Kinhtedothi - Chiều 19/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có báo cáo giải trình, làm rõ thêm những vấn đề ĐB Quốc hội quan tâm qua vấn đề nợ công, nợ xấu, hỗ trợ DN, năng suất lao động, giảm nghèo bền vững. Đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐB đặt ra.
Đến 2015 nợ xấu về mức 3%
Với nhận định nợ xấu đã vượt khả năng tự giải quyết của ngân hàng, đe dọa mất thanh khoản, dễ đổ vỡ hệ thống, làm tắc nghẽn sự hấp thụ vốn của nền kinh tế, làm nền kinh tế trì trệ thì nợ xấu trở thành vấn đề của kinh tế vĩ mô mà ở các nước, ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ phải can thiệp xử lý, không thể kệ cho trách nhiệm của ngân hàng và đề nghị Thủ tướng cho biết, Chính phủ có chủ trương gì để giải quyết vấn đề này? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chúng ta không có ngân sách và không sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu.
Đại biểu Quốc hội Y Khút Niê (đoàn Đắk Lắk) chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TTXVN
|
Trong báo cáo, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và sẽ kiên quyết thực hiện. "Đến 2015 nợ xấu trở về mức 3%, đó là mức thông thường trong kinh tế thị trường của các tổ chức tín dụng. Như thế phù hợp hơn với điều kiện kinh tế nước ta" - Thủ tướng lưu ý. Trước đó, trong báo cáo giải trình trước Quốc hội về những vấn đề ĐB quan tâm và gửi câu hỏi chất vấn, có vấn đề nợ xấu, Chính phủ đã đưa ra 6 giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ, tăng kiểm tra, kiểm soát…
Quanh vấn đề nhiều ĐB quan tâm là nợ công, giải trình trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ nhận định: Thực trạng gây lo lắng, bức xúc trong xã hội là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng…
Thời gian tới, theo Thủ tướng, nợ công chỉ đầu tư cho xây dựng phát triển, các công trình quan trọng thiết yếu theo quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, chất lượng công trình. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực các khoản vay ngắn hạn… Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt khoản vay mới.
Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP, nợ Chính phủ 46,6%. Kiểm soát chặt nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ vay của quỹ bảo hiểm xã hội, cấp bù chênh lệch lãi suất, nợ của DNNN, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Chính phủ sẽ chỉ đạo NHNN tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).
Đề nghị thành lập Bộ Kinh tế Biển
Vấn đề Biển Đông là một trong những nội dung được các ĐB mong muốn Thủ tướng Chính phủ làm rõ. ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Để dang tay giữ Biển Đông ngàn dặm, cần bớt đầu tư công trong bờ, để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho kinh tế biển, nên thành lập Bộ Kinh tế Biển để có một bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế biển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Trong những năm qua, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đã đạt nhiều kết quả, nhưng so với mong muốn, yêu cầu cần làm tốt hơn nữa, trong đó có đầu tư kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền trên biển. Chính phủ đang làm việc này, căn cứ vào khả năng ngân sách quốc gia, nợ công đã có một kế hoạchh đầu tư cho kinh tế biển gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh. "Còn về việc bớt đầu tư trên bộ, dành đầu tư trên biển như ĐB đặt ra, có khi đầu tư trên bộ mà phục vụ cho biển" - Thủ tướng lưu ý. Về đề xuất thành lập Bộ Kinh tế Biển, Thủ tướng ghi nhận điều này, nhưng cũng giải thích: Nếu tất cả các lĩnh vực liên quan đến biển từ kinh tế, tài nguyên, du lịch, vận tải… đều đưa vào một Bộ cũng khó mà quản được. Hiện nay, việc quản lý của là từng lĩnh vực cụ thể giao cho từng bộ chuyên ngành phụ trách, đảm bảo tất cả lĩnh vực đều được quản lý.
ĐB Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) chất vấn Thủ tướng về chủ trương của Đảng, Nhà nước ta với Trung Quốc sau khi rút dàn khoan Hải Dương - 981. Thủ tướng cho biết: Đối với Trung Quốc hay với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Nhà nước, điều này cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp mới. Đối với Trung Quốc, chúng ta hết sức mong muốn hai nước chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình ổn định, cùng phát triển, đem lại lợi ích cho cả hai bên và giải quyết những bất đồng về vấn đề biên giới biển đảo theo luật pháp Quốc tế. Về yêu cầu của ĐB là Thủ tướng nói ngắn, đầy đủ, dễ nhớ, dễ hiểu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đánh giá đây là vấn đề khó, nhưng Thủ tướng cũng trình bày khái quá 6 chữ: "Vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Thủ tướng cũng trả lời vấn đề ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đặt ra quanh việc Trung Quốc xây dựng trên các đảo, theo đó, "lập trường của chúng ta là phản đối điều này, vì hành động này đã vi phạm Điều 5 của Tuyên bố DOC".