buộc gọn vào để giao bên công ty Urenco Hoàn Kiếm thu gom hàng ngày, hàng tuần.

Bà Lê Thị Nhượng - Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận Tổ dân phố số 1 cho biết: “Nhóm nòng cốt” gồm 5 người kết với cán bộ cơ sở đi phát tờ rơi và tuyên truyền, bà con sẽ phân loại rác tại nhà hoặc để sáng thứ 7 thu gom tại điểm số 8 Lê Thái Tổ đổi quà. Rác thải nhựa giá trị thấp tập trung 40 Hàng Hành, để Urenco Hoàn Kiếm thu gom. Rác còn lại hàng ngày theo giờ đi đổ.”

Một điểm thu gom rác tái chế trên địa bàn phường Hàng Trống
Một điểm thu gom rác tái chế trên địa bàn phường Hàng Trống

Để thực hiện phân loại tốt hơn, bà Lê Thị Nhượng đề xuất Công ty Môi trường nên có hai thùng rác đựng hữu cơ và vô cơ để cho Nhân dân bỏ rác đã phân loại thuận tiện, nếu để chung thì người thu gom rác lại chọn những thứ mình cần, đổ chỗ rác còn lại bừa bãi ra đường hoặc để lộn xộn lẫn vào nhau, như thế mất công phân loại rác.

Từ một góc nhìn khác, bà Vũ Thị Sinh - Tổ trưởng Tổ 1 cho rằng: “Hiện nay cách làm còn chưa quy củ, cần để Nhân dân thấm nhuần. Các gia đình đăng ký, rác thải ăn uống thì vứt đi hàng ngày. Còn rác có thể tái chế, rác thải nhựa giá trị thấp để lẫn ở nhà, thứ 7 có người đi thu gom, tập trung lại. Có thể nhờ người thu mua, để dùng làm quỹ Tổ hoặc trả trực tiếp cho hộ gia đình.”

Những đóng góp quan trọng

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hàng Trống Dương Thùy Dương cho biết: “Để làm tốt công tác môi trường thì Hội viên Phụ nữ phải là nòng cốt thực hiện. Theo đó, Hội LHPN Phụ nữ phường thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn.”

Ngoài ra, tại phường Hàng Trống, người dân cũng rất tích cực đóng góp ý kiến về vấn đề phân loại rác thải nguồn, phân loại rác nhựa giá trị thấp tại hộ gia đình.

Bà Lê Thị Dậu - sinh sống tại số nhà 46 Hàng Hành chia sẻ: “Tôi ủng hộ chủ trương phân loại rác, tôi hiểu là rác hữu cơ có thể phân hủy được, rác vô cơ có phân hủy được, rác vô có chất thải nhựa giá trị thấp như: Hộp sữa chua, thìa nhựa và đồ có thể tái chế được như: Nhựa chất lượng cao, giấy, bìa… Phân loại rác rất có tác dụng, rác có thể làm phân bón, tái chế làm ra các đồ vật. Tuy vậy nhiều người dân còn ngại, sợ mất thời gian nên có rác thải là cho vào một túi, nhiều người còn vứt rác ra đường túi nilon bay lung tung… góp ý sợ mất lòng nhau.”

Vấn đề hạn chế rác thải nhựa được triển khai sâu rộng
Vấn đề hạn chế rác thải nhựa được triển khai sâu rộng

Bà Trần Thị Thúy - bán hàng nước tại số 7 Hàng Hành cho rằng: “Để bảo vệ môi trường, chất thải nên để riêng, chất thải có thể phân hủy để riêng. Nhà tôi bán hàng rất bận có lúc phân loại được, có lúc không phân loại được. Phân loại rác được là tốt nhất, sẽ được bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống sau này. Tôi kiến nghị là mọi người cùng chung tay phân loại rác từ hộ gia đình sẽ giảm công sức của công nhân môi trường. Đây là chủ trương đúng đắn cần phát huy.”

