Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Bắc Từ Liêm triển khai mô hình điểm “Vì môi trường mạng xã hội bình yên”

Tin, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi thành lập đến nay, Công an quận Bắc Từ Liêm đã tiếp nhận, giải quyết 16 vụ việc trẻ em dưới 14 tuổi bị xâm hại, trong đó có 1 vụ trẻ em bị đối tượng quen trên mạng xã hội dụ dỗ sau đó thực hiện hành vi xâm hại.

 Ký kết Quy chế phối hợp giữa CAQ và Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm.
Chiều 30/3, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức Lễ phát động triển khai mô hình điểm “Vì môi trường mạng xã hội bình yên” đối với học sinh các trường THCS trên địa bàn quận. Tới dự có Đại tá Trần Ngọc Dương-Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện có 16 trường THCS với gần 13.000 học sinh (HS). Đây là lứa tuổi non nớt và chưa đủ chín chắn để làm chủ bản thân, nhưng thường có tâm lý chung là ưa khám phá, muốn thể hiện bản thân, tâm lý nghĩ mình đã trưởng thành nên sẽ tự cho mình quyền làm chủ được mọi thông tin từ mạng xã hội. Chính vì vậy, các em thiếu cảnh giác, dễ bị “đầu độc” bởi các thông tin xấu trên mạng xã hội, thậm chí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội hoặc vô hình trung tham gia tuyên tuyền, cổ súy cho các vấn nạn bạo lực học đường.
 Đại tá Trần Ngọc Dương-Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại lễ phát động.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc học tập của các bạn HS thường xuyên diễn ra bằng hình thức online trên mạng xã hội. Thông tư số 32/2002/TT-BGDĐT, trong đó có quy định HS các cấp THCS, THPT có thể sử dụng điện thoại di động trong giờ học nếu được giáo viên cho phép. Điều này đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho học sinh sử dụng mạng xã hội đúng cách, hiệu quả cũng như hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng.
Theo thống kê của CAQ Bắc Từ Liêm, từ khi thành lập đến nay, CAQ đã tiếp nhận, giải quyết 16 vụ việc trẻ em dưới 14 tuổi bị xâm hại, trong đó có 1 vụ trẻ em bị đối tượng quen trên mạng xã hội dụ dỗ sau đó thực hiện hành vi xâm hại. 2 vụ việc trẻ em bị đối tượng xấu quen trên mạng xã hội rủ dê bỏ nhà, bỏ học di theo đối tượng cả tuần; có 1 em HS lớp 9 tự tử để lại thư tuyệt mệnh nguyên nhân do chán nản, áp lực cuộc sống, không thể chia sẻ với người thân trong gia đình, một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực cũng là do thường xuyên sử dụng mạng xã hội bị ảnh hưởng dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực, gây hậu quả đáng tiếc.
 Ký bản cam kết giữa CAP Phúc Diễn, trường THCS Phúc Diễn và Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.
Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong môi trường mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên (HSSV) nhất là học sinh khối THCS trên địa bàn quận góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả cũng như huy động sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các phòng ban ngành chức năng, CAQ Bắc Từ Liêm đã tham mưu UBND quận triển khai thực hiện mô hình điểm “Vì môi trường mạng xã hội bình yên”.
Tại lễ phát động, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của CAQ Bắc Từ Liêm khi tổ chức lễ phát động triển khai mô hình "Vì môi trường mạng xã hội bình yên" làm điểm tại trường THCS Phúc Diễn. “CAQ đã nhanh chóng, chủ động tham mưu cho Quận ủy, UBND quận lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện mô hình phong trào với nhiều nội dung, giải pháp ý nghĩa, sáng tạo và thiết thực. Đơn cử như nghiên cứu ứng dụng sáng tạo công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện mô hình bằng cách thiết lập các trang fanpage, các kênh tương tác thông tin qua Zalo, Facebook, tổ chức dạy và học, các cuộc thi bổ ích trên không gian mạng,...”- Đại tá Trần Ngọc Dương khẳng định.
 Một hoạt cảnh trong tiểu phẩm "Mạng xã hội" tại chương trình.
Để triển khai thực hiện mô hình "Vì môi trường mạng xã hội bình yên" thực sự hiệu quả và thiết thực, Đại tá Trần Ngọc Dương đề nghị CAQ Bắc Từ Liêm cần tập trung bám sát chỉ đạo, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn có liên quan đến môi trường không gian mạng. Lồng ghép việc triển khai mô hình với việc đẩy mạnh công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao chất lượng các mô hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; tạo môi trường xã hội lành mạnh xung quanh các nhà trường góp phần ngăn chặn các tác động tiêu cực tới HS.
 Tuyên truyền pháp luật về "sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả" đối với các em học sinh.
Hiệu trưởng trường THCS Phúc Diễn Đỗ Thị Kim Loan cho biết, những năm qua, nhà trường đã tổ chức nhiều chuyên đề với nội dung trong cán bộ, giáo viên, HS tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, việc ứng dụng ứng xử trên mạng xã hội nói riêng cho HS các khối lớp.
 Học sinh hào hứng trả lời câu hỏi của Ban tổ chức.
Từ đó, HS trong trường đã có thay đổi tích cực trong nhận thức cũng như hành vi, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn. Là ngôi trường thực hiện mô hình điểm, vì môi trường mạng xã hội bình yên. Thông qua quy chế phối hợp giữa CAQ Bắc Từ Liêm với Phòng GD&ĐT quận, nội dung cam kết triển khai thực hiện mô hình giữa CAP Phúc Diễn và trường THCS Phúc Diễn và đại diện cha mẹ HS nhà trường, nhà trường hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân đơn vị sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. “Trong bối cảnh quốc gia truyền đổi số, giáo dục chuyển đổi số, trường THCS Phúc Diễn đã và đang sẽ tiếp tục tham gia nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác giáo dục đạo đức nói chung, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói riêng. Đặc biệt là nâng cao ý thức tham gia mạng xã hội của HS, giúp môi trường xã hội trong sạch lành mạnh bình an và tạo ra những công dân số thực sự hiểu biết văn minh” – bà Đỗ Thị Kiều Loan bày tỏ.