Quận Ba Đình: Phát huy giá trị trung tâm đô thị lịch sử của Thủ đô

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quận Ba Đình được xem là trung tâm hành chính, chính trị của quốc gia, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại.

Các di tích, khu vực đặc thù về chức năng cũng như những giá trị văn hóa phi vật thể, là giá trị đặc trưng, không có nơi nào so sánh và thay thế được.

Mang đầy đủ những nét đặc trưng của đất Thăng Long - Hà Nội

Vùng đất Ba Đình lịch sử tới nay vẫn ẩn chứa sâu đậm những dấu ấn thời gian, văn hóa, lịch sử. Khi nhắc về quận Ba Đình, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã chia sẻ rằng, ai muốn nhận diện và hiểu Hà Nội, hãy tìm hiểu về quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, bởi đây là hai quận hầu như sở hữu đầy đủ những mặt nổi trội, những cái riêng của Thủ đô.

Quận Ba Đình tổ chức lễ hội “Tế khai sắc, Rước khai xuân” năm Quý Mão 2023 tại di tích quốc gia đặc biệt “Thăng Long Tứ Trấn” - đền Voi Phục. Ảnh: Duy Khánh
Quận Ba Đình tổ chức lễ hội “Tế khai sắc, Rước khai xuân” năm Quý Mão 2023 tại di tích quốc gia đặc biệt “Thăng Long Tứ Trấn” - đền Voi Phục. Ảnh: Duy Khánh

Năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, vùng đất Ba Đình đã được chọn là nơi xây dựng Hoàng Thành và cung điện của triều đình phong kiến, trở thành vị trí trọng yếu của kinh thành. Quận Ba Đình ngày nay cũng bao gồm cả phần đất của Thập tam trại (Thủ Lệ, Vạn Phúc, Hào Nam, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Giảng Võ)…

Trải qua cái nôi của nền văn minh sông Hồng, những cư dân của Ba Đình đã xây dựng và tạo nên mảnh đất lịch sử, văn hóa với di tích, danh thắng tiêu biểu như Hoàng thành Thăng Long, Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, cột cờ Hà Nội, các đền Quán Thánh, Voi Phục, chùa Một Cột… cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa khác mà hầu như phường nào cũng đều có.

Theo KTS Nguyễn Phú Đức, những lễ hội được tổ chức và diễn ra không chỉ trên địa bàn một phường, một quận mà có lễ hội với sự tham gia, liên kết các quận như lễ hội kỷ niệm Thập tam trại với sự có mặt của Hào Nam (quận Đống Đa), Lệ Mật (quận Long Biên). Đây là những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Ba Đình ngày nay.

“Từ ngày thành lập nước đến nay, khu vực Ba Đình được chọn là Trung tâm hành chính – chính trị quốc gia, tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Chính phủ, Quốc hội, Đảng và các trụ sở bộ, ngành. Trải qua hơn 10 thế kỷ, quận Ba Đình luôn và càng khẳng định giá trị về vị thế được lịch sử giao phó mà không một quận nào của nước Việt Nam có được” – KTS Nguyễn Phú Đức nhấn mạnh.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử

Theo KTS Nguyễn Phú Đức, cùng với các khu vực không gian quy hoạch kiến trúc đặc thù: Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố Pháp thì Thập tam trại (vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long) cũng chính là đặc điểm – giá trị bản địa “làng trong phố” đặc thù, chuyên biệt của quận Ba Đình.

Nếu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, không gian, làm tốt công tác thông tin quảng bá và khai thác tốt trong sự liên kết tuyến “Hoàng thành Thăng Long – các trấn thành phía Tây (đền Voi Phục), phía Bắc (đền Quán Thánh)”… sẽ trở thành sản phẩm du lịch “trở về nguồn cội” của quận Ba Đình, góp phần cho Nhân dân, du khách hiểu thêm về vùng đất “địa linh, nhân kiệt” này.

TS.KTS Lê Xuân Trường cho rằng, trên toàn cầu, xu thế tạo động lực mới để phát triển quốc gia bằng mô hình “đặc khu kinh tế và công nghệ” đã dần được thay thế bởi mô hình “đặc khu văn hóa”. Để thực sự là Thủ đô sáng tạo, trước hết phải phát triển “công nghiệp văn hóa”. Theo TS.KTS Lê Xuân Trường, khu trung tâm Ba Đình trở thành một kiểu mẫu đặc khu văn hóa là có thể.

