Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Podcast Truyện ngắn: Lão gàn dở

Tác giả: Nguyễn Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm việc tốt thì chẳng cần nhận lại. Vài người cả đời cũng không đợi tới hồi báo. Vài người chờ kiếp sau. Nhưng cũng có người, cái nhân từng gieo được gặt hái quả ngay trong lúc chẳng ai ngờ tới nhất. Như trường hợp của lão Tư gàn dở...

 

Mưa bên bãi bồi, từng vòng tròn cát xoáy tít cạnh cái thuyền thúng úp ngược. Lão Tư Gàn quấn mấy vòng dây dừa vào bắp tay, gồng vai kéo căng tấm bạt che lều.

Lại một đêm trở gió.

Lão Tư là ngư dân. Chân lão bám đất xứ này từ hồi chạy sơ tán. Kể ra, cái nghề đánh cá vận vào lão bằng cách truyền thừa. Ba lão theo biển nửa đời người, ngày cuối cùng cũng dành trọn  cho biển. Có điều, cái “trọn” này lại là một câu chuyện xót xa. 

Đêm kéo đen cửa rạn. Bên cạnh gốc dương liễu thứ ba, lão Tư đặt một chồng áo phao màu cam. Từ ngày lão bán mấy mươi rổ cá để mua, nhà lão lục đục ghê lắm. Chồng áo phao vẫn cứ vơi dần đều. Cha bố, bọn bất lương nào lại lén lấy thứ cứu người như thế.

  • Ông Tư!

Tiếng vọng từ phía cồn cát.

Lão chớp đôi mắt đã nhòe đục, nhìn sang.

Thằng Sáu Cò đang khập khễnh chạy về phía lão. Nó giơ cái đèn pin lên quá đầu, tay còn lại lau vội vầng trán ướt nước mưa:

  • Con tìm ông Tư mãi.
  • Để chi?
  • Cái Phượng nó phải ra ngoài ngã ba 46 bắt xe. Tối quá nó hổng biết nhờ ai chở.
  • Ừa.

Lão Tư húng hắng ho nhẹ. Cái chõng tre chưa kịp bung mền đặt chơ vơ dưới tấm lều bạt được căng kĩ. Lão lom khom bước tới, mò tìm chùm chìa khóa trong túi vải dù đặt cạnh gối.

  • Đi thôi.

Bóng cả hai mất hút sau cơn mưa, nhập vào màn đêm u uẩn. Biển rào sóng ầm ã, như thể đang nói, chà, lão già kia lại đi lo chuyện bao đồng!

Chả biết tự bao giờ người ta gọi lão Tư là lão gàn dở. Những công việc “vác tù và” không tên, lão vẫn móc tiền túi ra làm và sẵn sàng làm bất kể giờ giấc. Bà Tư mấy bận cũng ầm ĩ ghê lắm, chén bát trong nhà cứ va đập miết, thế rồi cũng đành chịu thua cái nết bướng của lão.

Trời không chịu đất, thì đất chịu trời chứ biết làm sao!

Lão thường rầu rĩ một mình. Bàn tay gân guốc của lão mân mê mấy cái mắt lưới. Lão không thích nói chuyện, mọi người cứ tưởng lão khó tính, vậy mà ai đánh bạo nhờ gì, giúp được thì lão đều giúp nhiệt tình, chẳng quản xa gần thân sơ.

Người ở làng cần đi đâu, hoặc từ xa về nhà, ới một tiếng, lão Tư phóng cái xe cà tàng nồng mùi cá ra chở giúp ngay. Lão bảo, cùng làng với nhau, giúp được thì cứ giúp. Hơn thua mấy đồng tiền xăng cũng chẳng giàu lên nổi. Nói rồi lão xoa cái trán đã hằn các nếp nhăn, quay xe phóng vụt đi.

Đúng là gàn thật!

… Nhưng mà, lão đâu có “dở”?

Có người hỏi, sao mà cứ đi chở giúp thế hả anh Tư? Lão ngồi lên mom đất, đốt điếu thuốc, mắt đăm chiêu nhìn ra cái đường mòn trước mặt:

  • Chỗ đó - Lão vươn tay chỉ gốc cây dương liễu - Hồi má còn sống, hay đứng đó xin đi nhờ xe.
  • Bà Hai Thịnh phải không?
  • Chứ mày nghĩ tao lắm má lắm hả?

Lão rít một hơi thuốc, làn khói trắng vẽ đường vòng cung lên trời như một cái cầu vồng ảm đạm.

  • Bã già rồi, mà vẫn ham làm việc ngoài cửa biển. Cuốc bộ không nổi, tiếc tiền xe ôm, nên cứ xin đi nhờ. Khiếp, nắng nôi, mà cứ đứng chất ngất đó. Có người thương, dừng lại chờ, bả khấp khởi chạy tới, người ta phóng đi cái vèo. Bả đứng tẽn tò hít khói. Tao ngồi đan lưới mà thấy thương quá chừng, ngặt nỗi hồi đấy tao làm gì có tiền mua xe! Đôi khi, cái hiếu, cái lòng tốt cũng cần phải có điều kiện mới thực hiện được.
  • Ui cha, sao người ta “chơi” kiểu đó anh Tư hè? Không chở thì thôi, mắc mớ gì để bà già lui cui chạy lại rồi phóng đi.

Lão lại rít hơi thuốc thứ hai. Gió biển xua khói đi tán loạn. Giọng lão cũng như lạc đi:

  • Cũng chả trách được. Chở bà già, lỡ bả ngồi không vững ngã ra đó thì mang họa. Lúc dừng xe lại là cũng khởi lòng tốt, nhưng sau một hồi suy xét, thì lòng tốt ấy nhường chỗ cho sự sợ hãi, thế thôi.

