Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản chặt các dự án sử dụng nguồn lực của Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án ...

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Giảm thủ tục, tăng hiệu quả thu hút vốn đầu tư

Thảo luận về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), các đại biểu (ĐB) đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật và đề nghị xem xét kỹ các quy định đối với đối tượng sản xuất kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt các nhà đầu tư và thu hút đầu tư có chọn lọc.

ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, bỏ thủ tục Giấy đăng ký đầu tư trong Luật là một bước tiến, nhưng với nhóm các dự án sử dụng nguồn lực Nhà nước và có ảnh hưởng đáng kể tới các nguồn lực không sẵn có là nhóm cần kiểm soát nhất bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Dự Luật lại bỏ qua. Vì vậy, ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị chỉ bỏ thủ tục đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án sử dụng nguồn lực Nhà nước, đất đai, tài nguyên gây ảnh hưởng đến các nguồn lực khan hiếm khác của xã hội. ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng tình cho rằng, với các dự án có liên quan đến vốn Nhà nước, đất đai… thì Luật phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn để nguồn lực Nhà nước được phân bố một cách tốt nhất thông qua thị trường.

 
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Ủng hộ chủ trương áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, nhưng ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đề xuất, đối với quy định về bảo đảm đầu tư, Luật cần quy định rõ nhà đầu tư phải đặt trụ sở chính tại một địa điểm cụ thể để công tác quản lý được chặt chẽ hơn. Đồng thời, có cơ chế hài hòa giữa quy định về góp vốn và kiểm soát góp vốn và đề xuất bổ sung quy định việc thẩm định năng lực nhà đầu tư và chỉ nên ưu đãi đầu tư đối với sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, dịch vụ bảo vệ môi trường, công ích...

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ tâm tư: "Đầu tư nước ngoài của chúng ta sau 20 năm còn nhiều tồn tại như tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp phụ trợ không hình thành được... Việt Nam đang là nước thu hút công nghệ thấp và lao động giá rẻ. Ngay như Trung Quốc, giá lao động cũng đã tăng lên, chứng tỏ họ phát triển tốt, còn chúng ta thì vẫn là lao động giá rẻ và công nghệ thấp. Luật cần phải giải được bài toán đó". ĐB Trương Trọng Nghĩa ủng hộ nên có luật riêng về PPP và đầu tư nước ngoài nên là mảng nằm trong Luật Doanh nghiệp.

Các ĐB cũng đề nghị các lĩnh vực, ngành nghề cấm đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện thì cần quy định trực tiếp và cụ thể trong Luật chứ không nên để được quy định trong những văn bản dưới luật sau này.

Sửa Luật để tạo chuyển biến trong thi hành án dân sự

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đa số ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành Luật Thi hành án dân sự đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Kết quả thi hành án có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững; năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên.

Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật tập trung sửa đổi các quy định không phù hợp với thực tiễn, khó triển khai thực hiện; xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Việc sửa đổi cần chú trọng tới các quy định nhằm giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay như việc xác minh, truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án và điều kiện xét miễn, giảm thi hành án dân sự. Đặc biệt, một số ĐB tán thành bỏ quy định thu khoản tiền chi phí xác minh nhằm giảm bớt thủ tục, chi phí và gánh nặng cho người dân. Đồng thời, rút ngắn hơn thời hạn tiến hành xác minh.

 
Cũng trong ngày 23/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.

Luật Hải quan sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nhưng cũng bảo đảm kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời tăng thẩm quyền xử lý hành vi buôn lậu, xử lý vi phạm cho lực lượng hải quan.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; xác định rõ nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường... Hai luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.