Trung tâm của Thủ đô Hà Nội chính là khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử gắn liền với di sản văn hóa thế giới. Nơi đây tích tụ nhiều giá trị văn hóa, chính trị, lịch sử của 13 triều đạt với 52 vị vua và lưu truyền văn hóa sông Hồng, văn minh hàng ngàn năm nước Việt. Bởi vậy, kiến trúc quy hoạch nơi đây đứng trước thách thức và cơ hội mới, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên kết nối văn hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tạo dư địa cho phát triển kinh doanh dịch vụ

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, trong công cuộc phát triển quận Ba Đình từ phương diện đô thị, cần thực hiện đồng thời và gắn kết việc bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo và hiện đại hóa. Với Ba Đình, phù hợp hơn cả là nhận thức mang tính xuyên suốt, phát triển tiếp nối, liền mạch hữu cơ giữa quá khứ - hiện tại – tương lai. Củng cố và khẳng định hơn nữa vai trò và vị trí của Ba Đình với tư cách hạt nhân đô thị của Thủ đô, tương xứng cả về diện mạo lẫn văn hóa.

Chia sẻ về những định hướng phát triển quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, hiện nay, khu vực phía Đông Hoàng thành (khu phố cổ) được quan tâm bảo tồn, còn khu vực phía Tây (khu Thập tam trại) dường như bị lãng quên. Quá trình đô thị hóa, cùng sự quản lý lỏng lẻo trong nhiều thập kỷ qua đã làm khu vực Thập tam trại “biến dạng”, cấu trúc làng xã gần như bị xóa mờ. Đến nay, những gì còn lại ngoài các công trình di tích lịch sử văn hóa là một số ít các thiết chế như giếng nước, ao làng, cổng làng, đình làng…

“Nhiệm vụ của quận Ba Đình đặt ra là khôi phục lại những thiết chế đã mai một do tác động của con người, đưa chúng về gần với nguyên bản ban đầu. Nhưng việc này cũng gặp nhiều khó khăn, cần phải có rà soát, phân tích tổng thể để đưa ra phương án khả thi nhất. Một số thiết chế, chúng tôi đưa ra phương án tái dựng hình ảnh của chúng, như là một biểu tượng. Ví dụ, một cái giếng làng nay chỉ còn lại bằng cái “giếng nhà”, chúng tôi chọn cách dùng vật liệu kính, đèn LED để tái dựng thành “giếng ảo”…” – ông Tạ Nam Chiến cho hay.

Theo quy hoạch, quận Ba Đình là trung tâm đô thị lịch sử của Thủ đô. Để nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị trên địa bàn quận nói riêng và người dân Thủ đô, cũng như du khách, quận Ba Đình sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, quận sẽ tập trung và tạo dư địa cho kinh doanh dịch vụ, tăng cường các tiện ích đô thị, giữ văn minh, trật tự đô thị để từ đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình phát huy các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận Ba Đình đã đề ra xây dựng 2 khu vực kinh tế đô thị là khu phố ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ tại Đảo Ngọc – Ngũ Xã và khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ tại hồ Ngọc Khánh. Vừa qua, sau hơn 8 tháng khai trương khu phố Đảo Ngọc – Ngũ Xã đã thu hút, mở mới hơn 30 cơ sở kinh doanh ẩm thực, tăng thu ngân sách từ thuế lên 154%.

Quận Ba Đình cũng như các quận nội đô lịch sử khác đều rất hạn hẹp về quỹ đất dành cho không gian công cộng, ngay cả khi xác định được quỹ đất cũng còn rất nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, từ nay đến năm 2025, với nhiều sự cố gắng, quận sẽ cải tạo nâng cấp thêm 12 vườn hoa, 1 công viên và sẽ tiếp tục đầu tư xây mới 8 vườn hoa. Bên cạnh đó, các không gian công cộng cũng sẽ được tăng cường các tiện ích, từ wifi miễn phí, nước uống sạch, hệ thống thông tin hướng dẫn du khách…

 

Chúng tôi xem việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ, bao gồm cả chung cư cũ đơn lẻ nằm rải rác trong các phố cũ như là một cơ hội để tạo ra nhiều không gian công cộng, cây xanh, nhiều tiện ích, dịch vụ hơn nữa phục vụ cuộc sống.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến