Quà lưu niệm mang đặc trưng Hà Nội: Chưa rõ đáp án

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ dạo chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người ta đã mong muốn có một món quà lưu niệm mang đặc trưng của Thủ đô để làm quà tặng cho khách. Nhưng bàn đi tính lại, đến bây giờ, món quà mong ước không chỉ của người làm văn hóa, du lịch vẫn chưa rõ hình hài.

Thua trên sân nhà

Nhiều năm nay, việc tìm ra sản phẩm đặc trưng cho Hà Nội vẫn là câu hỏi khó đối với cả ngành du lịch, lẫn ngành văn hóa. Trong chương trình kích cầu du lịch "Việt Nam - Điểm đến của bạn" năm 2010 có điểm nhấn là nội dung xúc tiến tại chỗ thông qua việc tặng quà lưu niệm cho du khách. Ngay thời điểm đó, Tổng cục Du lịch đã làm việc với với Sở VHTT&DL, Sở Công Thương và một số doanh nghiệp du lịch lớn "bàn kế" xem tặng quà lưu niệm nào cho du khách.

 
Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có "hồi kết" cho một mẫu quà tặng mang đặc trưng Thủ đô ngàn năm tuổi.Người làm du lịch đã làm phép so sánh với một sự tiếc nuối: Khách quốc tế chi tiêu cho việc mua sắm ở Việt Nam rất thấp. Nếu như một khách tới Thái Lan bỏ ra trên dưới 500 USD để mua sắm, thì tại Việt Nam không quá 100 USD.
 
Quà lưu niệm mang đặc trưng Hà Nội: Chưa rõ đáp án - Ảnh 1
 
Du khách mua hàng lưu niệm tại Hà Nội.

Hơn thế, trong tổng chi phí cho chuyến du lịch đến Việt Nam, du khách chỉ chi khoảng 10 - 15% cho mua sắm, trong khi đó, Thái Lan đã thu được từ 50 - 55%. Nguyên nhân là do sản phẩm lưu niệm dành cho khách quốc tế nói chung rất đơn điệu cả về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Hầu như không tìm được sản phẩm đặc trưng mang tính "mũi nhọn", đúng thị hiếu của khách du lịch.

80% du khách đến Việt Nam chia sẻ họ không biết mua gì làm quà. Người từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội thường mua đặc sản cốm, bánh cốm, ô mai… nhưng du khách nước ngoài không thể chọn những món đó do yêu cầu khắt khe trong khâu vận chuyển và sự bất cập về thời gian bảo quản.

Thậm chí, ngay cả người Hà Nội cũng loay hoay, không biết chọn "món" nào để tặng.Chính tình trạng nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm du lịch đã khiến các món quà lưu niệm có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… chen chân vào các cửa hàng lưu niệm tại Hà Nội.

Ngay cả làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng, vốn là những điểm đến hấp dẫn khách quốc tế, hàng Trung Quốc cũng len lỏi, khiến người làm du lịch nhiều phen bẽ bàng vì chất lượng sản phẩm.

 Hình ảnh Khuê Văn Các?

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn đang thiếu các mẫu quà tặng, đồ lưu niệm mang tính đặc trưng.

Bản thân các mẫu quà tặng thời gian qua chủ yếu dựa vào lực lượng tư nhân vừa thiết kế, vừa sản xuất nên chất lượng chưa đảm bảo. Hoặc có sản phẩm mang phong thái Hà Nội thì lại "vướng" một vài điều chưa phù hợp.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: "Khi gặp đối tác nước ngoài, món quà duy nhất đặc trưng của Hà Nội tôi lựa chọn là bức ảnh "Hồ Gươm" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Cường. Tuy nhiên, kích thước bức ảnh to, khung kính dễ vỡ nên rất bất tiện khi vận chuyển. Nếu có một cuốn sách ảnh về những nét đẹp của Hà Nội là phù hợp nhất".

 Lại nhắc đến biểu tượng tháp Effel của Paris (Pháp), tượng nàng tiên cá của Đan Mạch, tượng ngư sư Merlion của Singapore… Nghĩa là quà tặng du lịch dù to hay nhỏ, tinh xảo hay đơn giản đều thể hiện được nét đặc trưng nhất của đất nước đó. Mấy năm nay, có thể lấy "mốc" là từ trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quà lưu niệm của Thủ đô còn thấy những chiếc đĩa, những chiếc chặn giấy… mang biểu tượng Khuê Văn Các, nhưng mỗi thứ một chất liệu, một sắc màu, một kích thước, chưa mang lại dấu ấn của một món đồ mang đặc trưng Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: "Sau nhiều lần phát động cuộc thi, chọn mẫu, Sở VHTT&DL Hà Nội đã chọn biểu tượng Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm biểu tượng du lịch Hà Nội". Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định nào chỉ rõ quà đặc trưng của Hà Nội phải có hình dáng Khuê Văn Các, trên chất liệu gì, kích thước như thế nào. Vậy là, quá trình tìm kiếm món quà đặc trưng cho Hà Nội vẫn chưa có đáp án.