Quận Bắc Từ Liêm: Giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nội dung sinh hoạt phong phú nên nhiều thành viên tham gia mô hình Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng tại quận Bắc Từ Liêm đã từ bỏ ma túy, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hỗ trợ xóa bỏ mặc cảm, tạo sợi dây gắn kết cộng đồng

Ông Nguyễn Hữu Hào - Cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường Tây Tựu mặc dù đang tất bật với công việc “đặc biệt” như thường ngày nhưng cũng vui vẻ chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị: "Được phân công phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội từ năm 2011, hơn 10 năm qua, tôi luôn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các thành viên trong Đội hoạt động công tác xã hội tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng".

Nhờ được hỗ trợ, anh N.Đ.Q (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Thảo
Nhờ được hỗ trợ, anh N.Đ.Q (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Thảo

Được thành lập từ năm 2018, những ngày đầu mới triển khai mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng", Đội chỉ có 2 thành viên, việc vận động các thành viên tham gia tương đối khó khăn. Song nhờ sự đồng hành của Trường Đại học Lao động xã hội cùng phường Tây Tựu nên công tác sàng lọc, truyền thông tư vấn người nghiện tham gia điều trị thay thế bằng Methadone cũng như việc vận động, hoạt động của Đội dần hiệu quả.

Đến cuối năm 2019, Đội đã thu hút 23 thành viên tham gia. Năm 2020, hoạt động của Đội tạm thời bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến năm 2021, UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo tái thành lập mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng". Hiện Đội có 13 người gồm 1 đội trưởng, 1 đội phó là những người đã từng lầm lỡ bước vào con đường ma túy; người ít tuổi nhất sinh năm 1994, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1975.

Ông Hào cho biết, Đội xây dựng lịch sinh hoạt 1 - 2 lần/tháng. Mỗi buổi sinh hoạt đều có một nội dung, chuyên đề khác nhau. Bên cạnh đó, thành viên là người sau cai nghiện ma túy chia sẻ cố gắng tích cực của bản thân; những thuận lợi, khó khăn và đề xuất sự giúp đỡ. Đội cũng tổ chức những chuyến đi thực tế, dã ngoại, giao lưu, nhằm tạo sân chơi cho các thành viên, giúp xóa bỏ mặc cảm bản thân. Không chỉ giúp đỡ, hướng cho nhau về đời sống tinh thần, tư duy các thành viên trong Đội còn xin việc cho nhau.

Người sau cai nghiện được tạo việc làm, phát triển kinh tế

Thời gian qua, phường Tây Tựu luôn tạo điều kiện cho công tác xã hội tình nguyện của Đội hoạt động. Đặc biệt, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tạo điều kiện cho các thành viên trong Đội vay vốn (đại diện hộ gia đình có người sau cai nghiện đứng tên vay vốn) để phát triển kinh tế. Trong đó, có nhiều thành viên ăn nên làm ra, mua được đất, dành dụm được vốn xây nhà.

Đơn cử như anh N.Đ.Q. (sinh năm 1975, phường Tây Tựu), trước kia vừa nghiện rượu vừa sử dụng ma túy, nay sau cai nghiện, anh đã tu chí làm ăn, có cơ ngơi khang trang là căn nhà 3 tầng. Hay như anh C.H.T. - Đội trưởng đã dành dụm được vốn xây nhà, cuộc sống ổn định.

Mới đây, anh Đ.N.H. - thành viên Đội cũng được UBND quận Bắc Từ Liêm và phường Tây Tựu tặng xe máy để giúp anh có công việc làm. Nhờ đó, cuộc sống, kinh tế gia đình anh Đ.N.H. đang dần ổn định.

Trưởng phòng LĐTB&XH quận Bắc Từ Liêm Chu Thị Thu Hà cho biết, thời gian qua, để công tác cai nghiện ma túy được hoạt động hiệu quả, quận đã lựa chọn mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng”. Trong đó, năm 2021, quận triển khai mô hình này tại phường Tây Tựu, đến năm 2022 được nhân rộng, triển khai mới tại 4 phường (Liên Mạc, Minh Khai, Thượng Cát, Thụy Phương).

Năm 2023, mô hình được triển khai mới tại 3 phường Đức Thắng, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế 2 và tiếp tục duy trì tại 5 phường đã triển khai các năm trước. Số người sau cai nghiện ma túy tại 5 phường đã triển khai, vận động và tham gia mô hình là 31 người. Trong đó, số người quản lý sau cai mới được vận động và tham gia trong 6 tháng đầu năm 2023 là 7 người.

Có thể thấy, từ khi thành lập đến nay, mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ cung cấp các kiến thức kỹ năng dự phòng tránh tái nghiện, những mô hình này còn tạo cơ hội, địa điểm để các thành viên chia sẻ những khó khăn, băn khoăn trong cuộc sống. Người nghiện ma túy đã nhận thức được tác hại của việc sử dụng ma túy.

Tuy nhiên, một số người sau cai nghiện, chưa thực sự nhận thức về lợi ích của mô hình nên ngại tiếp xúc với cán bộ địa phương và tham gia sinh hoạt không đều. Mặt khác, nguồn hỗ trợ kinh phí hoạt động mô hình còn hạn chế… Về việc này, quận Bắc Từ Liêm tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức giúp các thành viên tham gia nhận được sự hỗ trợ, có việc làm và hòa nhập cộng đồng.

 

Để công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả, trong 7 tháng năm 2023, quận Bắc Từ Liêm đã hỗ trợ 3 gia đình vay vốn 220 triệu đồng trồng hoa, trồng bưởi; tạo việc làm cho 8 người (xe ôm, ship hàng, trồng hoa, hái sen và chăm sóc sen cho hộ kinh doanh cá thể), hỗ trợ tư vấn tâm lý, hướng nghiệp 15 người.
Trưởng phòng LĐTB&XH quận Bắc Từ Liêm Chu Thị Thu Hà