Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Podcast truyện ngắn: Vợ chồng già

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Phạm bất ngờ trước đề nghị của con gái, trong lúc còn đang phân vân đã thấy khuôn mặt của bà vợ hiện ra trên màn hình, so với thời điểm chia tay nhau mỗi người một ngả, vợ ông có phần già hơn lúc ở nhà.

 

Trời vừa hửng nắng sau mấy ngày mưa gió, bà Măng đem vỏ chăn lên sân thượng phơi rồi bắt tay vào quét dọn nhà cửa. Lúc mọi việc xong xuôi, bà quay ra chuẩn bị bữa trưa, đối với bà việc ăn uống bây giờ không quá cầu kì, ngày nào chỉ lưng bát cơm rồi uống thuốc là xong bữa, già rồi nên bà nấu bát canh rau ngót và thêm đĩa tép đồng kho khế là đủ ăn cả ngày. Xưa nay vốn có tính sạch sẽ đến mức một ngày bà lau nhà, lau cầu thang và dọn dẹp nhà bếp, cọ nhà vệ sinh vài lần.

Chính sự sạch sẽ có phần thái quá đó nên mọi người ngại đến nhà chơi, điều này có nguyên do, nhiều khi khách chưa ra về, bà đã lấy giẻ lau bàn, lấy chổi quét nhà khiến cho khách cảm thấy ngại ngần, mọi người sợ mang tiếng là tha rác vào nhà của bà.

Vừa bật nút ở nồi cơm điện, bà Măng đã nghe thấy tiếng xe đạp của ông Phạm ngay trước cửa. Từ dưới bếp lật đật chạy vội lên nhà nhưng không kịp, chồng bà đã dắt xe vào khiến nền gạch đá hoa hằn vết lốp xe. Nhìn thấy chỗ bẩn vương ra, bà Măng trợn mắt tức giận mắng chồng xa xả;

-Giời ạ, tôi mất cả sáng lau dọn nhà cửa sạch sẽ, ông đi lượn sướng thân rồi về, loáng cái đã dính bẩn hết cả.

Ông Phạm ngơ ngác hỏi lại:

-Bà nhìn giúp tôi xem, nền nhà mình giật ba cấp cao như vậy, chỗ thấp để dựng xe hàng ngày, như vậy làm sao sạch như nền phòng khách được.

Thấy chồng làm bẩn còn giỏi cãi, ngay lập tức bà Măng gào to không cần giữ ý, bà gào đến lạc cả giọng dù chồng không phản ứng lại. Biết tính bà vợ lắm lời nên ông Phạm không đôi co, thay vào đó ông chọn cách đi vào nhà tắm rửa mặt. Khi vừa bước ra ngoài, ông thấy bà đứng canh từ lúc nào. Với vẻ mặt đắc thắng, bà Măng nói ngay:

-Lần này ông hết già mồm cãi rồi nhé, tôi đứng bên ngoài không hề nghe thấy tiếng xả nước ở bồn cầu.

Ông Phạm thở dài chỉ tay vào bên trong nhà tắm rồi nói như thanh minh:

-Bà vào ngó giúp xem, tôi lấy khăn lau mặt chứ không đi vệ sinh.

Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng già tiếp tục vang lên tiếng cãi nhau, có lẽ thấy mình có phần đuối lý nên bà Măng chuyển sang đề tài cũ, đây là điểm yếu của chồng, bởi thế bao năm qua luôn được khai thác triệt để, bà nói giọng mỉa mai:

-Ông lúc nào cũng ra vẻ thanh cao, mở miệng là chê con vợ già này lắm điều, ngày xưa nếu tôi không lắm điều, chắc ông đã xách ba lô chạy theo tiếng gọi con tim, lúc đó con bé Phượng còn chưa được 2 tuổi.

Mọi lần hễ nghe vợ nhắc lại chuyện cũ, dù bực đến đâu ông Phạm vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt , nhưng hôm nay không vậy do không nhịn được nữa, bởi vì vợ ông càng già càng khó tính khó nết. Ngoài việc dùng lời nói cay nghiệt với chồng, bà ghen tức với tất cả những người phụ nữ vô tình đứng nói chuyện với ông. Đợi vợ vừa ngừng lời để thở, ông Phạm ngao ngán nói:

-Chuyện đó cách đây hơn ba mươi năm rồi, nếu vẫn không quên được, sau này bà chỉ làm khổ bản thân mình thôi.

Thấy chồng đi lên cầu thang, bà Măng dậm chân hét to:

-Ông quay lại ngay vì tôi chưa nói xong, thằng già mất nết kia.

Mắng chồng đến mỏi miệng nhưng lúc ngồi trước mâm, bà Măng không sao nuốt trôi được thìa cơm vì căm tức. Dạo này chồng bà không nín nhịn như trước nữa, thậm chí ông dành cho bà những lời lẽ sâu cay. Húp vội bát nước canh cho đỡ khô cổ, bà đi giặt tấm giẻ để lau nhà. Lúc mọi thứ đã lau dọn xong, nhìn đồng hồ đã 1 giờ chiều nên biết chồng mình đang ngủ trưa, bà Măng chậm rãi bước lên cầu thang rồi đứng bên ngoài cửa.

Sau khi nghe rõ tiếng ngáy đều đều của chồng ở trong phòng, bà ra góc hành lang lấy con dao và cái thớt bằng gỗ nghiến, vài phút sau tiếng dao thớt đã lạch cạch vang lên phá tan giấc ngủ trưa của ông Phạm.

Nấu xong bát bánh đa cùng chút rau cải và thịt băm, ông Phạm không vội ăn do vẫn còn nóng, ông bật vô tuyến xem thời sự. Vừa  nghe thấy tiếng vô tuyến, bà Măng từ phòng đối diện chạy sang đưa tờ hóa đơn tiền điện rồi nói ngay do sợ bị chồng ngắt lời:

-Tiền điện tháng này hết 240 ngàn, mình ông ngày nào cũng xem vô tuyến đến nửa đêm, có khi chưa đến 6 giờ đã bật vô tuyến nên ông chịu 180 ngàn, còn tôi dùng ít nên gánh đỡ cho 60 ngàn.

Ăn xong bát bánh đa vừa là lúc trời nhá nhem tối, ông Phạm ngồi im lặng nhìn ra ngoài ban công như suy nghĩ điều gì đó hệ trọng. Thật tâm đã từ lâu ông muốn chấm dứt cảnh sống đầy mâu thuẫn này, chính cô con gái duy nhất đã ủng hộ việc ông bà nên sống xa nhau ra, nhưng hễ con gái vừa cất tiếng khuyên nhủ, bà vợ ông sẽ gào ầm lên việc không bao giờ chịu sống xa nhau.

Sống bên nhau gần bốn chục năm, ông Phạm thừa hiểu hai vợ chồng không còn yêu thương gì nhau, nhưng vợ ông chẳng muốn ly hôn do  bà sợ nếu chia tay nhau, lúc đó ông sẽ kiếm được người đàn bà khác trẻ hơn. Tuy mang tiếng hai vợ chồng già chăm nhau, thật ra ông bà đã ly thân trong thời gian dài, do mâu thuẫn nhiều thứ, từ dạo cuối năm ngoái, ông bà thực hiện việc, cơm của ai người đó tự nấu.

Hai ông bà tuy sống cùng nhà, tuy vậy mỗi người sống một phòng, sự giao tiếp duy nhất là những trận cãi vã, ngoài ra không có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Ngồi trong buồng đâm buồn chán, coi vô tuyến nhiều bị bà vợ kêu tốn tiền điện, ông Phạm quyết dịnh xuống dưới nhà đi tản bộ cho thoáng. Đi ngang qua phòng khách, thấy bà vợ đang lúi húi lau dọn bàn ghế, ông ôn tồn thông báo:

-Tôi đi dạo quanh hồ cho thoáng rồi về ngủ.

Dừng tay soi mói chồng, bà Măng bĩu môi:

-Vẽ chuyện, thế mụ vợ già này suốt ngày ngồi nhà chắc không được thoáng khí. Ông làm gì tôi kệ xác, nhưng ngoài 70 tuổi đừng để hàng xóm dị nghị, rồi người ta nói đã già còn thích chơi trống bỏi.

Xỏ chân vào đôi giầy đế mềm, ông Phạm mím môi đáp trả:

-Bà cả ngày mắc khẩu nghiệp, đời còn khổ.

Lúc ra đến đầu ngõ, ông Phạm vẫn nghe thấy tiếng vợ mình hét từ trong nhà vọng ra:

-Thằng già mất nết có giỏi đi luôn khỏi nhà này xem.

Mặc cho bà vợ nổi cơn điên, ông Phạm đi tản bộ quanh hồ trong tâm trạng thư thái, lúc đi gần hết vòng hồ, ông bấm số gọi điện cho con gái. Ông bà có người con duy nhất là Phượng, hồi xưa ông muốn có thêm con cho vui cửa vui nhà nhưng vợ ông nhất quyết không chịu đẻ nữa. Có lẽ bà không chịu tha thứ cho ông vì tội đã say nắng một người phụ nữ khác, mặc dù đó là lần đầu tiên và duy nhất ông mắc sai lầm.

Thời gian hơn ba mươi năm đã trôi qua, ông Phạm giờ khác xưa, con gái ông cũng vậy, duy nhất chỉ có bà vợ vẫn không quên được chuyện đó, bà sống cùng với sự oán hận chồng mỗi ngày. Con gái ông từ bé đã sống trong sự mâu thuẫn của cha mẹ, vì vậy ngay khi ra trường liền bay vào Sài Gòn lập nghiệp.

Dù chưa một lần nói ra, nhưng ông Phạm biết con gái mình muốn sống một cuộc đời khác. Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt đã mười bốn năm kể từ ngày Phượng vào Nam, hồi trước thi thoảng vợ chồng ông chia nhau vào thăm con gái mỗi dịp lễ tết. Sau này việc đó thưa thớt dần do con gái đã yên bề gia thất.

Tối nay dù đoán con gái bận việc cơ quan, lúc rảnh còn lo việc chăm sóc hai đứa con nhỏ, nhưng ông Phạm biết nếu tình trạng của hai vợ chồng già kéo dài, cuộc sống của ông và vợ sẽ bị kéo chìm xuống 18 tầng địa ngục.

Sau cuộc trao đổi qua điện thoại cùng con gái, ông thấy nhẹ lòng hơn lúc trước. Hoàn thành nốt quãng đường đi bộ sau đó quay về nhà, khi vừa chốt cửa chuẩn bị lên phòng ngủ, ông nghe thấy tiếng bà vợ từ trong bóng tối nói vọng ra:

-Tuần này nhà Thạnh cưới con trai, nhà đó thuộc về họ nhà ông nên ông phải có mặt, cuối năm cưới con nhà Huệ thuộc họ nhà tôi, vì vậy tôi sẽ đi dự.

Ngán ngẩm trước sự tính toán rạch ròi đến lạnh người của vợ, do muốn đi ngả lưng sớm nên ông Phạm gật đầu điềm đạm nói:

-Vậy thực hiện theo ý của bà.

Đang chậm rãi đi từng bậc cầu thang để lên gác, ông nghe thấy tiếng bà vợ réo rắt ngay bên dưới:

-Ông nhớ đi vệ sinh xong phải xả nước.

Chưa đến 5 giờ sáng nhưng ông Phạm đã thức giấc, để tránh làm phiền người cùng phòng nên ông nhẹ nhàng đi vào nhà tắm, sau đó pha ấm trà mang ra ngoài hành lang ngồi. Thời tiết buổi sáng mát mẻ và trong lành, những khóm hoa được chăm chút cẩn thận đã thấm đẫm sương đêm, chút nữa khi những tia nắng ban mai rọi xuống, cả vườn hoa sẽ bừng lên khoe sắc.

Chưa kịp rót trà để uống đã thấy ông bạn cùng phòng xuất hiện, hai ông ngồi đối ẩm và rủ rỉ trò chuyện cùng nhau. Mặc dù sáng nay 8 giờ xe ô tô sẽ đón các cụ đi tham quan đền Đô bên Bắc Ninh, hầu như cụ nào cũng thức giấc từ sớm để chuẩn bị tư trang và thuốc men. Ông Phạm nhẩm tính vậy là đã vào trại dưỡng lão được 6 tháng, để có quyết định như vậy, ông phải gặp gỡ và thuyết phục con gái và chấp nhận một số yêu cầu vô lý của bà vợ.

Giờ đây ông thấy quyết định của mình là hợp lý, vào sống trong này ông thấy mình trẻ ra đến vài tuổi, bởi vì không phải sống cảnh lọ mọ một mình trong phòng, chưa kể suốt ngày cãi vã do tính soi mói của bà vợ. Ban đầu vợ ông phản đối quyết liệt, nhưng khi con gái nhẹ nhàng phân tích việc hai ông bà nên sống xa nhau để giữ hòa khí, cộng thêm thái độ kiên quyết của ông nên đành chấp nhận dù vẫn hậm hực.

Tuy nhiên muốn có sự chấp thuận của vợ, ông Phạm phải viết giấy sang tên ngôi nhà đang ở cho Phượng, bởi bà theo con gái vào trong Nam sinh sống nên sợ ở ngoài này ông sẽ đưa người đàn bà khác về chung sống. Lúc chia tay, bà cảm thấy hả hê vì hai người không phải lôi nhau ra tòa, dù sao ở tuổi thất thập vác đơn ly hôn là điều không thể chấp nhận được.

Nhờ chiếc ipad do con gái mua và cài đặt các phần mềm, ông Phạm thường xuyên được nói chuyện với con gái, con rể và hai đứa cháu ngoại. Khi Phượng gọi điện chúc mừng sinh nhật tuổi 70 của ông, để con gái đỡ cảm thấy áy náy do không thu xếp làm lễ mừng thọ được, ông quay lại cảnh buổi sinh nhật do nhà dưỡng lão tổ chức.