Cả hai im lặng.

Nhưng giờ lão có điều kiện lại chẳng kịp lo cho má nữa rồi. Lão đem lòng tốt đi giúp những người khó khăn khác, như má lão ngày trước. Một sự bù đắp cho những hối tiếc, dằn vặt.

  • Còn những cái áo phao? Anh mua chi nhiều dữ?

Lão nheo mắt nhìn ra phía con đường, soi kỹ xem có ai đó đang vẫy lão không, rồi đảo qua phải, nơi có con sóng vỗ rì rầm. Tay gẩy rớt tàn thuốc xuống đất, lão chép miệng:

  • Ba tao mất lúc cứu người đuối nước. Mày nhớ chứ? Con Sáu Đẹt xóm dưới ấy. Nó mơ ngủ té khỏi ghe, ba tao nhảy xuống đẩy nó lên, rồi ổng trôi đi luôn. Giá mà có cái áo phao vứt tới, thì biết đâu…

Giọng lão nghẹn lại, được thay bằng một hơi thở dài.

Cái gàn dở trong mắt người đời được xây nên từ biết bao nước mắt hối hận, buồn đau.

Ngoài cái danh gàn dở, lão Tư còn được gọi là “Giáo sư”.

Đợt dịch Covid 19 tràn về xóm chài, mọi người cứ nháo nhào hết lên. Trước giờ có ai biết dáng hình cái khẩu trang là thế nào! Rồi hạn chế giao lưu tám chuyện, tránh lây lan, phát tán dịch bệnh. Bà con lối xóm cả, ra trước không gặp thì quẹo sau cũng đụng mặt, giờ cứ nghi kị nhau thế này, sống gì nổi!

Thế rồi lão Tư bỏ lưới xuống, mặc đồ bảo hộ mới sắm trên huyện vào, cùng trưởng thôn đi từng nhà phát nhu yếu phẩm, tuyên truyền. Giờ ai cũng hoặc mắc bệnh, hoặc sợ hãi, nhân lực của thôn thì chẳng có, thành ra cái lão gàn dở xung phong trận đầu.

Lão lầm lì như thế. Vậy mà lúc tuyên truyền cách ly, giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh… lão lại nói vanh vách mà chẳng cần nhìn giấy tờ. Mấy thứ kiến thức về dịch bệnh trên báo đài nghe khô khan khó hiểu với dân chài lưới, qua lời của lão tự nhiên lại thông não dễ sợ.

Chẳng ai biết lão học chữ từ bao giờ. Cái ngày lão sơ tán về xóm chài hình như cũng đã 14, 15 tuổi. Vài bận rảnh rỗi cũng thấy lão lôi tấm bằng khen bọc trong bì nhựa ra xem. Lão hòa nhập nơi này một cách tự nhiên, đến nỗi dù có mở miệng, cũng chẳng ai biết lão lại có chữ nghĩa, là một tay viết chữ đẹp như in.

Đó là một đêm vắng lặng.

Trên cái ghe viền xanh, lão nằm im cạnh mớ lưới đánh cá vừa kéo lên. Xung quanh, bạn chài xúm lại cấp cứu, những thứ động tác dân dã chẳng mấy tác dụng với người bị đột quỵ.

… Có khi còn khiến tình hình tệ hơn.

Lão nhắm nghiền hai mắt. Môi trắng bệch, méo xệch. Thằng Sáu Cò loay hoay tìm lọ thuốc cao huyết áp trong túi áo của lão, mà chẳng thấy đâu.

  • Chết dở, hay ảnh quên đem thuốc rồi!

Có người sốt ruột nói.

Tiếng ồn ã lẫn vào sóng biển. Sự sống của lão cứ trôi đi, tỉ lệ nghịch với tốc độ vào bờ của chiếc ghe đánh cá.

Hai tiếng đồng hồ trôi qua.

Làm sao đây? Ai nấy toát mồ hôi, còn người lão thì cứ lạnh dần. Ông thuyền trưởng tay nắm bộ đàm, những chuỗi điện cấp cứu như gửi vào hư vô. Biển một màu đen tối.

Lão bắt đầu hộc máu. Khóe miệng tràn ra những dòng đỏ đục. Trời ạ! Chả lẽ lão phải chết trên cái ghe tanh nồng mùi biển thế này sao? Không, không thể. Cố lên anh Tư! Cố lên anh. Cố lên còn về với chị Tư. Có người rầu rĩ khóc.

Bỗng, ngoài khơi hắt vào ánh đèn sáng rực.

  • Là tuần cảnh!

Ai đó reo lên.

Tàu cảnh sát biển cập vào gần chiếc ghe. Lão được đưa lên cáng. Máu vẫn nhễu nhại ướt bả vai lão. Cô quân y tháo vội chiếc khẩu trang, hét lớn:

  • Giữ vững đầu ông Tư, đừng để lắc!

Ai mà lại biết ông Tư? Giọng nói này... Ơ, cái Phượng, ngã ba 46?

Sáu Cò nheo mắt, ngó lom lom. Giây lát, anh chàng bật cười.

Làm việc tốt thì chẳng cần nhận lại. Vài người cả đời cũng không đợi tới hồi báo. Vài người chờ kiếp sau. Nhưng cũng có người, cái nhân từng gieo được gặt hái quả ngay trong lúc chẳng ai ngờ tới nhất. Như trường hợp của lão Tư gàn dở.