Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Ba Đình nói gì về việc “biến” vườn hoa Hàng Đậu thành khối bê tông?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu) nằm trong Chương trình 03/2021/CT-TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025, nhưng đang có nhiều ý kiến xoay quanh việc này.

Thay đổi mỹ quan đô thị

Thực hiện Chương trình 03/CT-TU của Thành ủy Hà Nội, đối với hạng mục cải tạo công viên, vườn hoa. Đến thời điểm này, quận Ba Đình đã hoàn thành cải tạo Vườn hồ Trúc Bạch (gồm 3 điểm vườn hoa).

Từ đầu năm 2023 tiếp tục triển khai cải tạo các vườn hoa: Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Công viên India Gandhi, vườn hoaVạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu), vườn tiểu cảnh Bãi Nhẫn (vườn Trấn Vũ), vườn hoa hồ Trúc Bạch (2 điểm). Riêng vườn hoa Vạn Xuân đến nay về cơ bản đã cải tạo, nâng cấp xong phần hạng mục cây xanh, tiểu cảnh nội khu, còn lại phần khu vực từ sau tượng đài quyết tử về phía phố Hòe Nhai là diện tích quy hoạch Ga ngầm C8 nên vẫn phải chờ khớp nối hạ tầng và phù hợp với tiến độ thi công Ga ngầm C8.

Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại phường Quán Thánh – một trong những địa bàn có số lượng công viên, vườn hoa được triển khai cải tạo nhiều nhất của quận Ba Đình trong thời gian gần đây. Ông Bùi Việt Hùng – trú tại số 113 phố Quán Thánh (phường Quán Thánh), một trong số những người dân tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát việc cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa tại địa bàn như: vườn hoa Hoàng Diệu, vườn hoa Phan Đình Phùng, vườn hoa Bãi Nhẫn (vườn Trấn Vũ), vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu) cho biết, các vườn hoa này trước khi cải tạo đã bị xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều hạng mục.

Vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu) nhiều hạng mục xuống cấp (ảnh trái) và sau khi được cải tạo, nâng cấp.
Vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu) nhiều hạng mục xuống cấp (ảnh trái) và sau khi được cải tạo, nâng cấp.

Bên cạnh đó, với việc người dân sinh sống xung quanh lấn chiếm để bán hàng, xả rác thải bừa bãi dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan đô thị. Sau khi cải tạo, các hạng mục đều được nâng cấp và xây mới, dụng cụ thể dục thể thao được duy trì, bổ sung, đặc biệt chính quyền địa phương đã quyết liệt trong việc dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, khuôn viên vườn hoa để bán hàng, nên đến nay không còn tình trạng rác bị xả thải bừa bãi và không gian vui chơi, giải trí của người dân, du khách bị thu hẹp.

“Đối với vườn hoa Vạn Xuân, đến ngày 28 Tết, chính quyền địa phương đã cơ bản hoàn thành xong các hạng mục sửa chữa, cải tạo, trồng lại cây xanh; đồng thời xây dựng mới và lắp đặt không gian cho hạng mục nhạc nước phục vụ người dân, du khách. Qua quá trình giám sát chúng tôi thấy toàn bộ cây xanh lưu niên trước đây của vườn hoa Vạn Xuân đều đã được di chuyển, sắp xếp và trồng lại tại chỗ, nên số lượng không bị hao hụt so với trước khi cải tạo” – ông Bùi Việt Hùng cho hay.

Hiện trạng cũ của vườn hoa Vạn Xuân bị người dân lấn chiếm để buôn bán và sau khi được xây mới thêm hạng mục nhạc nước phục vụ người dân, khách du lịch.
Hiện trạng cũ của vườn hoa Vạn Xuân bị người dân lấn chiếm để buôn bán và sau khi được xây mới thêm hạng mục nhạc nước phục vụ người dân, khách du lịch.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Trần Thị Bích, người dân đang sinh sống tại số 18T phố Quán Thánh, sau khi cải tạo nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân số lượng người dân, du khách tập trung đến đây để vui chơi, giải trí và tập luyện thể dục thể thao tăng cao hơn trước đây. Trong đó có một số nhóm người sử dụng loa kéo với tần suất âm thanh lớn tập thể dục gây ô nhiễm tiếng ồn; đồng thời việc chính quyền mở nhạc nước trong thời gian dài mỗi ngày cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân xung quanh.

“Cư dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi chính quyền thực hiện cải tạo, nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân, tạo ra một không gian đô thị khang trang, hiện đại, phục vụ người dân và du khách, chấm dứt được cảnh ô nhiễm, nhếch nhác do lấn chiếm trước đây. Tuy nhiên, đề nghị chính quyền có giải pháp để giảm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, duy trì công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và chăm sóc cây xanh sau khi cắt tỉa, trồng lại” - bà Trần Thị Bích kiến nghị.

