Podcast Truyện ngắn: Mảnh hồn làng

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tai nạn bất ngờ khiến bà Diệu phải nằm một chỗ suốt ba tháng, khi cuộc sống gắn chặt với chiếc giường cá nhân, nhìn khoảng trời xanh qua cửa sổ, bà ước ao được trở về làng quê một lần nữa.

 

Vào tiết thanh minh, bà Diệu buồn bã do không thể trở về làng Mật thắp hương mồ mả tổ tiên như mọi năm được. Dịp gần tết bà không may bị trượt chân trong nhà tắm, cú ngã tuy không mạnh nhưng bà bị gãy xương đùi. Tai nạn bất ngờ khiến bà phải nằm một chỗ suốt ba tháng, khi cuộc sống gắn chặt với chiếc giường cá nhân, nhìn khoảng trời xanh qua cửa sổ, bà ước ao được trở về làng quê một lần nữa. Rời làng đi thoát ly từ lúc còn là một cô thôn nữ, giờ khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời, bà thường sống bằng hoài niệm bởi những người bạn cùng trang lứa đã lần lượt khuất núi. Nằm mãi cũng chán, bà nói người giúp việc đỡ mình ngồi xe lăn rồi đẩy ra ban công ngắm cây bàng lá đỏ. Ngày trước khi theo xe lên Hà Nội học, bà nhớ mãi cây bàng lá đỏ trước cửa, nó khác hẳn những cây na, cây ổi hay cây nhãn hầu như nhà nào cũng có. Thậm chí nhiều người còn chê bởi trồng cây bàng chẳng mang lại nhiều lợi ích, tuổi thơ lớn lên cùng cây bàng, sắc đỏ của tán lá vào mùa đông in đậm trong tâm trí. Có lẽ vì lưu luyến hình ảnh đó, khi trước nhà hiện nay có cây bàng lá đỏ, bà như thấy một góc làng Mật giữa chốn phồn hoa đô thị. Cả ngày ngồi trên ban công ngắm xuống con đường phía dưới, bà Diệu chỉ cảm thấy vui khi người con trai là Huy Hoàng trở về nhà sau một ngày giảng dạy. Sau bữa cơm tối, bà ướm hỏi:

-Mẹ già yếu rồi nên không nói trước được điều gì, sau này nếu nằm xuống, con định đưa mẹ về đâu.

Vốn là con một nên Huy Hoàng đã nghĩ đến việc này từ năm ngoái, thời điểm thấy mẹ mình nằm một chỗ nên anh tính đến phương án xấu nhất để không bị bất ngờ. Hôm nay thấy mẹ mình canh cánh trong lòng việc sẽ về đâu khi rời xa cõi tạm, đúng như câu “sống cái nhà, thác cái mồ”, bởi vậy anh lễ phép thưa chuyện:

-Mẹ đừng lo nghĩ quá, hiện nay có nhiều nghĩa trang sạch đẹp lắm, thôi mẹ yên tâm tĩnh dưỡng, đến khi đó tự con sẽ lo liệu chu toàn.

Bà Diệu thảng thốt hỏi:

-Thế không đưa mẹ về quê nằm cạnh bố con sao?

Dù muốn tránh không đề cập đến chuyện lo hậu sự, nhưng người già như chuối chín cây nên chẳng cần mẹ mình nhắc, chính Huy Hoàng đã chạy đôn chạy đáo về quê để mua sẵn một suất đất trong nghĩa trang của làng. Ngặt nỗi bây giờ làng đã lên phường, mọi thôn xóm đều đô thị hóa. Ngày xưa đất nông nghiệp rẻ đến mức bỏ ra vài chỉ vàng có ngay một sào Bắc bộ, nhưng hiện nay khi nhiều hộ gia đình xin chuyển đổi mục đích sử dụng, giá đất cao không kém gì trên thành phố. Kể cả muốn mua mảnh đất thổ canh, việc tìm được chính chủ không dễ dàng, còn nếu mua bán bằng giấy viết tay, anh biết chẳng có gì đảm bảo mẹ mình sau này được mồ yên mả đẹp. Thấu hiểu mong muốn cháy bỏng của mẹ già, Huy Hoàng ngậm ngùi lắc đầu giải thích:

-Quỹ đất ở quê giờ chẳng còn nhiều nhặn gì, đất dành cho an táng chỉ trông vào nghĩa trang của làng, nhà mình đã thoát ly từ lâu, nếu muốn về quê rất khó.

Dù đã lường trước việc này, tuy thế do nặng lòng với quê hương, bà Diệu luôn đau đáu việc sau này được nằm cạnh chồng trong nghĩa trang của làng. Biết là khó nhưng bà rơm rớm nước mắt khẩn khoản nói:

-Con cố nhờ vả xem sao, mẹ xa quê mấy chục năm rồi nhưng lá rụng về cội. Trước đây đi đâu, hồn làng vẫn luôn trong tâm trí mẹ, sau này nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn mong ước được về nằm ở nghĩa trang của làng mình.

Thương mẹ già vất vả tần tảo cả đời, dù chẳng biết phải làm cách nào, Huy Hoàng đành hứa sẽ cố gắng hết sức để bà được toại nguyện. Bây giờ mọi thứ tưởng chừng là khó, nếu có những mối quan hệ thân quen với lãnh đạo xã, hoặc chịu chi một khoản tiền lớn chắc vẫn có cách. Tuy vậy biết mình chỉ là một giảng viên chuyên ngành văn hoá, vốn chẳng thể dư dả tiền bạc như làm trong lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí nên Huy Hoàng đành nén tiếng thở dài. Chính vì chẳng kiếm được nhiều tiền, vợ anh đã dắt cậu con trai lên bốn tuổi rời đi tìm kiếm hạnh phúc ở chân trời mới. Không muốn nghĩ lại những tháng ngày buồn thảm, Huy Hoàng nhắc mẹ mình uống thuốc rồi lui về phòng, hiện nay ngoài khoản tiền lương cố định, số tiền làm thêm chỉ đủ cho anh thuê người giúp việc chăm sóc mẹ già, anh chẳng biết đào đâu một khoản tiền để quan hệ có được suất đất trong nghĩa trang làng Mật.

Con trai về phòng, người giúp việc nằm coi hết chương trình vô tuyến đã ngủ sớm, còn lại bà Diệu ngồi một mình trong phòng với bóng của mình in trên bức tường. Do chưa ngủ được nên bà bồi hồi nhớ lại, hàng năm vào dịp thanh minh, bà cùng con cháu từ Hà Nội về thắp hương cho mồ mả tổ tiên ở nghĩa trang của làng. Những ngày đó cả làng vui hơn cả ngày tết, nhà nào cũng làm cơm đãi khác vì họ hàng trên thành phố quay về, những người con của làng đi làm ăn xa vẫn dành thời gian để có mặt vào dịp quan trọng này. Góa chồng khi gần 40 tuổi, thương con trai còn bé, nên bà đã ở vậy thờ chồng nuôi con. Cậu con trai bé bỏng ngày nào, bây giờ đã làm giảng viên của một trường đại học và sống có hiếu với mẹ, duy có điều cuộc sống chẳng được hạnh phúc như bao người. Dù ở thành phố có cuộc sống đầy đủ, bà vẫn luôn đau đáu khi nghĩ về làng Mật của mình.

Ngày xưa khi cô thôn nữ Minh Diệu lên thành phố học tập và làm việc, cô đã khóc thầm vì phải rời xa thầy u cùng mái nhà ba gian ở xóm Hạ. Sau này mỗi lần có dịp về quê, cô thôn nữ Minh Diệu hay đứng tần ngần trước cổng làng, nơi in dấu nhiều kỉ niệm của một thời sôi nổi. Hạnh phúc tròn đầy khi cô đẹp duyên với một chàng kĩ sư cùng làng, tình cảm vợ chồng có chung nơi chôn nhau cắt rốn khiến tình yêu quê hương thêm sâu nặng. Thời gian trôi qua, dù cuộc sống có nhiều biến động, cổng làng Mật cùng cây đa cổ thụ vẫn trơ gan cùng nguyệt tuế. Cô thôn nữ ngày nào giờ đã bước sang tuổi 75, dù phải gắn chặt với chiếc xe lăn nhưng bà Diệu còn rất minh mẫn.  Người ta nói người già hay sống bằng hoài niệm” quả không sai, hiện nay những kí ức xưa luôn quay về, đặc biệt là hình ảnh người chồng đã mất từ mấy chục năm trước. Bà Diệu nhiều lúc thầm nghĩ, có lẽ ông thương bà nên muốn về đón về chốn cao xanh để cùng nhau đoàn tụ.

