Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Ba Đình: Cải tạo nhiều không gian xanh phục vụ cộng đồng

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quản lý đô thị, quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị hiện đang được quận Ba Đình đẩy mạnh. Quận đã tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các không gian công cộng, song song với duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng phục vụ đời sống người dân.

Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, vườn hoa Lê Trực (quận Ba Đình) luôn thu hút người dân đến vui chơi.
Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, vườn hoa Lê Trực (quận Ba Đình) luôn thu hút người dân đến vui chơi.

Dành quỹ đất cho không gian công cộng

Thời gian qua, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về công tác quản lý quy hoạch, đô thị, chính trang phát triển đô thị đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng, quản lý đô thị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quận, nhằm thực hiện tốt một trong hai khâu đột phá của quận nhiệm kỳ này là: “Thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, trật tự văn minh đô thị, xây dựng quận Ba Đình “Sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hiện đại”.

Đặc biệt, ngoài công tác xây dựng, cải tạo các khu chung cư, tập thể cũ xuống cấp, quận đã tập trung đầu tư công trình đô thị, tiện ích đô thị, thiết chế văn hóa. Cụ thể, đã hoàn thành cải tạo vườn hoa Lê Trực; vườn hoa Phan Đình Phùng, vườn hoa Hoàng Diệu, vườn hoa Vạn Xuân, vườn hoa Trúc Bạch, vườn tiểu cảnh Bãi Nhãn và một số điểm vườn hoa nhỏ trong các khu dân cư theo Quy hoạch phân khu đô thị H1-2, quy hoạch chi tiết công viên Indira Gandhi, dự kiến cải tạo trong năm 2025. Về vườn hoa Giảng Võ, dự kiến triển khai sau khi quy hoạch chi tiết khu tập thể Giảng Võ được phê duyệt, hoàn thành trong năm 2025. UBND quận tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán đối với từng dự án nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Trong năm 2023, quận Ba Đình đã hoàn chỉnh cải tạo chỉnh trang các công trình công cộng, hè phố trên tuyến phố Kim Mã và tiếp tục vận động người dân chỉnh trang mặt đứng kiến trúc các công trình nhà ở riêng lẻ; cải tạo chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên… Ngoài ra, quận còn tổ chức cải tạo chỉnh trang hè các tuyến phố Nguyễn Tri Phương, Yên Ninh, Phạm Huy Thông; triển khai Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, sau khi được UBND TP phê duyệt Đề án.

Về trồng thêm cây xanh bóng mát, trong giai đoạn 2021-2025, quận được giao trồng 400 cây bóng mát. Hiện nay, UBND quận Ba Đình đã tổ chức trồng được 323 cây (còn 77 cây theo kế hoạch). Dự kiến, quận sẽ hoàn thành chỉ tiêu trồng 400 cây trong năm 2024.

Xử lý dứt điểm các tồn tại “khó giải quyết” về trật tự đô thị

Năm 2023, quận Ba Đình đã giải quyết một số điểm tồn tại “khó giải quyết” về trật tự đô thị. Quận Ba Đình đã triển khai có hiệu quả mô hình, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng. Điển hình như mô hình “Ngõ phố sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Ngõ phố nở hoa” của phường Điện Biên; “Tuyến phố xanh” của phường Giảng Võ; mô hình “dân vận khéo” trong xây dựng “phường điểm kỷ cương, văn minh đô thị” của phường Kim Mã. Ngoài ra, các mô hình được các phường triển khai hiệu quả như “Xanh hóa gốc cây”, “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”, “Xóa bỏ chân rác”…

Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã Vũ Đại Thắng cho biết, tuyến phố Kim Mã - Nguyễn Thái Học là tuyến phố xuyên tâm, tuyến phố điểm về văn minh đô thị. Phường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ vận động, tuyên truyền, giáo dục, ra quân xử lý vi phạm… Nhiều hộ dân kinh doanh đã tự giác tháo dỡ những công trình của nhà mình vi phạm như mái che, mái vẩy, bục bệ, biển quảng cáo, biển hiệu sai quy định; người dân đổ rác đúng giờ.

Còn đối với địa bàn phường Giảng Võ, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, thời gian qua, phường đã tổ chức ký cam kết với tất cả các hộ kinh doanh về việc thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sân chơi làm nơi kinh doanh buôn bán. Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, quản lý sân chơi trên địa bàn phường đã có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp.

Tăng cường các tiện ích đô thị

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết, thời gian tới, quận Ba Đình tiếp tục duy trì hiệu quả 19 tuyến phố theo tiêu chí văn minh đô thị. Tiếp tục chỉ đạo các phường giải tỏa các tụ điểm chợ cóc và triển khai các biện pháp quản lý sau giải tỏa, không để tình trạng tái diễn xảy ra. Kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, đổ rác thải, phế thải nguyên vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.

 

“Quận Ba Đìnhcũng xem việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ, bao gồm cả các chung cư cũ đơn lẻ nằm rải rác trong các phố cũ như là một cơ hội để tạo ra nhiều không gian công cộng, cây xanh, nhiều tiện ích, nhiều dịch vụ hơn nữa phục vụ cho cuộc sống” – Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến.

Theo quy hoạch, quận Ba Đình là trung tâm đô thị lịch sử của Thủ đô. Chia sẻ về những định hướng phát triển, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, cùng với các giải pháp chung về thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường được thực hiện theo chỉ đạo của TP, quận sẽ tập trung tạo dư địa cho kinh doanh dịch vụ, tăng cường các tiện ích đô thị, giữ văn minh, trật tự đô thị để từ đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Tạ Nam Chiến, quận Ba Đình cũng như các quận nội đô lịch sử khác đều rất hạn hẹp về quỹ đất dành cho không gian công cộng, ngay cả khi xác định được quỹ đất cũng còn rất nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Với rất nhiều cố gắng, trong năm 2023, quận Ba Đình đã cải tạo nâng cấp thêm 12 vườn hoa, 1 công viên và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 8 vườn hoa từ nay đến năm 2025.

Cùng với đó, các không gian công cộng trên địa bàn quận Ba Đình cũng sẽ được tăng cường các tiện ích, từ wifi miễn phí, nước uống sạch, hệ thống thông tin hướng dẫn du khách.