70 năm giải phóng Thủ đô

Quận Ba Đình trả lời các kiến nghị về công trình 8B Lê Trực

Tin và ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND quận Ba Đình đã có văn bản số 947/UBND-QLĐT trả lời các kiến nghị của Công ty Cổ phần May Lê Trực về những vi phạm của đơn vị này tại dự án số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội).

Theo đó, về nội dung kiến nghị xem xét tính hợp pháp của Giấy phép xây dựng (GPXD) số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư cho rằng giấy phép cấp sai quy hoạch, sai đối tượng (cấp cho đối tượng được miễn giấy phép) và sai tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng (TCXD-TCVN 323:2004.
Đề nghị việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực theo quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2451/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 của UBND TP Hà Nội: Đã được Sở Xây dựng có Văn bản số 3737/SXD-TTr ngày 14/5/2020 trả lời cụ thể.
Quận Ba Đình tiếp tục có văn bản trả lời kiến nghị của Chủ đầu tư về việc phá dỡ phần xây dựng vi phạm tại công trình này.
Đối với kiến nghị xem xét tính hợp pháp của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (số 2763/QĐ-UBND ngày 12/10/2015) và Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định xử phạt hoạt động xây dựng (số 32/QĐ-UBND ngày 9/1/2016).
Chủ đầu tư cho rằng, việc UBND quận Ba Đình thi hành các quyết định trên cơ sở GPXD số 11/GP-SXD bị cấp sai là trái pháp luật; trong Quyết định không có nội dung phá dỡ tầng 17, 18 và đến nay đã hết thời hạn hiệu lực thi hành là 2 năm theo Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Việc chủ đầu tư cho rằng các quyết định xử phạt đã quá hiệu lực thi hành là không có cơ sở, do Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính là thời hiệu xử lý vi phạm hành chính không phải thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính thì đối với biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì không áp dụng thời hiệu thi hành.
Đối với kiến nghị dừng thuê Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng Bắc Nam do không có năng lực hoạt động xây dựng cấp I của Bộ Xây dựng là cơ quan lập phương án tháo dỡ; việc lắp đặt cần cẩu tháp khi chưa có quyết định hành chính, phương án phá dỡ được phê duyệt.
Về vấn đề này, UBND quận Ba Đình cho rằng, Công ty Bắc Nam là đơn vị có kinh nghiệm phá dỡ nhiều công trình trụ sở, văn phòng cấp I, II trên địa bàn TP Hà Nội, đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp chứng chỉ năng lực hoạt động và công bố thông tin trên trang thông tin của Bộ Xây dựng.
Việc lắp đặt cần cẩu tháp, UBND quận Ba đình đã thẩm định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ, tháo dỡ tầng 18 trên cơ sở ý kiến của Sở Xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.
Đối với kiến nghị về việc xem xét xử lý phần công trình vi phạm thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Khoản 9, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và Điều 79 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Theo đó, để áp dụng Khoản 9, Điều 13 thì phải thuộc 1 trong 2 trường hợp: Trường hợp xảy ra vi pham trước ngày 4/1/2008 và kết thúc trước ngày 15/1/2018  mới được người có thẩm quyền phát hiện và phải đảm bảo: Không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc  quyền sử dụng hợp pháp. Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hoặc trường hợp vi phạm đã được phát hiện trước ngày 15/1/2018, đã có các văn bản: Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả… Do đó, đề xuất này của chủ đầu tư là không phù hợp.
Đối với nội dung đối thoại giữa UBND TP và UBND quận Ba Đình với chủ đầu tư, người mua nhà; tổ chức hội thảo các chuyên gia đánh giá về kết cấu công trình. UBND quận Ba Đình cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, quận Ba Đình phối hợp với Sở Xây dựng nhiều lần tổ chức đối thoại, làm việc với chủ đầu tư và người mua nhà để giải thích, tuyên truyền. UBND quận đã có trên 10 văn bản trả lời các kiến nghị của chủ đầu tư và các hộ theo quy định.
Về việc tổ chức hội thảo thì các cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ hoàn công, bản vẽ thiết kế dùng để thi công công trình. Nhưng chủ đầu tư không nghiêm túc phối hợp, không cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Đối với nội dung đề nghị UBND TP Hà Nội xử lý vụ việc tại công trình 8B Lê Trực đảm bảo an toàn cho công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. UBND TP Hà Nội đã nhiều lần mời chủ đầu tư làm việc trực tiếp và đã có văn bản trả lời cụ thể, cũng như những thông báo kết luận.
Mới đây, UBND quận Ba Đình cũng đã có Văn bản số 1071/UBND-QLĐT ngày 3/7/2020 thông báo về việc trả lời kiến nghị của Công ty CP May Lê Trực theo đề nghị của đại biểu Quốc hội.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về sự việc này.