Ngay chập tối, bà con xóm cây đa nghe thấy tiếng bà đồng Tuất và con dâu to tiếng với nhau, việc này xảy ra như cơm bữa nên mọi người thấy quen tai, thậm chí nếu không có tiếng cãi nhau, họ cảm thấy như thiếu một cái gì đó khó gọi tên ra được. Hòa cùng tiếng trẻ con khóc, tiếng loa đài xập xình, tiếng mẹ chồng nàng dâu cãi lộn, tất cả được trộn vào nhau như một bản giao hưởng hợp xướng vậy, điều đó trở thành nét đặc trưng của xóm lao động nghèo. Tiếng bà đồng Tuất đay nghiến con dâu là loại đàn bà không biết ý tứ, suốt ngày ăn mặc hở hang ngồi giữa cửa cho lũ đàn ông ngắm, đúng là vô phúc mục mả. Vốn không phải dạng vừa, cô con dâu to tiếng đáp lời mẹ chồng vì già nhưng sống hay ứ săm soi, như vậy chuốc khổ vào thân, như vậy gõ mõ tụng kinh làm gì rồi mang tiếng khẩu nghiệp. Nghe con dâu nói hỗn xược, bà đồng Tuất đứng phắt dậy chu chéo:
-Ối giời cao đất dày ơi, ối làng nước ơi, con mất dạy nó vừa chửi tôi.
Vừa kêu gào, bà đồng Tuất vừa xắn tay áo chuẩn bị cho đứa con dâu láo lếu một trận, đúng lúc đó con trai bà đi làm về nên bà vừa khóc vừa mách:
-Anh về xem con vợ mất dạy của anh, nó vừa chửi thẳng vào mặt tôi xong.
Chán cảnh hai người phụ nữ cãi nhau, Tuấn khẽ rít qua kẽ răng:
-Bà ít chuyện thôi, nó đang mang thai nếu suốt ngày bị căng thẳng, đứa nào chịu được.
Đang vung tay khóc lóc, nghe con trai nói vậy, bà đồng Tuất sững người trong giây lát, nhìn theo con trai và con dâu đưa nhau lên phòng ngủ trên tầng, bà vội khăn áo chỉnh tề, thắp hương lên bàn thờ và bắt đầu thỉnh chuông kêu cầu bề trên phù hộ độ trì cho nhà mình. Dù ghét cay ghét đắng con dâu, nhưng nghĩ đến việc mình sắp có cháu đích tôn sau bao ngày chờ mong, bà đồng Tuất nén giận đổi bực thành vui. Mở tủ lạnh lấy bát chè sen, thò ngón tay vào bát chè rồi cho lên miệng mút, bà thầm nghĩ, đúng là cho thêm chút bột đao có khác, bát chè sánh mịn hơn thật. Nhúng ngón tay rồi mút thêm vài lần nữa, dù tiếc rẻ nhưng bà vẫn bê bát chè sen lên phòng ngủ. Khi con trai mở cửa, trước sự ngạc nhiên của con dâu, bà đồng Tuất tươi cười nói:
-Trời hôm nay nóng, con chịu khó ăn bát chè sen cho mát, tốt cho cả mẹ lẫn con lại dễ ngủ.
Cô con dâu cảm động, miệng lí nhí cảm ơn rồi đưa hai tay ra đỡ bát chè sen từ mẹ chồng. Bà đồng Tuất bước xuống dưới nhà, vừa đi bà vừa nghĩ, mày mà không đẻ được con trai thì chết với bà, quân mất dạy. Xuống dưới nhà nhưng vẫn tiếc bát chè sen để lạnh, bà nhớ lại 2 năm trước, khi con trai làm công nhân tại khu công nghiệp Sóng thần dẫn người yêu về ra mắt nhằm chuẩn bị cho lễ cưới. Trong buổi gặp mặt đó, cô gái có tên là Mỹ Hà khẽ thưa gửi với bà bằng một giọng miền Nam dễ nghe:
-Thưa bác, ba má con muốn anh Tuấn ở rể do không muốn con phải làm dâu xa nhà, nhưng bác chỉ có mình anh Tuấn nên chúng con bàn nhau, sau khi cưới sẽ ở lại đây làm việc, không quay vào trong miền Nam nữa.
