70 năm giải phóng Thủ đô

Quà tặng nghìn năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tâm huyết và nhiệt tình của thầy Nhã đã khiến nhà sử học uyên bác đất Hà thành, giáo sư Trần Quốc Vượng tình nguyện trở thành người dẫn chuyện của bộ phim.

KTĐT - Tâm huyết và nhiệt tình của thầy Nhã đã khiến nhà sử học uyên bác đất  Hà thành, giáo sư Trần  Quốc Vượng tình nguyện trở thành người dẫn chuyện của bộ phim.

Mừng sinh nhật Thăng Long nghìn tuổi, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, với sự bảo trợ của công ty Mega, của tạp chí Xưa & Nay, đã gửi tặng các trường học ở Hà Nội 1000 bộ DVD phim tư liệu Thăng Long -  Hà Nội xưa.

1. Vào năm 1992 thầy giáo Nguyễn Nhã, nguyên chủ nhiệm Tập san sử địa ấn hành tại Sài Gòn trước 1975, đang giảng dạy tại Khoa Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn) bằng tiền túi của mình đã từ Nam ra Bắc thực hiện bộ phim giáo khoa dài 430 phút mang tên Thăng Long - Hà Nội xưa.

Tâm huyết và nhiệt tình của thầy Nhã đã khiến nhà sử học uyên bác đất  Hà thành, giáo sư Trần  Quốc Vượng tình nguyện trở thành người dẫn chuyện của bộ phim. Trước khi bấm máy, tại di tích lịch sử Cổ Loa, người dẫn chuyện Trần Quốc Vượng đã cùng chủ nhiệm phim Nguyễn Nhã thắp hương tại Đền Thượng An Dương Vương, đồng bái khấn Đức vua phù hộ cho những người làm phim về 1000 năm lịch sử nhằm tới hiện tại của sự hòa giải hòa hợp dân tộc, và ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò dẫn chuyện của mình, với cách dẫn chuyện lịch lãm của một người Hà Nội. Đầy tự tin, nhưng hết sức khiêm nhường, dù thông tường Hà Nội hơn ai hết, giáo sư Vượng vẫn biết nhường lời cho các bậc cao niên để kính lão, nhường lời cho cả những kẻ hậu sinh nếu biết sự nhường nhịn giúp người ít tuổi hơn dễ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Người xem được cùng giáo sư Vượng và những người làm phim, thâm nhập một cách kĩ lưỡng vào ba mươi sáu phố và “tam thập trại”  của Hà Nội, cùng  vùng ngoại vì thời 1992 để nhìn xa hơn cột mốc 1010 mà thấy được cả nền móng của Thăng Long,  trước ngày Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô. Chính tay giáo sư Vượng chỉ, để người xem được nhìn tận mắt, những vòng xoáy trôn ốc của thành Cổ Loa, tận mắt thấy giếng Mỵ Châu...

Là một nhà khoa học, dù đứng bên giếng xưa còn đang đong đầy lệ tình, giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn không quên thống kê, Cổ Loa 14 xã nhưng chỉ 8 xã thờ Mỵ Châu, còn 6 xã thờ chồng bà – Trọng Thủy; và khi đã đứng trên đỉnh cao chiến thắng Đống Đa ông vẫn không quên dẫn người xem tới một am vắng – Am Chúng Sinh mà người Hà Nội hương khói cho tử sĩ của cả hai phe, thắng và bại…

Người xem được giáo sư Vượng dẫn lên kì đài của hoàng thành Thăng Long, đang được lưu giữ nguyên vẹn trong Bảo tàng quân đội nhân dân Việt Nam để từ điểm cao nhất của kì đài, nhìn đầy đủ toàn cảnh thực địa hoàng thành và được nghe ông, một trong những người thời nay, lần đầu tiên nhìn thấy nền móng thời Lý của hoàng thành xưa, kể chuyện về các tầng văn hóa kề vai nâng chiều cao đất nước.