Là nhân viên lễ tân khách sạn Sp Landid, bà Nguyễn Thu Trang cho biết: “Rác ở khách sạn gồm có chai lọ nhựa, lon đồ uống, rác thải sinh hoạt bếp ăn. Phân loại rác thì ở đất nước như: Nhật, Úc, Singapore… đã làm từ lâu, họ xử phạt rất nặng những người vi phạm. Nếu không phân loại rác thải nguồn, các đồ vật lẫn vào nhau, đồ hữu cơ lên men rất bẩn, bốc mùi thì gây độc hại, ảnh hưởng sức khỏe cho người xử lý nên chúng tôi rất ủng hộ chủ trương phân loại rác thải nguồn…”

Bà Đào Thúy Hằng (địa chỉ Ngõ Báo Khánh) trong nhóm nòng cốt Tổ 1 băn khoăn: "Tôi thấy phân loại rác là cần thiết nhưng xử lý phân loại rác chưa hợp lý, người dân phân loại xong cho vào túi rồi bỏ vào xe rác hoặc vứt ra “chân rác, những người làm nghề đồng nát ra tìm những thứ sử dụng được (bán được tiền), còn lại họ đổ lẫn các loại rác vào nhau có khi còn đổ đường rất mất vệ sinh và mỹ quan. Những người thu gom rác họ lọc những thứ đựng được để riêng, còn lại đổ lẫn vào nhau.

Ví dụ, hộp giấy, bìa carton, chai lọ tái chế được thì để riêng, hộp sữa chua, bao bì… lại đổ lẫn vào rác hữu cơ như vậy phân loại rác từ nguồn lại là mất công nên người dân không tích cực vì phân loại rác từ nguồn hay phân loại rác thải nhựa giá trị thấp nếu theo tiêu chí là sạch, khô là rất mất công và thời gian.

Ông Bùi Quang Huy - cộng tác ở cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã học tập và sống ở Đức nhiều năm, rất tâm đắc với chương trình phân loại rác từ nguồn này, nói: “Rác là tài nguyên, những thứ con người thải ra vẫn có thể tái chế, sử dụng được nhưng phải qua xử lý, có nhiều người làm giàu được. Việc phân loại rác sẽ giúp cho việc xử lý nhanh, gọn hơn. Ở nước ngoài, việc phân loại rác từ nguồn đã thực hiện từ lâu, nguyên tắc xử lý rác: Nơi nào làm ra nhiều, thải nhiều rác thì phải chịu nhiều phí xử lý, phải có Luật về môi trường, có công an vào cuộc có xử phạt nếu ai vi phạm. Ví dụ, bên Đức, họ phân rác ra các loại 1. Thực phẩm, lương thực thừa, 2. Đồ nhựa, 3. Giấy. 4. Kim loại, 5. Rác quá khổ.

Quy định cho mỗi gia đình hạn mức rác phải đóng phí, nếu quá thì phải trả thêm tiền xử lý rác. Cách xử lý nếu bị phát hiện là vứt rác bậy là phải mất tiền xử lý cả đống rác. Công an vào cuộc điều tra, việc vi phạm có thể đưa ra tòa, có thể bị xử phạt bằng đóng tiền hoặc lao động công ích phải đi chọn rác hoặc phân loại rác...”

Đối với các nước phát triển việc phân loại rác có từ lâu, đã thành ý thức tự giác của mỗi người thì việc thu phí xử lý rác, xử phạt thật nghiêm. Còn ở nước ta, tuyên truyền, vận động, thực hiện giám sát, kiểm tra việc phân loại rác tại nguồn.

Để thực hiện tốt và thành công chủ trương phân loại rác nhựa giá trị thấp tại hộ gia đình xin kiến nghị: Về mặt chủ trương rất tốt, người dân thấy là cần thiết, góp phần quan trọng cho bảo vệ môi trường cần làm triệt để (có khen thưởng và xử phạt). Cần đi sát thực tế để giúp người dân phân loại rác hiệu quả hơn.

Cùng với đó, muốn làm tốt phải có người đi thu gom, có đội riêng đi thu gom rác thải nhựa giá trị thấp còn công nhân vệ sinh môi trường chỉ thu gom rác thải sinh hoạt (hữu cơ) nên có thùng chứa rác được để nơi công cộng, trên các thùng rác có ghi rõ các loại rác.

Đặc biệt, nên đưa kiến thức và thực hành phân loại rác từ nguồn, phân loại rác thải giá trị thấp vào chương trình học, từ cấp mầm non, cần đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, có chế tài xử phạt.