Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Podcast Truyện ngắn: Bóng chiều tà

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bao năm tháng sống cô đơn đã bào mòn tinh thần và sức khỏe, việc ông phải đi tìm hơi ấm ở người phụ nữ khác là điều không thể tránh khỏi. Không nhận được sự cảm thông của hai người con gái, sự đồng cảm của vợ, việc ly hôn là điều chẳng thể tránh khỏi.

 

Dù vừa chớm hè nhưng trời đã oi ả, ngoài đường cái nóng hầm hập không một cơn gió, những người bán hàng rong tựa mình vào gốc cây gà gật trông giấc ngủ chưa đầy nhọc nhằn trên bước đường mưu sinh. Đầu giờ chiều sân tòa án Huyện nắng chói chang, từ trên xe ô tô mang biển số Hà Nội, bà Mịch cùng hai người con gái bước xuống, họ im lặng vào bên trong. Thoáng nhìn hàng ghế trống trơn, bà Mịch quay người nhìn ra phía cổng như ngóng đợi ai đó, tâm trạng bà rối bời khó nói thành lời. Khi tòa án bắt đầu làm việc, ông Thiện là chồng bà được một người cháu chở xe máy tới, hai người con gái vừa thấy bố liền quay mặt đi, đối với họ, ông là người xa lạ. Nữ thẩm phán nhìn ông cụ ngoài 70 râu tóc bạc phơ chống gậy bước chậm rãi vào phòng xử án, bà nén tiếng thở dài để thực hiện chức năng và quyền hạn của mình. Do đã trải qua ba buổi hòa giải cùng hai lần xử án không thành, nhận thấy hai bên không có tình tiết mới nên bà thẩm phán đã tuyên bố chấp thuận cho đôi vợ chồng già được thuận tình ly hôn.

Tòa án xử ly hôn đơn thuần là thủ tục hành chính, trên thực tế ông Thiện cảm thấy mình thành người xa lạ với hai cô con gái do mình nuôi nấng, chăm bẵm từ bé. Bà Mịch vợ ông từ lâu không còn là người để ông có thể chia sẻ và trút bầu tâm sự, hơn 10 năm mải chăm cháu khiến ông bà trở lên xa cách. Ở quê, nhiều khi trái gió trở trời, ông thèm một bát cháo hay đơn giản chỉ là bàn tay vuốt ve mang hơi ấm của người phụ nữ, điều đó tuyệt nhiên không có. Biết mình chưa già nên ông vẫn có nhu cầu quan hệ tình dục như mọi người, oái ăm ở chỗ vì hoàn cảnh nên ông rơi vào tình thế có vợ cũng như không. Bao năm tháng sống cô đơn đã bào mòn tinh thần và sức khỏe, việc ông phải đi tìm hơi ấm và tình cảm ở người phụ nữ khác là điều không thể tránh khỏi. Không nhận được sự cảm thông của hai người con gái, sự đồng cảm của vợ, việc ly hôn là điều chẳng thể tránh khỏi.

15 năm về trước, khi nghe tin cô con gái lớn sinh con đầu lòng, khỏi phải nói hai ông bà đã vui mừng khôn xiết, gia đình ông Thiện luôn là tấm gương cho cả xóm Hạ noi theo. Nhà ông bà xuất thân cán bộ, hai cô con gái học hành giỏi giang và đều giành được học bổng khi đỗ vào đại học ở  Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, hai cô con gái đều xin được việc và lấy chồng dưới đó. Bà Mịch có cháu ngoại khi vừa bước qua tuổi 50 nên còn trẻ khỏe, trong khi ông Thiện còn hai năm nữa sẽ cầm sổ hưu. Để giúp con gái mới đẻ, bà Mịch bàn với chồng việc sẽ xuống Hà Nội chăm con và trông cháu cho cứng cáp. Bà không quên giao cho ông Thiện ở nhà chịu khó nuôi đàn gà và trồng ít rau để gửi xuống, không gì sạch và tốt bằng cây nhà lá vườn. Nghe vợ nói vậy‎, ông Thiện hào hứng gật đầu ‎ngay, niềm vui khi sắp về nhà có con đầu cháu sớm khiến hai ông bà như trẻ ra vài tuổi. Suốt vài năm liền, đều đặn nửa tháng một lần, ông Thiện thu hoạch rau, cá, nhiều khi có thêm cả trứng gà để gửi xe khách về Hà Nội cho con gái và cháu ngoại. Hễ nghĩ đến cảnh mọi người được ăn đồ sạch, bao mệt nhọc đều tan biến, cuối tuần rảnh rỗi, ông thường bắt xe khách xuống Hà Nội chơi với cháu và thăm bà, chiều hôm sau quay về sớm. Trong thâm tâm ông thoáng nghĩ, vợ mình xuống Hà Nội trông cháu hết năm sẽ về, nhưng mọi việc không như dự tính, hoá ra việc tìm người giúp việc không hề dễ dàng, trong khi con gái và con rể đều bận công việc.  