Lúc con gái nghẹn ngào ông thấy cuộc sống trong nhà dưỡng lão có tốt không. Ông Phạm trầm ngâm hồi lâu rồi cho con gái biết, bông thấy ân hận vì lãng phí nhiều năm của cuộc đời, đáng ra ông cần dứt khoát chọn cho mình một cuộc sống như này từ lâu rồi.

Khi ông cùng vợ đã cạn duyên, việc sống chung dưới một mái nhà chỉ khiến người ta trở lên cay nghiệt hơn. Thấy Phượng có vẻ tần ngần, ông Phạm vui vẻ động viên con gái:

-Cuộc sống là do mình lựa chọn, bố vào trong này có thêm nhiều bạn mới, mẹ con không nhìn thấy mặt bố sẽ mềm tính hơn, thôi cứ thuận theo hoàn cảnh con nhé.

Buổi tham quan đền Đô khiến các cụ ông, cụ bà trong nhà dưỡng lão vui mừng, các cụ tranh thủ chụp ảnh rồi gửi qua zalo cho con cháu, nhiều cụ chưa sử dụng thành thạo smartphone đã có các cháu nhân viên trợ giúp.

Ngồi bên cạnh ông Phạm, cụ ông ở cùng phòng tên là Hữu cười nói vui vẻ, bởi vì lúc còn làm giáo viên chính cụ đã từng đưa học sinh sang đền Đô tham quan nhiều lần.

Do ở cùng nên ông Hữu hay tâm sự cùng ông Phạm về mọi chuyện, ông có hai người con đều thành đạt nhưng các con đều bận rộn với công việc cùng những chuyến công tác dài ngày. Do sống thui thủi ở nhà một mình khiến ông buồn chán, nhà dưỡng lão chính là nơi ông lựa chọn để sống nốt những năm tháng cuối đời. Buổi tối vừa dùng bữa xong, ông Phạm thấy con gái gọi facetime liền bật máy, sau vài câu thăm hỏi xã giao, Phượng ngập ngừng thông báo:

-Dạo này mẹ ăn ít và ngủ ít có lẽ do nhớ bố, hồi sáng mẹ ngỏ ý muốn vào sống cùng trong nhà dưỡng lão, vậy bố thấy thế nào.

Ông Phạm bất ngờ trước đề nghị của con gái, trong lúc còn đang phân vân đã thấy khuôn mặt của bà vợ hiện ra trên màn hình, so với thời điểm chia tay nhau mỗi người một ngả, vợ ông có phần già hơn lúc ở nhà. Thay vì nhiếc móc chồng như mọi lần, bà Măng nhẹ nhàng hỏi thăm sức khỏe  và việc sinh sống trong nhà dưỡng lão.

Cảm động trước sự quan tâm của vợ, ông Phạm ôn tồn kể về cuộc sống an nhiên tự tại ở trong này và không quên khoe về chuyến đi tham quan vãn cảnh đền Đô hồi sáng.

Lần đầu tiên sau nhiều năm chung sống, hai ông bà nói chuyện một cách nhẹ nhàng tình cảm không hề có sự cãi vã, có lẽ khoảng cách làm cho con người ta dễ tha thứ cho lỗi lầm của nhau. Đang trong tâm trạng vui vẻ nên ông Phạm định mời vợ vào sống cùng trong nhà dưỡng lão, bất chợt ông thấy bà trợn mắt rít lên như cái còi:

-Con Phượng đâu mau ra đây coi, lão già lại ngựa quen đường cũ, dám lôi gái về sống chung một phòng.

Ông Phạm giật mình quay lại phía sau, hóa ra bà cụ Hòa đã gần 80 tuổi ghé sang phòng để lấy lọ thuốc tra mắt, do vô tình cụ đã lọt vào khuôn hình. Rất may do bị lãng tai nên cụ Hoà không nghe thấy tiếng vợ ông đang gầm rú. Mặc cho ông hết lời giải thích và con gái khuyên can, bà Măng vẫn tiếp tục nhiếc móc chồng bằng những lời lẽ quen thuộc:

-Tôi biết ngay, thằng già mất nết lại bắt đầu giở thói trăng hoa, bảo sao cứ sống chết đòi chui vào đó sống riêng.

Đợi cho bà Măng ngồi vuốt ngực cho đỡ tức, Phượng cầm chiếc ipad rồi nói như thanh minh:

-Thôi bố đừng để bụng những lời nói vừa rồi của mẹ.

Ở đầu bên này ông Phạm thấy nóng bừng ở mặt, có lẽ huyết áp ông bị tăng đột ngột khi phải nghe những lời mạt sát của vợ. Uống xong cốc nước hoa hòe vừa hãm hồi chiều, ông thều thào nói nhỏ với con gái:

-Con có thương và muốn bố sống lâu sống thọ, hãy chăm sóc tốt và đừng chuyển bà ý ra ngoài này nữa.