Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Ba Đình: Nỗ lực xây dựng “trường học hạnh phúc, an toàn”

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận, thông tin tại tọa đàm “Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với ngành GD&ĐT” giúp các thầy cô và nhà trường xử lý tốt hơn những khó khăn trong quá trình giáo dục học sinh. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu xây dựng “trường học hạnh phúc, an toàn”.

Ngày 5/11, UBND quận Ba Đình đã tổ chức tọa đàm “Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với ngành GD&ĐT” bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu quận và kết nối với 3.820 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục quận.

Dự tọa đàm có đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban quận Ba Đình. Các diễn giả gồm TS Lê Thị Hoa - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia; Luật sư Bùi Đình Ứng (Chủ nhiệm CLB Luật sư Long Biên); Luật sư Giang Hồng Thanh - Bí thư Đoàn Thanh niên Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các thầy cô.

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 4.000 cán bộ, giáo viên

Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình Lê Thị Thu Hà cho biết, thời gian qua, quận luôn có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) với mong muốn giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn. Đây cũng là dịp để quận đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong thực thi pháp luật. Tọa đàm cũng tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách trực quan tới các thầy cô giáo, nhân viên trong các nhà trường trên địa bàn, đặc biệt là đối với việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Quận Ba Đình: Nỗ lực xây dựng “trường học hạnh phúc, an toàn” - Ảnh 1
Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo phương án ban đầu, UBND quận Ba Đình dự kiến tổ chức Ngày hội pháp luật vào ngày 6/11 tại trường THCS Thăng Long với 3 nội dung: Tổ chức gian trưng bày, giới thiệu pháp luật; Tọa đàm và tư vấn pháp luật; Thi video clip về công tác phổ biến pháp luật tại cơ sở. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, quận Ba Đình đã điều chỉnh, không tổ chức gian trưng bày, tư vấn pháp luật. Thay vào, quận tổ chức tọa đàm về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với ngành giáo dục và đào tạo bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu quận và kết nối với 3.820 cán bộ, giáo viên ở các trường.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, buổi tọa đàm cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích liên quan đến việc thực hiện pháp luật đối với ngành GD&ĐT. Thông tin tại buổi tọa đàm giúp các thầy cô và trường học xử lý tốt hơn những khó khăn trong quá trình giáo dục học sinh. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu xây dựng “trường học hạnh phúc, an toàn”.

Bạo lực trẻ em qua những câu “con nhà người ta”

Tại tọa đàm, TS Lê Thị Hoa (Học viện Hành chính Quốc gia) chia sẻ, khi thông tin pháp luật cho học sinh, thầy cô giáo cần chú ý giao tiếp, tìm hiểu kĩ định nghĩa, dẫn chính xác điều luật cơ bản… và quan trọng nhất là lấy ví dụ thực tế để các con hiểu và nhớ lâu. “Bạo lực trẻ em thể hiện không chỉ qua đánh roi mà còn qua những câu “con nhà người ta”, “tại sao con không học tốt như bạn”… Phụ huynh cần dành hết yêu thương cho con, đặt mình vào vị trí các con để trẻ em được bảo vệ cả về thể xác lẫn tinh thần” - TS Lê Thị Hoa nhấn mạnh.

TS Lê Thị Hoa (Học viện Hành chính Quốc gia) chia sẻ: Bạo lực trẻ em thể hiện không chỉ qua đánh roi mà còn qua những câu “con nhà người ta”, “tại sao con không học tốt như bạn”

Ngoài ra, theo TS Lê Thị Hoa, thầy cô cần định hướng để trẻ em tự bảo vệ bản thân mình, như biết cách tự bảo vệ bản thân khi rơi vào trường hợp như ấu dâm, bạo lực… TS Lê Thị Hoa lấy ví dụ khi đi thang máy một mình, trẻ sẽ làm gì khi người khác chạm vào người, từ đó trang bị cho các bé kỹ năng xử lý như bấm tầng gần nhất để thoát thân hoặc phản ứng mạnh, tránh bị động... Cha mẹ cần dành thời gian để nghe con chia sẻ về việc học tập, vui chơi, từ đó phụ huynh thực sự trở thành “bạn đồng hành” cùng con trong cuộc sống.

Xây dựng một Thủ đô an toàn, văn minh

Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cho biết, rất ấn tượng và đánh giá cao sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của quận Ba Đình với tổ chức ngày hội pháp luật bằng hình thức tọa đàm trực tuyến, tư vấn pháp luật trực tuyến. Tọa đàm, thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn quận tham gia, tổ chức thi video clip tại cơ sở, vừa thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn Hà Nội vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và Nhân dân với số lượng người tham gia dự thi lớn nhất từ trước đến nay (1.032.665 bài thi), đã thực sự tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một cuộc vận động lớn trong xã hội trong phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19. Quận Ba Đình là đơn vị đạt giải Ba tập thể và 1 giải Khuyến khích.

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội trao giải Ba tập thể Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” cho UBND quận Ba Đình

“Với tinh thần hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, thượng tôn pháp luật, tôi mong rằng quận Ba Đình tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là công tác tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cán bộ công chức, viên chức, mỗi học sinh, giáo viên và  người dân trên địa bàn quận thực hiện nghiêm chỉnh: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tự nâng cao kiến thức pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng con người Thủ đô văn minh với văn hóa tôn trọng pháp luật để xây dựng một Thủ đô an toàn, văn minh” - Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Vũ Thị Thanh Tú nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, nhiều thảo luận được đưa ra để đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan đơn vị, địa phương. Trong phiên chia sẻ, các diễn giả đã giải đáp các nội dung câu hỏi liên quan đến Luật Giáo dục, phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực học đường và đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Qua đó, đề xuất những giải pháp cụ thể, thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học cho các thầy cô.