Ông Thiện cần mẫn trồng rau, nuôi gà cho đến lúc cầm sổ hưu, vừa lúc cháu ngoại đã lớn và đi nhà trẻ. Hơn ai hết ông là người mừng nhất, dù không tiện nói ra, nhưng suốt 3 năm qua là quãng thời gian ông cảm thấy hụt hẫng nhất. Do sống lủi thủi một mình trong căn nhà trống trải, ông dự tính khi về hưu có hai ông bà sớm tối chăm nhau mọi việc sẽ dễ dàng hơn, các cụ thường nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông” là vậy. Theo kế hoạch cuối tuần bà Mịch sẽ trở về nhà khiến ông bồn chồn khó ngủ, nhưng niềm vui bỗng vụt tắt khi nhận được điện thoại của vợ ngay chiều hôm đó. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, bà cho biết Hằng là cô con gái thứ hai có tin vui, như vậy bà vừa hết nhiệm kì chăm cháu đầu ở nhà cô lớn đã vội xách đồ‎ sang nhà cô út để chuẩn bị chăm cháu tiếp. Chưa kịp ngấm nỗi buồn xa vợ, ông Thiện được hai cô con gái tín nhiệm giao nhiệm vụ quen thuộc là trồng rau sạch, nuôi gà và chăm lợn để cuối năm còn có thực phẩm ăn tết. Vất vả quanh năm, nhà ông chỉ đông vui vào ngày mùng ba tết, bởi khi đó các con cháu về tụ tập đông đủ, mọi người ăn uống và nhìn mấy đứa trẻ nô đùa vang cả góc nhà. Buổi chiều sau khi chất đầy rau quả, gà cùng thịt lợn vào xe ô tô, bà Mịch vội theo chân hai cô con gái về Hà Nội sớm. Không được ở nhà thêm một ngày, bà phải chăm cháu cho các con, hoá ra ngày tết con gái và con rể của ông bà còn bận rộn hơn ngày thường do phải đi chúc tết và dự tiệc liên miên. Sự xa cách giữa ông bà nên cái gì đến rồi cũng phải đến, có điều mọi người thấy khó chấp nhận được.

Việc tăng gia để có rau và thực phẩm sạch gửi lên cho hai cô con gái kéo dài hơn ông Thiện dự kiến. Lúc đầu là chăm cháu 3 năm ở nhà cô con gái lớn, sau đến chăm con cho cô thứ hai. Người ta nói “một mẹ già bằng ba người ở” quả không sai. Hai cô con gái luôn tranh giành bà Mịch về chăm con cho mình, các cô sinh đứa đầu xong vài năm lại sinh tiếp đứa thứ hai, sự tranh thủ là có nguyên do, họ muốn tận dụng sự nhàn rỗi của mẹ mình. Cuộc sống xa vợ ròng rã hơn 10 năm trời, thời gian đầu ông Thiện còn chăm gọi điện thoại, mong bà Mịch về chơi, nhưng rồi sự mong ngóng thành vô vọng, các con đều bận rộn nên bà hiếm khi được về với ông. Chính những năm sống một mình ở quê  khiến ông cảm thấy có vợ con cũng như không, dù chưa già nhưng đã sống cô đơn như người góa bụa. Hàng tuần hai cô con gái ngoài việc gọi điện hỏi xem bao giờ có rau hay thịt gà gửi lên cho các cháu, họ không bận tâm xem bố mình sống ra sao hay cần gì. Điều gì đến phải đến, bỏ qua sự gièm pha của xóm làng, ông Thiện qua lại tình cảm với cô Tân ở xóm bãi, bỏ mặc mấy luống rau không người chăm sóc đã hỏng hết, chuồng gà cũng bỏ không. Sau một thời gian thấy tâm đầu ‎ hợp, ông chuyển luôn đến nhà cô Tân chung sống. Bản thân ông suy nghĩ rất nhiều về việc đó, trước khi chuyển về chung một nhà với cô Tân. Dù đau buồn nhưng ông quyết định gửi đơn xin ly hôn với bà Mịch, ông muốn tự giải thoát cho mình và cũng là giải thoát cho bà vợ đắm đuối vì con, vì cháu nhưng quên mất chồng.

