Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PVN nâng hạng từ chỉ số Index

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cơ cấu toàn diện PVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, thông qua hoạt động vận hành và quảng bá bộ chỉ số ngành PVN Index, mối quan hệ giữa tập đoàn, các doanh nghiệp dầu khí và các nhà đầu tư tổ chức lớn quốc tế sẽ được cải thiện hơn.

Đó là những nhận định tại sự kiện do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phối hợp với Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức buổi toạ đàm "Đánh giá hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành dầu khí năm 2019" ngày 5/3 tại Hà Nội.

 Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Theo các đại biểu và chuyên gia, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt của đất nước. Hiện PVN đóng góp tới 10% GDP cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Theo định hướng của Tập đoàn PVN giai đoạn 2018 - 2025 về tái cấu trúc, sắp xếp doanh nghiệp dầu khí, hoạt động thoái vốn sẽ được đẩy mạnh từ năm 2019 đi kèm với giảm phần sở hữu PVN tại các doanh nghiệp thành viên như GAS, PVI, PVD, OIL...
Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hoạt động quan hệ nhà đầu tư và truyền thông với mục đích nâng cao tính minh bạch, giá trị doanh nghiệp trong mắt cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng là hết sức cần thiết.
 Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn trao đổi tại buổi toạ đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Tại buổi tọa đàm, ông Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV PVN cho hay, bên cạnh những nhiều đơn vị chưa thực sự làm tốt công tác IR thì có những doanh nghiệp khá chú trọng vào các hoạt động quan hệ nhà đầu tư, tổ chức các sự kiện kết nối nâng cao vị thế doanh nghiệp cũng như giải đáp kịp thời các câu hỏi thắc mắc từ phía các nhà đầu tư như: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ (PVFCCo), Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower).
“Từ năm 2012 đến nay, PVN đã đưa vào vận hành bộ chỉ số PVN Index. Đây là chỉ số chứng khoán ngành bao gồm rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu như GAS, PVS, PVD, DPM, PVI,… và trong thời gian tới cũng sẽ có sự tham gia của của các cổ phiếu dầu khí lớn khác như OIL, POW, BSR,...”, vị này nhấn mạnh.
Lãnh đạo PVN nhìn nhận, thông qua hoạt động vận hành và quảng bá bộ chỉ số ngành PVN Index, mối quan hệ giữa tập đoàn, các doanh nghiệp dầu khí và các nhà đầu tư tổ chức lớn quốc tế sẽ được cải thiện hơn. Nhất là trong bối cảnh nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022, tỷ trọng giải ngân của các quỹ ngoại sẽ gia tăng mạnh không chỉ vào các cổ phiếu đầu ngành các nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, tiêu dùng mà cả các cổ phiếu ngành dầu khí (GAS, PVD, PVS, OIL, POW…).
Ông Đinh Văn Sơn đánh giá, hoạt động IR mà các doanh nghiệp dầu khí hiện nay nhìn chung chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, cách thức triển khai hoạt động chưa đồng đều, nhất quán. "Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên" - ông Sơn nói.
Lãnh đạo PVN cho biết, đầu năm 2018, PVN đã cổ phần hóa thành công 3 doanh nghiệp lớn thuộc là PV Power, PVOil và BSR, chiếm tới 83% tổng giá trị cổ phần hóa cả nước. Hiện, PVN đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, chính bởi lẽ đó việc cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp “họ Dầu” sẽ diễn ra sôi động.