Nghe cô con dâu tương lai nói vậy, bà mừng không kể xiết. Tuấn là con một bởi ngày xưa do tự dưng có chửa nên không biết cha của đứa bé là ai, bà đồng Tuất đã bị đuổi học khi đang là sinh viên trường sư phạm. Chính vì phải nén tủi nhục nuôi con khôn lớn, cho nên đám cưới con trai bà làm 50 mâm cỗ vì muốn mọi người nhìn vào đám cưới con bà phải trầm trồ thán phục. Nhà gái ở tận Trà Vinh nên cử một đoàn 12 người họ hàng tham dự. Trong lễ cưới, đại diện nhà gái lần lượt bước lên trao cho cô dâu khá nhiều đồ trang sức bằng vàng gồm, kiềng, dây chuyền, vòng tay, lắc và nhẫn, nhìn cô dâu đeo vàng nặng trĩu cổ, tất cả quan khách dự tiệc cưới đều xôn xao bàn tán về số của hồi môn khủng, ai cũng khen cho Tuấn tốt số lấy được vợ vừa trẻ đẹp lại vừa giàu có, bà đồng Tuất có được nàng dâu hiếu thảo. Trước quan viên hai họ, bà đồng Tuất tươi cười cầm tay con dâu tuyên bố:
- Tôi không có con gái nên tôi sẽ yêu thương con dâu như con gái của mình vậy, mọi người đều nhất loạt vỗ tay.
Sau đêm tân hôn, dù chưa đến 7 giờ sáng, bà đồng Tuất đã gõ cửa phòng của đôi uyên ương, Tuấn mắt nhắm mắt mở ra mở cửa, miệng làu bàu:
-Có chuyện gì mẹ để trưa nói không được sao, con vừa chợp mắt.
Kệ con trai, bà đồng Tuất ngồi ngay mép giường nói cho con trai cùng con dâu được biết, mọi chi phí đám cưới một tay bà chi trả, dù thức cả đêm để kiểm đếm phong bì tiền mừng nhưng vẫn thiếu một khoản nữa mới đủ số cần thanh toán. Ngừng một chút, bà đồng Tuất giải thích việc sẽ mượn tạm ít đồ nữ trang của con dâu đem bán để trang trải các khoản, sau này có tiền, bà sẽ mua trả cho hai vợ chồng. Nghe mẹ chồng nói xong, con dâu bước xuống giường mở tủ bốc ra một đống các loại nữ trang rồi giải thích, nhà cô ở xa lại nghèo, đám cưới chủ yếu làm đẹp mặt cho bà, công nhân lấy đâu ra lắm vàng, chỗ nữ trang toàn đồ mỹ kí, nếu mua trên chợ Tân Thanh sẽ mất khoảng 300 ngàn, tuy nhiên do không có thời gian mò lên đó, cô phải ra chợ Đồng Xuân mua hết 600 ngàn đồng. Bà đồng Tuất sững sờ vội cầm thử cái kiềng lên, đúng là đồ dởm vì nó quá nhẹ so với vàng thật. Khi nhìn gần thấy lớp mạ vàng bắt đầu bong tróc ở nhiều chỗ, bà hỏi con dâu:
-Thế mấy ông chú bà thím nhà chị không biết đồ trang sức giả sao?
Con dâu bà thản nhiên trả lời giọng tỉnh bơ:
-Chú thím nào ở đây, con phải thuê mấy mẹ đồng nát và hai ông bảo vệ nhận làm nhà gái, tất cả vì muốn đám cưới được diễn ra như mẹ mong muốn còn gì.
Con trai chuyển sang làm nghề phụ xe khách đường dài, mỗi lần đi vài ngày mới về, lấy chồng xong, Mỹ Hà ở nhà không làm bất cứ việc gì, sáng ra riêng việc trang điểm mất gần một tiếng, mặc cho mẹ chồng lườm nguýt, cô ra ngõ ăn sáng rồi lên phòng nằm coi ti vi. Đúng 15 giờ, Mỹ Hà xuống cuối xóm ghé hàng nước của bà Hải đánh vài con đề rồi buôn chuyện, chủ yếu là nói xấu mẹ chồng, hôm nào có ai mời, cô ngồi uống bia đến xẩm tối mới về, mẹ chồng nàng dâu cũng vì thế thường xuyên xảy ra mẫu thuẫn, việc cãi nhau tay đôi đã thành cơm bữa. Nhiều lúc bà đồng Tuất thầm nghĩ, có lẽ kiếp trước mình đã tạo nghiệp nên kiếp này con trai rước nhầm con hồ ly tinh này về nhà. Mặc cho mẹ mách tội vợ, hễ về đến nhà sau vài ngày xa cách, con trai cùng con dâu bà sẽ ở lì trong phòng hú hí với nhau. Tuy ghét con dâu ra mặt, bà đồng Tuất thèm có đứa cháu nên đành nín nhịn, tuy thế gần hai năm cưới nhau vẫn chưa thấy con dâu có biểu hiện thai nghén. Điên lên, nhiều lúc bà hay nói mỉa con dâu:
-Khéo thằng Tuấn nhà này vớ phải con cá rô đực rồi, nhà này rồi vô phúc tuyệt tự.