Cây gạo ở nghĩa trang làng Mật nở hoa đỏ rực cả một góc trời, khác với không khí tĩnh lặng thường thấy, hôm nay khu nghĩa trang của làng đông như ngày hội. Dịp lễ thanh minh, hàng chục xe ô tô con từ Hà Nội về đỗ thành hàng dài, đường làng ngõ xóm tấp nập người đi lại. Những người con xa quê chọn dịp này quay về, nghĩa trang của làng như sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nó như sợi dây mong manh níu bước chân những người phiêu dạt. Sau khi thắp hương cho các ngôi mộ của dòng họ, Huy Hoàng tìm gặp ông Thân là quản trang, dù sao ông ý vốn cũng có họ hàng xa nên dễ nói chuyện. Không quen ông trưởng thôn hay cán bộ xã, do vậy Huy Hoàng mong ông Thân là người dẫn lối chỉ đường cho mình hoàn thành tâm nguyện của mẹ già. Chưa cần nghe hết câu chuyện, ông Thân chép miệng nói ngay:

-Việc có được một suất ở nghĩa trang tôi rất khó, làng mình tấc đất tấc vàng, không còn như ngày xưa. Nhà chú tuy gốc ở làng nhưng đã thoát ly lâu rồi, việc có được một suất để nằm ở đây không thể được.

Thấy Huy Hoàng có vẻ không hiểu, ông Thân kéo anh ra đứng giữa nghĩa trang rồi giải thích cặn kẽ, các ngôi mộ mặt tiền chẳng khác gì nhà mặt phố, không phải có tiền là mua được. Khu mặt tiền được quy hoạch cho cán bộ xã, cán bộ huyện thoát ly. Khu phân lô phía sau tuy không bằng khu mặt tiền, tuy vậy dân Hà Nội đã bỏ tiền rồi nhờ người trong làng đứng tên ôm gần hết, có nhà mua luôn chục suất để đó. Người ta nói “sống cái nhà, thác cái mồ”, không sai chút nào. Đúng như câu trần sao âm vậy, hãy xem ở nghĩa trang này, mồ mả nhà ai to đẹp là biết được tiềm lực kinh tế của gia đình con cái họ khá giả như thế nào. Hy vọng bao nhiêu rồi lại thất vọng bấy nhiêu, nghĩ đến ánh mắt đau đáu hướng về quê hương của mẹ già, Huy Hoàng tần ngần nhìn khói hương ở các ngôi mộ đang quyện với khói từ nơi hóa vàng bốc lên khiế khu nghĩa trang của làng hôm nay như mờ ảo trong sương khói. Có lẽ duy nhất pho tượng đức Địa Tạng Vương Bồ Tát ngự trên bệ cao nhìn thấu nỗi niềm của anh. Khi từng tốp con cháu các gia đình xách đồ lễ về chăm sóc phần mộ tổ tiên, anh thấu hiểu và cảm hông cho tình cảm sâu nặng của mẹ mình với làng quê. Thoáng chút đắn đo, anh hỏi lại ông Thân:

-Vậy sau này bà cụ nhà em không còn cơ hội về yên nghỉ tại đây rồi, bác thử xem còn cách nào khác không, thôi thì trăm sự em nhờ bác.

Rít xong một bi thuốc lào, sau khi khoan khoái ngửa cố lên trời phả khói, ông Thân chậm rãi hiến kế, thật ra vẫn còn một cách, trong nghĩa trang còn hơn chục suất ngoại giao. Mục đích để các ông cán bộ xã khi cần thiết có thể dùng vào quan hệ đối ngoại cho làng, cho xã. Hiện nay xã đang muốn làm một cuốn sách giới thiệu về truyền thông lâu đời của một làng quê nổi tiếng hiếu học. Hiềm nỗi các ông ý chưa kiếm được ai có thể đảm đương việc chấp bút, có nhiều cuộc họp từ thôn đến xã, tuy thế người làm được việc này chưa thấy đâu. Thấy Huy Hoàng lắng nghe, ông Thân chốt luôn:

-Chú là giảng viên có tài, nếu nhân dịp này chịu đứng ra giúp xã, tôi tin chắc một suất ngoại giao sẽ trong tầm tay.