Có thể nói, Thăng Long - Hà Nội xưa là phim hay của những người làm sử. Ngoài hai nhà sử học đến từ hai thế hệ, hai miền đất nước – Trần Quốc Vượng, Nguyễn Nhã, người xem phim còn được gặp trong phim giáo khoa này nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc 18 năm trước khi ông và các đồng nghiệp bắt tay chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm; còn được gặp nhà sử học Dương Trung Quốc, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội ba mươi sáu phố phường, kiến giải rất chi tiết, cụ thể từ ngày ấy về vẻ đẹp khu phố cổ đã sinh ra mình và cả về những nét chưa đẹp mới phát sinh trong quá trình lịch sử của đất văn hiến này…

2. Là phim giáo khoa khai  thác thế mạnh của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, Thăng Long -  Hà Nội xưa  đưa tới người xem nhiều tri thức lịch sử sâu sắc nhưng sinh động và nhờ vậy, dễ hiểu. Chỉ trong khuôn viên một ngôi chùa Láng với các gốc muỗm 500 năm tuổi, những nhà làm phim đã lí giải thế nào là tư tưởng “sấu gốc bền rễ” trong quốc sách vệ quốc! Và trong kiến quốc, thế nào là tích hợp, là giao lưu, là “tam giáo đồng nguyên”…

Cùng với ngồn ngộn tri thức, phim giáo khoa này còn có những trường đoạn sống động như một phóng sự truyền hình. Đó là khi những nhà sử học làm làm phim dẫn người xem tới đình làng Nam Đồng, để cùng nghe ông từ giữ đền  “tường thuật trực tiếp” trận đấu lịch sử có tính nội bộ kéo dài hơn 15 năm trong thời bình để cứu lấy đển thờ Lý Thường Kiệt, mái đang võng “như vũng trâu đầm”, đang có cơ thành phế tích; để giữ lấy danh tiếng thành hoàng làng mình; để xin lại quyền hương khói, thờ phụng một danh nhân, một anh hùng dân tộc; để kịp cạo bỏ lớp vôi đang che mắt, bức tử di tích, cứu lấy những câu đối ca ngợi người “sinh vi danh tướng tử vi thần”:

Phạt Tống phong công lưu đế giản

Bình Chiêm vĩ tích tại vương kì

(Dẹp (giặc) Tống, sử sách lưu chép mãi


Bình (quân) Chiêm đất kinh kỳ vang dội chiến công)

Và:

Đức đại an dân thiên cổ thịnh

Công cao hộ quốc vạn niên trường

(Đức lớn yên dân ngàn xưa vượng

Công lao giúp nước vạn năm dài )

Làm từ 18 năm trước nhưng Thăng Long - Hà Nội xưa vẫn mang tính thời sự, có thể tham luận trên những diễn đàn xã hội đang sôi nổi lúc này, những ngày đại lễ. Vua nhà Lý trong phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long đội mũ ta hay mũ Ngô? Cứ vào phim, xem hình cái mũ còn thờ trên Hoa Lư thì rõ! Muốn biết, Trường An trong câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…” là kinh đô của ta hay của Ngô cũng vào phim mà nghe ông từ đền thờ vua Đinh trên ấy kể cho nghe. Kể rành rẽ như một nhà sử học.

Trong lễ trao tặng món qua sinh nhật tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh chiều ngày 5/10/2010 tiến sĩ lịch sử Nguyễn Nhã nói trong xúc động: “Bộ phim là kết qủa cuộc hội ngộ của các nhà nghiên cứu văn hóa Nam, Bắc cùng nhau trở về nguồn, tìm hiểu Thăng Long, Hà Nội xưa. Giới thiệu bộ phim tư liệu này, tôi muốn nhắc đến những tình cảm, trước hết với anh Trần Quốc Vượng, một nhà Hà Nội học, một nhà văn hóa học thân thương, cũng là thể hiện tâm nguyện tìm cái chung của đông đảo thầy trò Việt Nam chúng tôi”.