Cô con dâu không vừa, nói móc lại bà mẹ chồng vì có phải gà đâu mà thích là đẻ được, có giỏi bà thử xem có cách nào không. Chỉ chờ có vậy, bà đồng Tuất lôi con dâu đi khắp tam tòa, tứ phủ để kêu cầu ơn trên, hễ nghe hùa hay đền nào thiêng, bà đều có mặt cầu khấn và dâng lễ mong cho con trai mình có đứa con cầu tự, còn bà có đứa cháu nội. Tuy mẹ chồng nàng dâu ghét nhau, nhưng mấy vụ đi kêu cầu kiểu này, con dâu bà không hề phản đối. Từ ngày Mỹ Hà mang thai, mẹ chồng nàng dâu bớt cãi nhau hơn, Mỹ Hà chịu khó tẩm bổ và đi khám thai định kì, dù không có tiền nhưng tháng nào cô cũng đi khám tại một bệnh viện tư có tiếng ở thủ đô. Mặc cho mẹ chồng ngạc nhiên, hễ ra khỏi nhà cô sẽ gọi taxi cho an toàn, lần nào đi khám về, Mỹ Hà đều xách theo một túi đầy các loại sữa và thực phẩm cao cấp để bồi dưỡng cho cả mẹ lẫn thai nhi. Điều bà đồng Tuất hài lòng hơn cả, suốt thời gian mang thai, con dâu bỏ luôn việc nhậu bia ở đầu xóm và mua mấy đĩa nhạc giao hưởng về nghe theo tư vấn của bác sĩ sản khoa, việc đó giúp cho thai nhi phát triển toàn diện. Trái với sự háo hức của mẹ mình do sắp được lên chức bà, Tuấn coi như không có chuyện gì xảy ra, hàng ngày đi làm về lại lo ăn nhậu.
Sát ngày sinh nở, không cần hỏi ý kiến mẹ chồng, Mỹ Hà chọn ngày thứ ba để mổ sinh, vì ngày đó là ngày “bảo quang hoàng đạo”. Khi nghe bác sĩ thông báo con dâu bà sinh hạ được một cậu con trai nặng 3,4 kg, bà đồng Tuất sung sướng đến trào nước mắt. Bế đứa cháu đích tôn trên tay, bà thấy thằng bé vừa trắng lại vừa đẹp hơn hẳn thằng bố nó hồi bé đã xấu lại còn đen. Ngắm thằng bé, bà đoán chắc nó giống ông kị nội từ thời xa xưa, đúng là con cầu tự, con thần, con thánh có khác, vừa bế cháu bà đồng Tuất vừa luôn miệng cầu khấn tạ ơn các đấng thần linh đã thấu tỏ cho tấm lòng thành của mình suốt thời gian qua. Ngày con dâu xuất viện, ngay từ sáng sớm bà đã sắp lễ và thắp nhang khấn tạ ơn trên ngay tại điện thờ của mình và không quên chuẩn bị sẵn một chậu bồ kết để n giữa cửa, chút con dâu bà sẽ bước qua. Vốn tính cẩn thận, bà không quên dắt theo một con dao nhỏ cùng thỏi son cũ nhằm đánh dấu cho thằng bé trên đường về nhà. Trộm vía, cứ nghĩ đến thằng cháu đích tôn, bà thấy sướng rơn vì cu con vừa sinh ra đã kháu khỉnh và có phúc tướng.
Bước chân vào phòng bệnh, ngạc nhiên khi thấy Mỹ Hà đang ngồi trên giường say sưa đếm các cọc tiền 500 ngàn mới tinh, bà đồng Tuất hỏi con dâu:
-Ô hay tiền đâu mà nhiều vậy con, thằng bé đâu rồi?
Con dâu bà vẫn đếm tiền và thản nhiên trả lời:
-Thằng nhóc đó đâu phải cháu nội của mẹ, con nhận đẻ thuê lấy 350 triệu để trả nợ tiền cờ bạc do chồng con gây ra.
Trước sự bàng hoàng của mẹ chồng, Mỹ Hà bắt đầu kể lể, nếu bơm tinh trùng do bác sĩ thực hiện sẽ được 250 triệu, nhưng bố đứa bé muốn quan hệ trực tiếp cho chắc ăn là con mình, họ chấp nhận trả thêm cho 100 triệu nữa. Kệ cho mẹ chồng trợn mắt kinh ngạc, Mỹ Hà vẫn tiếp tục than vãn:
-Gớm, kiếm tiền đâu có dễ, phải quan hệ đến lần thứ sáu mới đúng kì trứng rụng, số tiền này trả nợ xong còn dư chút đỉnh, vợ chồng con sẽ đi du lịch.
Nghe con dâu nói xong, bà đồng Tuất như thấy mình đang hầu cửa thánh, bà nghe thấy tiếng người cung văn hát ngân vang một bài bài hát văn với giọng luyến láy mê hồn cùng với tiếng đàn nguyệt ma quái, khúc hát cao vút trước lúc đồng thăng khiến bà đồng Tuất ngã vật ngay ra nền buồng bệnh. Trong lúc đó người con dâu của bà đưa một tờ tiền ra trước ánh đèn neon miệng lẩm bẩm:
-Vừa rút từ ngân hàng, sao lại có tờ tiền giả…?