Như gặp được ánh sáng cuối đường hầm, dù chưa biết có làm được không, Huy Hoàng gật đầu đồng ý. Sợ cơ hội quý bị bõ lỡ, anh khẩn khoản nhờ ông Thân chắp nối gặp đồng chí Thành là phó chủ tịch phụ trách văn xã. Do gặp đúng người để thực hiện công việc hướng tới ngày kỉ niệm của xã, mọi việc đương thông qua nhanh chóng cùng lời hứa của các đồng chí lãnh đạo. Chiều tối chạy xe về Hà Nội, lần đầu tiên sau nhiều tháng Huy Hoàng như thấy được niềm mong ước của mẹ mình sắp thành hiện thực.

Không còn thời gian rảnh rỗi, dành ba tháng đi khắp nơi lục tìm tài liệu, sau đó là hàng chục chuyến đi lại như con thoi từ chỗ làm về làng để gặp các cụ cao niên trò chuyện. Huy Hoàng miệt mài viết và biên soạn hoàn chỉnh một cuốn sách dày tới 400 trang. Vốn là người con hiếu thảo, anh hồi hộp đọc cho mẹ mình nghe cuốn sách về làng Mật. Có lẽ công sức bấy lâu được đền bù xứng đáng, những đạo sắc phong của các triều vua cùng văn bia đều được dịch sang chữ quốc ngữ nhằm giúp cho những người con của làng thêm yêu mảnh đất nổi tiếng là làng khoa bảng xưa. Chưa rõ lãnh đạo xã đón nhận cuốn sách của mình như nào, tạm bỏ qua việc lo một suất đất, Huy Hoàng say mê đọc trong tiết trời giao mùa, bên ngoài ban công có những chiếc lá bàng màu đỏ lặng lẽ rời cành chao nghiêng bởi cơn gió. Ngồi nghe đọc, bà Diệu được đắm chìm trở lại thời xa xưa, từng dòng, từng trang trong cuốn sách đã tái hiện một phần hồn làng. Sau một tuần nghe, khi con trai đọc đến trang cuối cùng, bà nhẹ nhàng nói:

Vậy là con đã thành công khi viết rất chân thực về làng quê, đây là nơi bố và mẹ đã sinh ra và lớn lên. Sau này về già, mẹ càng nhớ làng quê da diết.

Huy Hoàng lễ phép thưa chuyện:

-Do thời gian không có nhiều nên con chỉ viết được bề nổi, muốn đi sâu cho tới khi chạm được vào mạch làng, e rằng lúc đó con cũng già mất rồi.      

Hơn cả sự mong đợi, vào sáng chủ nhật của một ngày chớm thu, khi Huy Hoàng về làng bàn giao sách, uỷ ban xã đã tổ chức buổi tiếp nhận cuốn sách một cách trang trọng. Nhận cuốn sách dày cộp từ tay tác giả, ông chủ tịch xã hồ hởi nói:

-Chúng tôi rất cảm kích khi có được một cuốn sách về làng Mật, thay mặt cho bà con, cũng như đáp ứng tâm nguyện của gia đình, hôm nay xin gửi đến anh món quà nhỏ thay lời cảm ơn.

Cầm tờ giấy có đóng dấu đỏ của uỷ ban xã, Huy Hoàng cố nén xúc động khi trong tờ giấy ghi rõ vị trí huyệt mộ ở khu suất ngoại giao, đúng như lời ông Thân quản trang đã cho biết hồi đầu năm. Vậy là công sức nửa năm vất vả được đền bù xứng đang, trong tâm trạng lâng lâng, anh vội chạy xe về báo tin ngay cho mẹ mình. Bà cụ Diệu cảm thấy khó thở trong người, mấy hôm nay thời tiết giao mùa nên bà thấy yếu hơn trước. Sáng nay khi vừa thắp hương trên bàn thờ xong, bà thấy xây xẩm mặt mày rồi ngất đi khiến người giúp việc hốt hoảng lay gọi. Khi bà vừa nhìn thấy bóng chồng ở cạnh cây gạo, bất ngờ tiếng gọi hoảng hốt của người con trai khiến bà tỉnh lại. Con trai bà luống cuống lấy trong túi ra một tờ giấy có đóng dấu son rồi nói:

-Cuối cùng con đã làm được rồi, mẹ sẽ có một suất ở nghĩa trang của làng.

Cầm tờ giấy trên tay, dù không còn đủ sức để đọc hết nội dung, bà Diệu vẫn mỉm cười nói:

-Không đơn giản là mảnh giấy phân suất đất, nó chính là mảnh hồn làng đó con.

Nói xong khẽ buông rơi tờ giấy, mắt bà từ từ khép lại nhưng trên gương mặt lộ rõ vẻ thanh thản.