Chiều nay bà Mịch ngồi bất động hàng giờ tại gian thờ trên tầng 5. Mặc cho đứa cháu đi học về đang cằn nhằn, vì không thấy cơm nước sẵn sàng như mọi ngày. Tiếng con gái lớn réo rắt trách bà chắc mải xem phim rồi ngủ quên nên chưa nấu cơm, khéo muộn giờ học thêm của con bé. Tiếng kinh tụng được phát ra từ chiếc đài nhỏ đã giúp bà quên đi thực tại cùng mọi âm thanh từ tầng dưới vọng lên. Dòng nước mắt tuôn dài trên khuôn mặt đã nhuốm màu thời gian của bà, nỗi đau khiến bà chẳng thiết sống bởi hy sinh cả đời vì chồng con hoá thành vô nghĩa. Tin ông Thiện có quan hệ và chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ cùng làng khiến bà sốc và choáng váng, bởi trong mắt bà, ông luôn là người chồng mẫu mực, người cha, người ông đáng kính. Bỗng dưng ở cái tuổi gần đất xa trời, ông vứt bỏ tất cả để chạy theo người đàn bà khác, không những vậy còn gửi đơn ly hôn. Dù có nằm mơ bà không ngờ cơ sự ra thế này, dằn vặt tâm can vì đau khổ, bà bỏ ăn chỉ nằm trên giường âm thầm khóc vì xót xa. Thương mẹ nên dù bận công việc, ngay tối hôm đó, hai cô con gái đã lái xe về quê để chất vấn bố mình. Ngay khi bước vào nhà, không một lời hỏi thăm, do thương mẹ nên hai người thay nhau trách móc đủ thứ, trong lúc đó bà Mịch chỉ biết ngồi im lặng. Mặc cho hai đứa con gái vừa chì chiết vừa lên mặt rao giảng về đạo đức và lối sống, ông Thiện kiên nhẫn lắng nghe cho hết. Đến gần cuối buổi nói chuyện, ông khẽ hỏi hai người con nhưng để cho bà vợ nghe thấy:

-Khi còn bé, ai là người chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Khi xuống Hà Nội học, ai là người chắt chiu dành dụm từng đồng lương ít ỏi gửi cho các con yên tâm ăn học. Khi lập gia đình và sinh con, ai là người trồng rau, nuôi gà rồi hàng tháng gửi xuống cho hai gia đình có rau và thức phẩm sạch để ăn?

Ngừng một chút để các con thấu hiểu, bất ngờ ông Thiện chất vấn:

-Nếu phải sống xa chồng mình hơn 10 năm, các con sẽ sống như thế nào.

Trước sự ngạc nhiên của hai cô con gái và bà vợ, ông Thiện chậm rãi kết luận, đạo đức phải xuất phát từ trái tim và hành động, không phải ở mấy lời sáo rỗng hay lối sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình.

Trong suốt quá trình hỏi đáp và khi kết thúc phiên tòa, hai người con gái không hề nhìn mặt người cha già một lần. Phiên tòa nhanh chóng kết thúc, dù muốn nói gì đó với người từng gắn bó 50 năm với mình, bà Mịch bị hai cô con gái dắt ngay ra xe về Hà Nội ngay lập tức. Ở tuổi 72 ông Thiện bắt đầu cuộc sống mới, với nhiều nỗi niềm tâm sự không dễ gì nói ra được, ông cay đắng ngước nhìn chiếc xe ô tô chở bà Mịch, người đã thành vợ cũ cùng hai cô con gái dần mất hút ngay con đường phía  trước mặt. Ông và bà bây giờ khác nào câu thơ;

“Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương…”

Hơn ai hết ông biết rõ, chính lối sống vô tâm và ích kỉ của hai người con gái, sự đắm đuối vì con vì cháu của bà Mịch, khiến hai ông bà phải dắt nhau ra tòa ở cái tuổi, đáng ra cần được nghỉ ngơi xum vầy bên con cháu. Vệt nắng cuối ngày như đổ dài theo từng bước chân của ông.