Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Ba Đình: lễ hội tri ân công lao của Đức Huyền Thiên Trấn Vũ

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 11/4, quận Ba Đình tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ nệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ năm 2024.

Đoàn rước dâng Lễ vật của Nhân dân phường Quán Thánh.
Đoàn rước dâng Lễ vật của Nhân dân phường Quán Thánh.

Đền Quán Thánh, Trấn Bắc là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng gắn liền với sự hình thành của kinh thành Thăng Long. Theo sử liệu, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía đông bắc Hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay và ban tiền, đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ.

Màn múa lân tại Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. 
Màn múa lân tại Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. 

Một thời gian sau, Vua Minh Mạng trong dịp tuần thú Bắc Thành đã cho đổi tên Đền thành Chân Vũ Quán, ba chữ này được tạc trên nóc cổng tam quan; tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi Trấn Vũ Quán. Đền được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Sau 60 năm, ngày 18/01/2022, Đền Quán Thánh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

Các đại biểu tham dự chương trình. 
Các đại biểu tham dự chương trình. 

Truyền thuyết xưa kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc nhiều lần hiển linh giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương thứ 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Khi đê sông Nhị Hà vỡ, vua lập đàn cầu đảo, đức Huyền Thiên giáng trần ở chỗ này. Sau cơn mưa to gió lớn, trời quang mây đãng, nước sông đều đẹp.

Vua Thánh Tông liền sai lập ngay đền thờ ở chỗ thần đã hiển linh để hằng năm cúng tế. Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây cầu mưa mỗi khi có hạn hán.Trải qua các triều đại, Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đã được các triều vua ban 8 sắc phong Thần. Hàng năm cứ đến ngày 3/3 và 9/9 âm lịch, làng Yên Quang xưa (nay là phường Quán Thánh) tổ chức Lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công lao của Đức Huyền Thiên Trấn Vũ.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu tại buổi lễ. 
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu tại buổi lễ. 

Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều nghi thức quan trọng như Lễ cúng Thánh, nghi thức rước 14 mâm vật phẩm dâng Thánh của các địa bàn dân cư toàn phường Quán Thánh, Nghi lễ rước và tuyên đọc thần tích, Nghi thức đại tế của đội Tế nam quan, Nghi thức dâng hương của đội nghi lễ dâng hương nữ.

Quận Ba Đình: lễ hội tri ân công lao của Đức Huyền Thiên Trấn Vũ - Ảnh 1
Lễ dâng hương tại Lễ hội truyền thống kỷ nệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.
Lễ dâng hương tại Lễ hội truyền thống kỷ nệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.

Bên cạnh các nghi thức trang trọng truyền thống, năm nay Ban tổ chức đã xây dựng và tổ chức thành công đêm thơ và biểu diễn nghệ thuật mừng ngày sinh của đức Thánh với chủ đề: Tự hào Ba Đình, với sự tham gia của hơn 50 thành viên Câu lạc bộ thơ quận Ba Đình,  gần 100 diễn viên không chuyên trên địa bàn phường Quán Thánh…

“Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng, Lễ hội đền Quán Thánh quận Ba Đình sẽ trở thành sự kiện văn hoá, lễ hội thường niên của mọi người dân trên địa bàn phường Quán Thánh, quận Ba Đình, là điểm nhấn về du lịch tâm linh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, qua đó để lại dấu ấn đậm nét đối với du khách trong nước và Quốc tế” - Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nhấn mạnh.