Những người bạn buổi chiều hay rủ nhau lên quán của nghệ sĩ Phạm Bằng (30 Hàng Giầy) để thưởng thức món bánh trôi tàu. Dù bán quanh năm, nhưng dường như món quà dân dã ấy chỉ hợp nhất với mỗi độ thu sang, đông về. Một bát bánh trôi tàu với hai viên bột, một viên nhân đậu xanh xay nhuyễn với đường cát, một nhân vừng đen xay, cùng với vị gừng thơm ấm áp lạ thường. Để rồi, đến tối lại vui với những hàng ngô nướng, khoai nướng nơi góc phố. Không biết tự bao giờ, hình ảnh những chậu than hồng, những bắp ngô non đang căng sữa, hạt mẩy tăm tắp được người bán nhanh tay quạt cho chín mẻ ngô, trở thành hình ảnh thân quen trong lòng người Hà Nội mỗi độ thu về. Trời se lạnh, nhiều người lại thích tìm đến vị cay nồng của ớt, sả, gừng trong món ốc nóng. Hay tìm đến một hàng bánh đúc nóng, thứ bánh dân dã, quen thuộc, ngon, bùi, béo, rẻ…
Bánh đa kê Phú Thượng.
Và trong những thức quà gắn liền với mùa thu Hà Nội nhiều người còn hay nhắc đến bánh đa kê. Bánh đa kê nhiều vùng cũng có, nhưng ở Phú Thượng vẫn được coi như cái nôi của nghề nấu xôi, làm bánh đa kê. Một chiếc xe đạp lỉnh kỉnh thúng mẹt, những cái bánh đa được ủ kín, người bán hàng với tiếng rao đặc trưng đã mang lại nét riêng cho phố phường Hà Nội. Bánh đa kê ngon, phải ngon từ cháo kê, từ hạt đậu xanh hấp chín, tới miếng bánh giòn. Kê xát vỏ, nấu khéo cho không khê, hạt chín vàng sóng sánh. Đậu xanh đồ chín, đánh nhuyễn, tơi, cơm dừa nạo sợi, bánh đa nướng giòn. Phết một lớp cháo kê lên mặt bánh đa, phủ lên đấy một lớp đường cát trắng, lại một lớp đậu xanh, rắc thêm chút cơm dừa... vừa ngon, vừa giòn. Bánh đa kê kẹp xong là phải ăn ngay kẻo đường, kê chảy ra, làm ỉu miếng bánh đa, mất đi cái bùi, cái giòn đặc trưng. Hạt kê được biết đến trong dân gian là mát, lành, bởi thế bánh đa kê hợp nhất với mùa thu.
Ẩm thực của người Hà Nội theo mùa, những thức quà vặt yêu thích của người Hà Nội cũng theo mùa tràn xuống phố, len vào từng ngõ ngách, đi vào cuộc sống của mỗi người và làm nên một nét "quyến rũ" nơi ẩm thực Hà thành.