Dự án nâng cấp mở rộng QL 19 là tuyến đường trọng điểm nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông ở Tây Nguyên. Tuyến đường vừa hoàn thành đã để lộ nhiều bất cập khi xuất hiện nhiều ổ gà.
Sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp với nhà thầu làm lại hầu hết các điểm hư hỏng. Tuy nhiên, tại vị trí cầu thôn Thanh Bình (xã Bình Giáo) vẫn còn một ổ gà rất lớn chưa được xử lý. Theo quan sát của PV, điểm hư hỏng này mới được cắt vuông vức rồi để đó; dây cảnh báo và những bao đất vứt đầy xung quanh điểm hư hỏng…
Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Ban quản lý Dự án 2 cho biết, đây là cây cầu cũ trên QL 19 không liên quan đến dự án. Tuy nhiên để đảm bảm giao thông, đơn vị cũng đã yêu cầu nhà thầu chở vật liệu đến xử lý lại điểm hư hỏng này. Nhưng đến nay chưa làm được vì vẫn chờ vật liệu…
Mỗi ngày, tuyến đường này có hàng ngàn phương tiện tham gia giao thông, điểm hư hỏng này chưa được xử lý dứt điểm thì nguy cơ tai tai nạn còn rình rập người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Anh Lê Văn Lý – một tài xế xe tải thường xuyên đi mua cà phê ở khu vực này cho biết, tồn tại của điểm hư hỏng này rất nguy hiểm. Tôi thấy nhiều tài xế không kịp đánh lái đi thẳng vào ổ gà, may mắn là chưa xảy ra chuyện gì... Rất mong điểm hư hỏng này sớm sửa chữa đề người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn.
QL 19 là tuyến đường quan trọng nối tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định, đồng thời là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh và là tuyến đường có vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc phòng. Nên việc sớm khắc phục các tồn tại trong công tác sửa chữa tuyến đường QL 19 là điều hết sức cần thiết.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, tiến hành nâng cấp khoảng 143km qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng). Riêng đoạn tuyến qua Gia Lai có chiều dài 125,7km được chia làm 7 gói thầu.
Nguồn vốn cho dự án chủ yếu vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.
Dự án được khởi công vào năm 2021, theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2023, nhưng liên tục chậm tiến độ và mới đây đã được gia hạn đến 31/12/2024.