70 năm giải phóng Thủ đô

Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối các công trình nghiên cứu khẳng định 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, ngày 18/8, tại TP Huế, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo với chủ đề “Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Hội thảo có sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong cả nước qua hình thức trực tuyến.

Từ những minh chứng và cơ sở pháp lý, hội thảo khẳng định thêm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đề dẫn mở đầu Hội thảo, PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Bằng nhiều nguồn tư liệu chính thống của nhà nước khác nhau cùng tài liệu điền dã kết hợp với tư liệu nước ngoài, đã minh chứng tính liên tục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam thời chúa Nguyễn và Tây Sơn thông qua đội Hoàng Sa và Bắc Hải, do nhà nước thành lập hàng năm ra khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản vật từ các con tàu đắm tại vùng biển đảo này về nộp cho phủ chúa.
Ngoài ra, đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu hộ, cứu nạn, một nhiệm vụ nhân đạo đối với quốc gia có chủ quyền về biển đảo trong thông lệ quốc tế. Qua tư liệu đã công bố cho thấy, chính quyền chúa Nguyễn và Tây Sơn là chủ sở hữu liên tục, duy nhất đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Trung Quốc, Hà Lan và nhiều nước trên thế giới thừa nhận, một di sản lịch sử vô giá trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay”.
Các tham luận của hội thảo tập trung vào việc làm rõ sự xác lập, thực thi, đấu tranh bảo vệ chủ quyền về mặt Nhà nước của Việt Nam cùng sự công nhận, thừa nhận từ các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
GS.TS Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo xác nhận: “Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã khai phá, chiếm hữu thật sự, công khai và liên tục vùng đảo Hoàng Sa và vùng đảo Trường Sa khi mà các quần (vùng) đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Suốt trong gần một thế kỷ, nước Pháp đã thực sự đại diện cho Việt Nam trong việc tiếp nối và kế thừa tiến trình lịch sử thực hiện thật sự và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà nước Việt Nam, qua các thời kỳ, kể cả Chính phủ Quốc gia Việt Nam hay Việt Nam Cộng hòa cũng như Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tùy theo các  điều kiện và hoàn cảnh, luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa hợp pháp của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
ThS Nguyễn Quang Trung Tiến qua khảo cứu một số sách từ điển, bách khoa toàn thư phổ biến của thế giới có nhận xét: “Việc hàng chục cuốn từ điển, bách khoa toàn thư ở thế kỷ XIX được xuất bản từ các quốc gia Anh, Pháp, Hoa Kỳ… đã đưa thông tin về Hoàng Sa và gắn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này vào trong hệ thống sách tra cứu tri thức mang tầm vóc quốc tế.
Đồng thời, có tính phổ biến trên toàn thế giới, thì đó là những minh chứng lịch sử hết sức thuyết phục để khẳng định việc chiếm hữu hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế biết đến, thừa nhận hay công nhận một cách rộng rãi, khách quan trong quá khứ, trở thành tri thức chung của thế giới ngay ở thế kỷ XIX”.
Tìm hiểu về Giá trị Công hàm số 22/HC-2020 của Nhà nước Việt Nam trong “cuộc chiến Công hàm” phản đối những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ThS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật, Đại học Huế có bình luận: “Tất cả những sự kiện nêu trên trong “cuộc chiến công hàm” phản đối những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy “sự đơn độc của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với các quốc gia ASEAN” trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”.
Đến nay, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế đã 5 lần tổ chức hội thảo và xuất bản 7 công trình, sách chuyên khảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.