Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm nguồn thải gây ô nhiễm không khí

“Quản chặt” bụi công trường xây dựng

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, Hà Nội đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các dự án xây dựng. Các công trình cao tầng, khu đô thị mới và cơ sở hạ tầng được xây dựng liên tục, tạo ra diện mạo mới cho TP.

Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển này là một mối lo ngại lớn về ô nhiễm không khí do bụi công trường xây dựng.

Báo động bụi công trường xây dựng

Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội vào những ngày nắng mùa Hè người đi đường phải vất vả vượt qua những “cơn bão” bụi do một công trường xây dựng nằm ngay ven đường gây ra.

Một đoạn trên Quốc lộ 32 bụi tung mù mịt do bùn đất từ công trường gần đó gây ra. Ảnh: Nguyễn Quý
Một đoạn trên Quốc lộ 32 bụi tung mù mịt do bùn đất từ công trường gần đó gây ra. Ảnh: Nguyễn Quý

Cả một đoạn đường dài hàng trăm mét bị vương vãi bùn đất khắp nơi, thời tiết nắng nóng khiến bùn đất tán thành những nắm bụi lớn tụ dưới mặt đường. Mỗi khi có phương tiện chạy qua, những nắm bụi tạo thành một “cơn bão” bụi, táp thẳng mặt vào những người đi đường, không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn rất lớn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Đây chỉ là một trong những ví dụ rất nhỏ về tình trạng ô nhiễm bụi công trường đã và đang diễn ra tại Thủ đô.

Theo các chuyên gia môi trường, bụi từ các công trình xây dựng là một trong những nguồn ô nhiễm không khí chủ yếu tại Hà Nội. Bụi mịn PM2.5 và PM10 từ các hoạt động xây dựng có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm phổi, hen suyễn, và thậm chí là ung thư.

Bên cạnh các ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, bụi xây dựng còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống xung quanh. Cây cối và thảm thực vật bị bao phủ bởi bụi sẽ giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.

Đặc biệt, bụi xây dựng còn làm giảm chất lượng không khí, tạo ra cảnh quan TP mờ mịt, thiếu sức sống.

Mặc dù các quy định về bảo vệ môi trường và chống bụi đã được ban hành, nhưng thực tế cho thấy, nhiều công trường xây dựng tại Hà Nội vẫn chưa thực hiện tốt các biện pháp này.

Các công trình không được che chắn kỹ càng, xe tải chở vật liệu xây dựng không được che phủ, và việc phun nước giảm bụi chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này dẫn đến việc bụi bẩn, bùn đất phát tán ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc một số công trình tận dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi tập kết vật liệu xây dựng mà không có biện pháp che đậy, bảo vệ cũng là nguyên nhân khiến bụi, bùn đất từ các vật liệu này bị gió cuốn đi, lan rộng ra khắp khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, bụi từ các công trình xây dựng dễ dàng bay xa, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, các biện pháp xử lý bụi tại công trường cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Nhiều công trình chỉ phun nước tạm thời, không đủ để giảm thiểu lượng bụi phát sinh. Việc sử dụng các thiết bị hút bụi, máy phun sương chưa được áp dụng rộng rãi, dẫn đến tình trạng bụi vẫn tiếp tục lan tỏa, gây ô nhiễm không khí.

Cần giải pháp đồng bộ

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Cụ thể, TP đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Cùng với đó, TP đã trồng nhiều cây xanh, chuyển sang dùng các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa; yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là giải pháp mang tính tình thế bởi chặn đường đầu này lại phình đầu khác, các nguồn thải vẫn rất khó kiểm soát. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do bụi công trường xây dựng, cần thiết phải có những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng bụi công trường phát tán ra môi trường có không ít giải pháp, vấn đề là các chủ đầu tư, nhà thầu công trình có áp dụng hoặc áp dụng đầy đủ hay không.

Đơn cử như việc sử dụng công nghệ xử lý bụi bằng máy phun sương hay lắp đặt hệ thống hút bụi tự động tại các công trường xây dựng và khuyến khích nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, ít gây bụi. Các giải pháp trên đều được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng hiệu quả.

Tuy nhiên ở nước ta, nhiều nhà thầu, chủ đầu tư vì tiết kiệm chi phí hoặc những lý do nào đó đã không sử dụng hoặc sử dụng theo cách đối phó.

Nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn pháp lý, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện đã có chế tài đối với hành vi gây bụi khi thi công công trình xây dựng.

Đơn cử như Điều 15 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định khi thi công công trình trong khu dân cư mà không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn và môi trường (không tưới nước gây bụi trong khu dân cư) sẽ bị xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng.

Hay như tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định thi công xây dựng công trình mà không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh, hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt một khoản tiền từ 3 - 5 triệu đồng, tùy thuộc vào loại công trình.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng có những quy định rõ ràng đối với việc bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng. Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định, chế tài xử phạt đối với hành vi thi công công trường xây dựng gây ô nhiễm môi trường đã có song để phát huy hiệu quả rất cần những cơ quan quản lý, giám sát chặt chẽ hiệu quả. Trong đó, vai trò của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương là rất quan trọng.

 

Theo một kết quả nghiên cứu gần đây của Bộ TN&MT cho thấy, hiện chất lượng môi trường của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng. Mỗi năm, môi trường không khí TP phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công.