Tiếp tục bổ sung trồng mới cây xanh

Trên địa bàn quận Ba Đình có vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu) là một khu vực đặc biệt gắn liền với di tích lịch sử Tháp nước Hàng đậu – công trình cả trăm năm tuổi, một trong hai tháp nước cổ nhất, mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Khi chính quyền triển khai cải tạo, nâng cấp đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân, dư luận, trong đó nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều về việc thay đổi thiết kế của vườn hoa so với trước đây.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, trước khi triển khai cải tạo, quận đã thuê các đơn vị thiết kế với mục đích tạo ra một không gian hài hòa, gắn với tổng thể chung toàn khu. Trong đó, điểm nhấn là tạo ra một khối thống nhất giữa vườn hoa Vạn Xuân với Tháp nước Hàng Đậu, nên phải có chút điều chỉnh về thiết kế so với hiện trạng trước khi cải tạo. “Mục đích của quận là xây dựng một không gian mở, vừa phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí của người dân và khách du lịch; vừa để có diện tích tổ chức các hoạt động cộng đồng, chương trình triển lãm, trưng bày để tạo ra một sản phẩm du lịch mới, độc đáo gắn với di tích lịch sử Tháp nước Hàng Đậu” - Chủ tịch UBND quận Ba Đình nói.

Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân là để phù hợp và kết nối không gian với di tích lịch sử Tháp nước Hàng Đậu.
Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân là để phù hợp và kết nối không gian với di tích lịch sử Tháp nước Hàng Đậu.

Đối với một số ý kiến trái chiều về việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, công trình mới chỉ được gấp rút hoàn thành một số hạng mục trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tạo không gian công cộng cho người dân Thủ đô và du khách vui chơi.

Sau khoảng thời gian nghỉ Tết quận đã chỉ đạo đơn vị thi công tiếp tục chỉnh sửa hạng mục ghế đá, bồn hoa (có góc nhọn), một số bồn hoa chưa trồng đủ cây sẽ được bổ sung. Nhưng đến thời điểm hiện tại, số lượng cây sau cải tạo không giảm mà tăng 14 cây, đang tiếp tục trồng 20 cây. Đặc biệt vẫn còn gần 1/2 diện tích vườn hoa do vướng vào ranh giới Nhà ga C8 nên chưa thi công được, khi thi công sẽ có nhiều cây tiếp tục được trồng mới tại đây theo như thiết kế đã được các Sở, ngành và đơn vị liên quan đồng thuận.

Trong quá trình thi công, một số cây xấu, cây cong, yếu đã được chặt hạ thay thế, những cây có vị trí ko phù hợp được dịch chuyển, mảng cỏ trước tượng đài được thay thế bằng dàn phun nhạc nước (diện tích trồng cỏ giảm 21%). Các cây trồng lại phải cắt tỉa cảnh, lá nên hiện tại mức độ phủ xanh chưa được như cũ và cần thêm thời gian để cây ra tán.

Tháp nước Hàng Đậu gắn với vườn hoa Vạn Xuân thời gian gần đây được đầu tư nhiều nguồn lực để biến di tích thành không gian nghệ thuật độc đáo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.
Tháp nước Hàng Đậu gắn với vườn hoa Vạn Xuân thời gian gần đây được đầu tư nhiều nguồn lực để biến di tích thành không gian nghệ thuật độc đáo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin thêm, ý đồ chính trong cải tạo vườn hoa Vạn Xuân là tôn vinh tượng đài Cảm tử, nên trong thiết kế đã tạo trục chính giữa kéo dài, kết nối không gian với Tháp nước Hàng Đậu. Khu vực trước tượng đài (trục chính) thể hiện cuộc sống hoà bình, ấm no hiện nay, có tổ chức dàn phun nhạc nước… nên không trồng cây to, mảng cỏ tại đây là hợp lý.

Đồng thời, các bồn hoa tạo góc vát, sử dụng ngôn ngữ hình khối mạnh mẽ gợi lại hình ảnh chiến luỹ đường phố và khí thế hào hùng của những ngày toàn quốc kháng chiến, với sự thay đổi này thì có thể ban đầu nhìn sẽ không thuận mắt.

“Đến thời điểm hiện tại, công tác triển khai vẫn chưa hoàn thành do phải chờ thi công xong Ga ngầm C8. Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị thi công tiếp tục trồng bổ sung cây xanh và chỉnh sửa lại một số tiểu cảnh như ghế đá, bồn hoa cho phù hợp thẩm mỹ, thuận tiện để người dân, du khách vui chơi, giải trí, thăm quan” – Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết.

Thời gian gần đây, quận Ba Đình đã đầu tư nhiều nguồn lực để phục vụ cải tạo, sửa chữa Tháp nước Hàng Đậu, biến di tích lịch sử này thành một không gian nghệ thuật độc đáo của Thủ đô Hà Nội, đồng thời đang đẩy mạnh với việc kết hợp khai thác du lịch.

Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân gắn với di tịch lịch sử Tháp nước Hàng Đậu là một trong những kế hoạch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch, không gian sinh hoạt công cộng phục vụ người dân sinh sống ở địa bàn và khách du lịch khi đến với Thủ đô.